Người thầy của ngành Thần kinh học và những ký ức không quên
Với sự ngưỡng mộ nhân vật được biết đến là người thầy của ngành Thần kinh học Việt Nam, chuyên gia y tế hàng đầu thế giới, tôi tìm đến căn nhà nhỏ ở phố Hoàng Ngọc Phách, quận Đống Đa, Hà Nội.
Trái với hình dung ban đầu của tôi về một vị giáo sư đầy vẻ uyên bác, đạo mạo, Giáo sư, Tiến sỹ Lê Đức Hinh đón tôi hết sức giản dị, trong trang phục áo trắng, quần âu chỉnh tề. Trò chuyện với tôi, ông sôi nổi, đau đáu các vấn đề từ giữ gìn nề nếp gia phong trong gia đình đến các vấn đề thời sự của đất nước nhưng lại rất kiệm lời khi nói về những đóng góp của mình cho ngành Y tế nước nhà.
Những tháng ngày phục vụ đồng bào Vĩnh Linh (Quảng Trị) sơ tán ra Kỳ Sơn (Nghệ An) trong điều kiện y tế hết sức thiếu thốn, nằm hầm trú ẩn với người dân Quảng Bình, khám chữa bệnh không đèn, không nước, không bàn ghế dưới hầm tối đen, ẩm mốc; hay những ngày Hà Nội chìm trong khói lửa khi giặc Mỹ ném bom xuống các mục tiêu kho xăng Đức Giang, Văn Điển, Gia Lâm… cùng anh em trong đội cấp cứu phòng không lao ra giữa hàng bom đạn để cấp cứu không quân kịp thời; chiến tranh đi qua lại có mặt trên khắp mọi miền đất nước để giám sát thanh toán bệnh bại liệt… là những khoảng ký ức không bao giờ quên trong gần 60 năm gắn bó với ngành Y từ thời chiến đến thời bình của Giáo sư Lê Đức Hinh.
Là một người thầy thuốc, dù thời điểm nào, trong mọi hoàn cảnh, Giáo sư Lê Đức Hinh đều luôn đặt trách nhiệm phục vụ lên hàng đầu. Với suy nghĩ "Phật tại tâm", "Tu tại gia", ông luôn cố gắng hết sức mình bằng trách nhiệm và lương tâm của người thầy thuốc qua những công việc khám chữa bệnh hàng ngày cho bệnh nhân cũng như giảng dạy cho sinh viên.
Nhớ lại giai đoạn năm 1968 đến khoảng năm 1974, dịch viêm não Nhật Bản bùng phát dữ dội tại miền Bắc nước ta. Trong giai đoạn bùng phát dịch, mỗi ngày, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận từ 5 - 6 trẻ nhập viện cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch. Lúc bấy giờ, viêm não Nhật Bản là căn bệnh kinh hoàng của các gia đình có con nhỏ. Dịch bệnh này thường bùng phát khoảng tháng 5 – 9 của năm, nếu trẻ không được điều trị kịp thời, chỉ 2 – 3 ngày là có thể tử vong. Tỷ lệ tử vong do viêm não Nhật Bản hàng năm chiếm tới 10% và trong số trẻ được chữa khỏi có khoảng 30-50% bị biến chứng tàn tật, kém thông minh.
Được giao nhiệm vụ ở khoa "đầu sóng, ngọn gió", ông cùng với các cộng sự đã ngày đêm "chiến đấu" với dịch viêm não Nhật Bản, dồn toàn bộ tâm trí để đưa ra phương án cứu chữa kịp thời. Sau nhiều nỗ lực, cố gắng của các y, bác sỹ Khoa Thần kinh, trong đó có Giáo sư Lê Đức Hinh, tỷ lệ tử vong do viêm não Nhật Bản đã giảm xuống còn 5%. "Do có vắc xin phòng bệnh và người dân cũng đưa trẻ đến bệnh viện sớm nên giờ đây viêm não Nhật Bản không còn là căn bệnh nguy hiểm nữa, số người mắc giờ chỉ còn rất ít và hầu như không có tử vong", Giáo sư Lê Đức Hinh cho biết.
Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1962 và gắn bó với Khoa Thần Kinh học – Tâm thần học, Bệnh viện Bạch Mai (sau này tách ra thành Khoa Thần kinh và Khoa Tâm thần học) từ đó đến khi về hưu, Giáo sư Lê Đức Hinh cùng với các cộng sự đã có nhiều đóng góp xây dựng ngành Thần kinh học Việt Nam, với tinh thần "người đi trước rước người đi sau", tận tình chỉ bảo, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau.
Vượt ra ngoài biên giới Việt Nam, Giáo sư Lê Đức Hinh thường xuyên được mời tới tham dự, phát biểu tại các hội nghị thường niên về Thần kinh học ở khu vực và trên thế giới. Với ông, đây là cơ hội để khẳng định vị thế của Việt Nam, để bạn bè quốc tế biết ngành Thần kinh học của Việt Nam cũng đang theo kịp sự phát triển của các nước tiên tiến trên thế giới.
Vừa là thầy thuốc vừa là thầy giáo trong ngành Y, Giáo sư Lê Đức Hinh đã giảng dạy cho nhiều thế hệ sinh viên tại các trường đại học, học viên sau đại học; hướng dẫn luận văn, luận án cho rất nhiều thạc sỹ, tiến sỹ y học trên khắp cả nước. Tại Đại học Y Hà Nội, ông giảng dạy từ năm 1969 đến nay. Những tài liệu của ông được xuất bản bằng tiếng Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và trở thành tài liệu giá trị về chuyên ngành Thần kinh học cho nhiều y, bác sĩ sau này. "Hai trong một, vừa là thầy thuốc vừa là thầy giáo trong ngành Y, đối với tôi đều là nghề phục vụ", Giáo sư Lê Đức Hinh chia sẻ.
Giáo sư cũng chấp bút nhiều cuốn sách y học như: "Sổ tay Hội chứng thần kinh, Bệnh thần kinh", "Thần kinh học trẻ em", "Dinh dưỡng liên quan đến bệnh lý thần kinh", "Bệnh Parkinson", "Thần kinh học lâm sàng", "Nhiễm khuẩn hệ thần kinh", "Chẩn đoán và điều trị các loại cơn co giật", "Thần kinh học trong thực hành đa khoa"… và nhiều ấn phẩm khác được xuất bản bằng tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha.
Ngoài các công trình về bệnh lý thần kinh ở người trưởng thành, Giáo sư Lê Đức Hinh còn dày công nghiên cứu về bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em. Luận án Tiến sỹ của ông về đề tài này (năm 1989) đã đóng góp rất nhiều vào hoạt động thanh toán bệnh dịch viêm não Nhật Bản tại Việt Nam.
Hiện nay, ngoài vai trò Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam, ông còn là Giáo sư giảng dạy của Đại học Y Hà Nội và Viện Nghiên cứu Khoa học Y dược lâm sàng 108; giám định viên của Hội đồng Giám định Y khoa Trung ương; thành viên Hội thần kinh và Phẫu thuật Thần kinh Cuba, Hội Thần kinh học Pháp, Viện Hàm lâm Thần kinh học Mỹ, Tổ chức Quốc tế Nghiên cứu Não… và nhiều tổ chức uy tín trong nước.
Nói đến Thần kinh học Việt Nam, bạn bè quốc tế thường biết tới đại diện là Giáo sư Lê Đức Hinh. Hằng năm, ông được mời tham dự các hội nghị chuyên ngành của khu vực và thế giới. Để vinh danh những đóng góp của Giáo sư Lê Đức Hinh, Nhà nước đã trao tặng ông các danh hiệu cao quý như: Thầy thuốc Nhân dân, Huân chương Lao động hạng Nhì… Năm 2011, ông được Trung tâm tiểu sử quốc tế ở Cambridge - Vương quốc Anh phong tặng danh hiệu chuyên gia y tế hàng đầu thế giới.
Một kỷ niệm đi theo ông suốt cuộc đời đó là ngày 20/9/1945, đúng vào rằm Trung Thu, tại sảnh chính của Bắc Bộ phủ, Giáo sư Lê Đức Hinh chính là cậu bé vinh dự được đứng cạnh Bác Hồ, đọc chúc từ Bác và đại diện cho học sinh Việt Nam hứa với Bác sẽ là con ngoan, trò giỏi. Và tấm gương của Người đã theo Giáo sư,Tiến sỹ Lê Đức Hinh suốt cuộc đời. Năm 2019, ông vinh dự là một trong những gương mặt tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khu vực và toàn quốc. Ông cũng vinh dự là một trong 10 cá nhân tiêu biểu được đề nghị xét tặng danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô năm 2019.