Người thầy đặc biệt của nhiều nhà leo núi 'Đường lên đỉnh Olympia' tỉnh Quảng Trị
Từng 3 lần trở thành điểm cầu chung kết 'Đường lên đỉnh Olympia', Trường THPT thị xã Quảng Trị là một trong những 'cái nôi' tạo ra các nhà leo núi tài ba. Ít ai biết rằng, sau những thành công ấy có bóng dáng thầm lặng của một người thầy hết sức đặc biệt.
17 năm trồng người trên “đất lửa” Quảng Trị
Thầy giáo Lê Công Long (SN 1982) là người con của đất Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nhưng sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Huế, thầy Long đã bén duyên với “đất lửa” Quảng Trị từ năm 2005 và được giao nhiệm vụ công tác tại Trường THPT Tân Lâm, huyện Cam Lộ.
Giảng dạy xa gia đình nhưng bằng trách nhiệm, tấm lòng của nghề giáo, thầy Long đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách để cống hiến sức trẻ, nhiệt huyết cho ngành giáo dục. Sau gần 10 năm cố gắng, phấn đấu, năm 2013 thầy Long được luân chuyển công tác về với Trường THPT thị xã Quảng Trị và gắn bó ở ngôi trường này từ đó cho đến nay.
Thầy Long chia sẻ, hành trình 17 năm trồng người trên “đất lửa” Quảng Trị của mình có cả những đắng cay, ngọt bùi, không thiếu những giọt nước mắt và cũng phải kể tới những nụ cười, niềm tự hào.
Khi về với Trường THPT thị xã Quảng Trị, thầy Long được giao nhiệm vụ phụ trách chương trình "Chinh phục đỉnh cao", dẫn dắt, bồi dưỡng các em học sinh để tham dự chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”.
“Nhận nhiệm vụ lúc đó tôi cũng rất lo lắng, tuy nhiên với sự giúp đỡ của ban giám hiệu, đồng nghiệp và sự tin tưởng của các em học sinh đã cho tôi rất nhiều động lực. Từ đó tôi tìm tòi để tạo ra hướng đi, mục tiêu rõ ràng, làm sao để tạo một sân chơi trí tuệ, để các em học sinh phát huy được hết khả năng của mình”, thầy Long tâm sự.
Suốt chặng đường trồng người đầy thách thức của mình, thầy Long đã sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau, vừa thay đổi không khí lớp học, tạo hứng thú đối với học sinh, vừa để nâng cao tư duy của giới trẻ.
Thầy Long luôn mong muốn học sinh của mình được phát triển toàn diện, có cái nhìn đa chiều, lối tư duy logic và đặc biệt, trong hành trình này, thầy cũng phát hiện ra những “viên ngọc thô” và đồng hành trên chặng đường “mài dũa” để viên ngọc có thể thực sự tỏa sáng.
Xác định việc giảng dạy lấy học trò làm trung tâm, thầy Lê Công Long đã chú trọng phát hiện những học sinh ưu tú để bồi dưỡng, giúp các em đạt được kết quả cao trong học tập.
Đưa nhiều nhà leo núi lên “Đỉnh Olympia”
Khi nhắc về thầy Long, nhiều người ngành giáo dục tỉnh Quảng Trị đã đặt cho thầy biệt danh là “bệ đỡ” cho các nhà leo núi Olympia. Và quả không sai khi những năm qua, thầy Long đã dìu dắt nhiều học sinh Trường THPT thị xã Quảng Trị góp mặt trong vòng Chung kết Đường lên đỉnh Olympia và gặt hái nhiều quả ngọt đáng tự hào.
Hành trình gần 20 năm trồng người trên đất Quảng Trị của thầy giáo đến từ “Xứ Thanh” đã 3 lần đồng hành cùng các em học sinh, đưa Trường THPT thị xã Quảng Trị trở thành điểm cầu chung kết cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia”.
Trong đó phải kể đến em Văn Viết Đức, học sinh của Trường THPT thị xã Quảng Trị trở thành Quán quân của Chung kết "Đường lên đỉnh Olympia" năm 2015 số điểm 250. Với phong thái điềm đạm, thông minh và quyết đoán, học trò của thầy Long đã để lại nhiều ấn tượng cho khán giả thời điểm ấy và cho tới tận bây giờ.
Niềm tự hào của thầy Lê Công Long còn là em Lê Thanh Tân Nhật - Á quân cuộc thi năm 2018. Em Văn Ngọc Tuấn Kiệt cũng lọt vào chung kết và đồng giải Ba trong cuộc thi này.
“Các em đều là niềm tự hào của nhà trường và các thầy cô, các bạn, với những gì đã gặt hái được, với một người thầy giáo, tôi luôn muốn các em tiếp tục thành công hơn nữa, đem tri thức cống hiến cho nước nhà”, thầy Long nói về học trò của mình.
Thầy Lê Công Long không chỉ thành công khi dìu dắt học sinh trong những bước đường leo núi mà thầy cũng phụ trách các học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật, tiếp thêm tự tin cho các em tìm tòi, sáng tạo.
Từ năm 2016 đến nay, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của học sinh được thầy Long hướng dẫn đã đạt các giải cao, mang lại nhiều thành tích cho trường THPT thị xã Quảng Trị. Tiêu biểu như đề tài "Cánh tay robot cho người khuyết tật" của em Phạm Huy đạt Nhất Quốc gia lĩnh vực robot và máy thông minh, đồng thời đạt giải Ba quốc tế tại Hoa Kỳ năm 2017.
Đối với thầy Long, nghiên cứu khoa học kỹ thuật là một lĩnh vực cần sự sáng tạo nhưng cũng cần phải chú tâm, dành nhiều thời gian và tâm huyết của mình thì mới có thể mang lại kết quả chất lượng. Ngoài ra, với thầy Long, mỗi người giáo viên dù ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng luôn cần phải giữ vững tinh thần đổi mới, có tính cầu thị cao và hết lòng với sự nghiệp trồng người mà mình đã chọn.
Cô giáo Phan Thiên Nga, Hiệu trưởng Trường THPT thị xã Quảng Trị cho hay, thầy Lê Công Long đã gắn bó cùng mái trường được gần 10 năm, góp công sức không nhỏ cho những thành tích của nhà trường. Thầy luôn được cấp trên, đồng nghiệp ghi nhận, học trò yêu mến.
Trong nhiều năm liền, với những cống hiến cho ngành giáo dục và các thế hệ học trò, thầy giáo Lê Công Long vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD và ĐT vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”. Bên cạnh đó, thầy Long cũng được UBND tỉnh Quảng Trị tặng Bằng khen, Sở GD và ĐT tặng Giấy khen, cùng nhiều danh hiệu, phần thưởng khác.