Người thầy không đứng trên bục giảng

Gác lại chuyện cơm áo gạo tiền, Hoàng Mạnh Quỳnh, xã Trung Môn (Yên Sơn) tự mở các lớp học, thành lập các câu lạc bộ, âm thầm truyền đam mê khoa học cho học sinh. Người thầy không đứng trên bục giảng này vẫn lặng lẽ mỗi ngày, đưa những kiến thức mới, cách học mới đến cho thế hệ học trò ham tìm hiểu.

Người thầy truyền cảm hứng

Sinh năm 1985, nhưng Hoàng Mạnh Quỳnh trẻ hơn nhiều so tuổi. Anh cười, giải thích: Có lẽ vì được làm việc bằng đam mê, làm đúng sở trường, nên mình “non” hơn các bạn cùng tuổi.

Ngôi nhà của Hoàng Mạnh Quỳnh khá rộng rãi và ngăn nắp, trái ngược với hình dung về nơi ăn chốn ở của dân công nghệ. Quỳnh vốn là dân công nghệ, chuyên ngành đào tạo là lập trình nhúng. Ra trường anh mở một cửa hàng sửa chữa máy tính ở thành phố Tuyên Quang. Kiến thức được học về phần mềm, nhưng khi lao vào thời cuộc, Quỳnh chỉ áp dụng được kiến thức về phần cứng.

Thầy Hoàng Mạnh Quỳnh.

Thầy Hoàng Mạnh Quỳnh.

Không phát huy được hết kiến thức, nhưng nguồn thu nhập ổn định, mọi chuyện có lẽ cứ tự nhiên như thế, nhưng khi cậu con trai đầu vào lớp 7, những thay đổi của lứa tuổi vị thành niên khiến việc học hành cũng như tập trung khó bảo hơn, thì Quỳnh buộc phải rẽ hướng. Quỳnh mày mò tìm hiểu về phương pháp STEM, rồi hướng con mình nghiên cứu, lắp ráp và chế tạo những chú rô bốt có thể hoạt động được. Con được thỏa đam mê sáng tạo, bố được ôn lại kiến thức 4 năm Đại học, hai cha con cứ thế động viên nhau mày mò, cùng tiến bước.

Khi cô con gái thứ 2 học lớp 3, Quỳnh suy nghĩ nghiêm túc hơn về việc mở các lớp hướng dẫn chuyên nghiệp.

Những học sinh được thầy hướng dẫn, hỗ trợ đạt giải cao khi tham gia các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật ngày càng nhiều. “Tiếng lành đồn xa”, số học sinh tìm đến Quỳnh nhiều hơn. Nhưng ấn tượng nhất, có lẽ là một cậu học sinh ở thành phố Tuyên Quang.

Quỳnh kể, mẹ em đưa em đến nhà, gửi gắm, vì ở lớp, cậu được thầy cô giáo nhận xét là học sinh thiểu năng trí tuệ. Khi tiếp xúc, cậu học trò khuôn mặt khôi ngô, sáng sủa, chỉ có nhược điểm là mất tập trung và... nghiện chơi trò chơi điện tử.

Làm quen, tâm sự, rồi chia sẻ như 2 người bạn, Quỳnh tìm kiếm phương pháp thích hợp với cậu bé, khơi gợi những hứng thú trong học tập. Cứ thế, trò tiến bộ dần. Điểm mạnh nhất của cậu học trò này là điều khiển rô bốt - kỹ năng mà nhiều học sinh ở Tuyên Quang hạn chế. Năm vừa rồi, tham dự cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật thành phố, em được giải Nhì.

Lớp học miễn phí của Hoàng Mạnh Quỳnh cho học sinh.

Lớp học miễn phí của Hoàng Mạnh Quỳnh cho học sinh.

Để thắp lửa đam mê sáng tạo cho học sinh, Hoàng Mạnh Quỳnh thành lập Câu lạc bộ SK Tuyên Quang để tham gia “chinh chiến” các giải Robocon toàn quốc. Thành tích của các thành viên Câu lạc bộ là không hề nhỏ, khi SK Tuyên Quang được đánh giá là “có số má” trong toàn quốc. Thành tích của SK Tuyên Quang từ năm 2021 đến nay đều nằm trong top 8 toàn quốc.
“Thầy Quỳnh” được học trò gọi tự nhiên như thế, dẫu Quỳnh chưa buổi nào đứng trên bục giảng.

Đến những lớp học miễn phí

Hoàng Mạnh Quỳnh say sưa nói về STEM: Giáo dục STEM vừa mang ý nghĩa thúc đẩy giáo dục các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học vừa thể hiện phương pháp tiếp cận liên môn phát triển năng lực và phẩm chất người học. Ý nghĩa và vai trò cụ thể của giáo dục STEM là đảm bảo giáo dục toàn diện; nâng cao hứng thú học tập các môn học thuộc lĩnh vực STEM; hình thành và phát triển năng lực phẩm chất cho học sinh; kết nối trường học với cộng đồng; hướng nghiệp của cho học sinh.

Học sinh háo hức với tiết học.

Học sinh háo hức với tiết học.

Quá trình đưa các sáng kiến STEM thành hiện thực là một hành trình đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng nghỉ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các giáo viên, học sinh và nhà trường. Khi hướng dẫn học sinh, Quỳnh cố gắng gắn kết nội dung bài học, sáng kiến với nhu cầu thực tế trong cuộc sống. Sau đó, ý tưởng được phát triển thành các dự án thử nghiệm, được học sinh nghiên cứu và cải tiến với sự hướng dẫn của thầy và sự giúp đỡ đồng hành của Ban giám hiệu nhà trường.

Để tìm lớp người kế cận, Hoàng Mạnh Quỳnh phối hợp với Trường Đại học Tân Trào tìm kiếm lớp sinh viên có năng khiếu, rồi mở các lớp học miễn phí về lập trình nhúng. Nhưng rơi rụng dần, lớp ban đầu có 10 người, sau giảm còn 6-7 người, rồi... không còn ai cả. Với Quỳnh, đây thực sự là điều vô cùng đáng tiếc, khi câu chuyện AI, về chuyển đổi số, tự động hóa... đang diễn ra ngày càng nhanh, mạnh và được dự báo tạo ra những bước chuyển đột phá trong tương lai.

Hiện Hoàng Mạnh Quỳnh đang mở các lớp học STEM miễn phí cho học sinh các bậc học. Để có tiền duy trì lớp học, Quỳnh cũng xoay đủ nghề, nhưng khi nhìn học sinh hứng thú trải nghiệm, Quỳnh bảo, đấy chính là trái ngọt mà mình mong muốn được gặt hái. Câu chuyện kinh tế mình cần thật, nhưng không phải là tất cả.

Đáng buồn là giờ học sinh phải đi học thêm nhiều quá, ít bạn được bố mẹ đầu tư vào các lớp học như này, nên số lượng học sinh của Quỳnh chỉ dừng lại ở con số 6-7
học sinh.

Nhưng với Quỳnh, đây đã là thành công bước đầu. Về lâu dài, khi Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia thực sự đi vào cuộc sống, cộng với những thay đổi trong giáo dục, đào tạo, thì STEM, khoa học công nghệ trong trường học sẽ được quan tâm hơn, tạo ra những thay đổi đáng kể hơn trong giáo dục đào tạo.

Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/nguoi-thay-khong-dung-tren-buc-giang-209500.html