'Người thầy' của những phận đời lầm lỡ
Từ một Cảnh sát bảo vệ, giờ đây hằng ngày Đại úy Ngô Sỹ Thưởng- Cán bộ Đội giáo dục Trại giam Gia Trung, Cục 10 (Bộ CA, đóng tại xã Đak Ta Ley, H. Mang Yang, tỉnh Gia Lai), đứng trên bục giảng, tận tụy dạy từng chữ cái, con số cho phạm nhân mù chữ đang chấp hành án tại các phân trại. Những 'trang giáo án đặc biệt' của Đại úy Thường đã và đang cảm hóa hàng trăm phận đời lầm lỡ trong trại.
Từ một Cảnh sát bảo vệ, giờ đây hằng ngày Đại úy Ngô Sỹ Thưởng- Cán bộ Đội giáo dục Trại giam Gia Trung, Cục 10 (Bộ CA, đóng tại xã Đak Ta Ley, H. Mang Yang, tỉnh Gia Lai), đứng trên bục giảng, tận tụy dạy từng chữ cái, con số cho phạm nhân mù chữ đang chấp hành án tại các phân trại. Những "trang giáo án đặc biệt" của Đại úy Thường đã và đang cảm hóa hàng trăm phận đời lầm lỡ trong trại.
Cán bộ cũng là thầy
Trong lớp học đặc biệt của Đại úy Thưởng tại hội trường phân trại số 2, Trại giam Gia Trung, 57 học viên đang chăm chú đọc theo từng dòng chữ nắn nót ghi trên bảng. Từng vần thơ với nhiều cung bậc, giọng đọc khác nhau, rộn ràng cả hội trường. Thưởng kể, nghề giáo như một mối lương duyên đưa đẩy anh đến với nó. Năm 1993, sau khi tốt nghiệp trường Trung học Cảnh sát nhân dân, Thưởng về nhận nhiệm vụ Cảnh sát bảo vệ tại Trại giam Gia Trung. Đến năm 2007, anh được giao đảm nhiệm công tác xóa mù chữ cho phạm nhân; từ đó nghề giáo gắn liền với anh cho đến nay.
Tại Trại giam Gia Trung, chương trình học xóa mù chữ kéo dài 2 năm. Sau đó, học sinh của Trại sẽ được phổ cập tiểu học lớp 1, 2 và 3, với lịch học đều đặn một tuần 4 ngày, mỗi ngày 8 tiếng. Với một "thầy giáo tay ngang" như Thưởng, việc dạy học cho những "học sinh cá biệt" này thật không hề dễ dàng.
"Ban đầu nhận nhiệm vụ, tôi bối rối lắm vì không có nghiệp vụ sư phạm, lại dạy cho đối tượng đặc biệt là phạm nhân. Học sinh trong cùng một lớp có nhiều lứa tuổi; người nhỏ nhất cũng đã 16 tuổi, người lớn nhất đã ngoài lục tuần. Trình độ của từng học viên cũng không tương đồng, người chưa biết chữ nào, người lại đang dừng lại ở trình độ lớp 3 nên rất khó trong khâu biên soạn giáo án. Thêm vào đó, nhiều học sinh là người dân tộc thiểu số không hiểu tiếng phổ thông nên ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận kiến thức. Rất may, vợ của tôi cũng là giáo viên nên đã hỗ trợ rất nhiều trong khoảng thời gian đầu, nhất là trong khâu soạn giáo án và kỹ năng giảng dạy. Ngoài ra, mỗi năm tôi cũng tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ sư phạm để nâng cao chất lượng dạy học", Thưởng chia sẻ.
Dưới sự uốn nắn từng nét bút, chỉ dạy từ cách nhớ mặt chữ, ghép vần hết sức tận tâm của Đại úy Thưởng, đều đặn qua 13 năm đứng trên bục giảng đặc biệt ấy, hàng trăm phạm nhân đã biết đọc, biết viết.
Khơi dậy khát vọng hoàn lương
Đây có lẽ là lớp học xóa mù chữ đặc biệt nhất bởi đối tượng là tù nhân đang trong thời gian chấp hành án. Tại đây, những con người lầm lỗi được nhân lên khát vọng hoàn lương bắt đầu với từng con chữ dưới sự dìu dắt của "cán bộ" Thưởng. "Không chỉ dạy chữ, lớp học còn là nơi cảm hóa phạm nhân, dạy cho họ những điều hay, điều tốt đẹp qua từng trang sách. Qua mỗi bài học, tôi luôn cố gắng để họ cảm nhận được vẻ đẹp của quê hương, đất nước, thấy được tình cảm tốt đẹp giữa con người với nhau, học được cách ứng xử trong cuộc sống. Từ đó có thêm quyết tâm tu dưỡng, cải tạo", Thưởng tâm sự.
Chấp hành án tại Trại giam Gia Trung khi đã bước qua tuổi lục tuần nhưng phạm nhân Nguyễn Duy Côi vẫn chưa thể "đọc thông viết thạo" do trước đây chỉ học đến lớp 1 rồi nghỉ. Với quyết tâm biết đọc, biết viết trước khi mãn hạn tù, phạm nhân Côi đã tham gia lớp học xóa mù chữ ngay khi được cán bộ tại Trại giam Gia Trung vận động. "Ở đây thầy giáo Thưởng dạy rất nhiệt tình, dễ hiểu. Tôi mong mình biết đọc, biết viết để sau này trở về với xã hội có thể đọc được trang sách, tờ báo hoặc ít nhất là có thể ký được tên của mình", phạm nhân Côi chia sẻ.
Cũng chấp hành án được 2 năm và tham gia lớp học xóa mù chữ được 6 tháng, việc được học chữ đã khiến tâm tính của phạm nhân Nguyễn Văn Trụ (26 tuổi) thay đổi rất nhiều. Qua từng tiết học, vần thơ, phép tính, tâm tính của Trụ trở nên hiền hơn, lao động và cải tạo tốt hơn. "Trước đây, tôi chưa từng được đi học, vẫn bị nhiều người diễu cợt vì không biết chữ nên rất buồn và khó chịu. Không biết chữ đi tìm việc cũng rất khó. Vào đây, tôi được học và đã biết đọc, biết viết nên rất vui. Nhờ có thầy giáo Thưởng chỉ dạy, bây giờ tôi đã có thể biết được nội dung trong các cuốn sách, hiểu được thêm nhiều điều tốt đẹp. Biết chữ cũng sẽ tạo thuận lợi hơn cho tôi sau khi được trở về với xã hội".
Lòng nhiệt huyết trong công tác dạy học xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học của Đại úy Thưởng được đơn vị ghi nhận bằng nhiều hình thức khen thưởng. Đặc biệt, vừa qua, anh được Bộ trưởng Bộ CA tặng Bằng khen về điển hình tiên tiến trong lực lượng CAND giai đoạn 2015-2020.
Thượng tá Đào Ngọc Sỹ- Phó Giám thị Trại giam Gia Trung cho biết: "Với tính chất đặc thù của Trại giam Gia Trung, chúng tôi chọn Đại úy Ngô Sỹ Thưởng để trực tiếp giảng dạy cho đối tượng phạm nhân chưa biết chữ. Trong thời gian qua Thưởng đã phát huy được hết nhiệt huyết, khả năng của mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt yêu cầu của đơn vị cũng như đảm bảo chất lượng giáo dục của Phòng GD-ĐT H. Mang Yang giao phó. Lớp học được duy trì đều đặn và giúp hàng trăm phạm nhân biết đọc, biết viết, hỗ trợ đắc lực cho việc tái hòa nhập cộng đồng sau này".
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_236496_-nguoi-thay-cua-nhung-phan-doi-lam-lo.aspx