NGƯỜI THẦY KÍNH YÊU: Người mẹ dịu dàng của lớp ngữ văn

Cô Hứa Bích Thủy không chỉ là giảng viên truyền cảm hứng mà còn là người mẹ ân cần, người bạn cùng chúng tôi đi qua những tháng năm sinh viên rực rỡ, thậm chí là người tri kỷ bên cạnh khi chúng tôi thành công hay thất bại

Chúng tôi là sinh viên khóa ngữ văn đầu tiên của Trường ĐH Bạc Liêu. Thành thực mà nói, đây như một điểm dừng khi chúng tôi lỡ "hụt chân" ở những trường đại học lớn. Bởi vậy, tinh thần học của chúng tôi cũng chẳng mấy sốt sắng ở giai đoạn đầu năm học. Tư tưởng của chúng tôi khi ấy vẫn "học đỡ một năm", sang năm thi lại.

Dấu ấn công sức

Thế nhưng, mọi thứ dần thay đổi khi cô Hứa Bích Thủy làm cố vấn học tập của lớp. Cô giúp những cô cậu thanh niên tuổi 18 hiểu rằng môi trường học tập rất quan trọng nhưng quan trọng nhất vẫn là ở người học.

Cô dạy trực tiếp chúng tôi 3 học phần. Mỗi tiết học của cô, chúng tôi bao giờ cũng rất mong đợi và hào hứng. Cô đưa chúng tôi đến với những tác phẩm hay, những vùng đất mới. Hơn hết, cô đã giúp chúng tôi yêu văn hơn, khơi gợi trong chúng tôi sự hứng thú tìm tòi và khám phá kiến thức mới.

Ngày ấy, chúng tôi thích nhất là khi cô giới thiệu mấy cuốn giáo trình, sách hay. Sau buổi học, chúng tôi mượn rồi đi photo để đọc và làm tư liệu. Chúng tôi còn miệt mài lên thư viện trường, thư viện tỉnh để đọc sách bởi được cô truyền những năng lượng tích cực.

Cô Hứa Bích Thủy (giữa) gặp gỡ sinh viên cũ trước khi nghỉ hưu

Cô Hứa Bích Thủy (giữa) gặp gỡ sinh viên cũ trước khi nghỉ hưu

Là sinh viên khóa ngữ văn đầu tiên, chúng tôi không khỏi hoang mang ra trường sẽ làm gì? Những khi ấy, cô lại bên cạnh từng bạn, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, sở trường và cả sở đoản để định hướng. Học giỏi văn, chắc chắn là phải vậy rồi nhưng còn phải học thêm các tín chỉ, kỹ năng mềm để có đủ điều kiện ứng tuyển những vị trí việc làm tốt. Chúng tôi lại bắt đầu học thêm về mảng báo chí, thư viện, sư phạm, quay phim… Quả thật, việc nhìn xa của cô đã mang lại cho lớp tôi những kết quả cực kỳ tốt sau khi ra trường.

Với kiến thức sau 4 năm trên giảng đường đại học cùng những tín chỉ các ngành nghề khác nhau, lớp tôi hầu hết xin được việc làm ổn định, có thu nhập khá tốt sau khi ra trường. Đó là thành công của chúng tôi, trong đó có dấu ấn rất lớn công sức của cô.

Cầu nối yêu thương

Với chúng tôi, cô Thủy không chỉ là một người thầy mà còn là một người mẹ. Cô quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của từng sinh viên. Coi cô như mẹ, có khúc mắc gì trong cuộc sống, chúng tôi thường đến chỗ cô tâm sự và nhờ tư vấn. Vậy nên, lớp tôi cực kỳ đoàn kết và yêu thương nhau.

Nhớ nhất là đợt chúng tôi đi thực tế học tập năm 3. Cô như mẹ hiền, lo lắng cho chúng tôi từng bữa ăn, giấc ngủ. Bạn Hoài bị say xe nặng, suốt chuyến đi cứ nôn ói rồi nằm vạ vật. Cô đến bên cạnh lấy dầu xoa vào gan bàn chân Hoài cho ấm. Cô đi mua cháo, mua thuốc cho Hoài. Cô không quên dặn các bạn trong phòng đừng bật máy lạnh nhỏ quá, Hoài đang yếu sẽ dễ bị cảm…

Với riêng tôi, cô luôn bên cạnh nhắn nhủ từng chút. Cô chỉ tôi cách để mạnh mẽ đối diện với áp lực cuộc sống. Cô khuyến khích tôi phải giảm cân, chỉ khi mình tự tin với vẻ bề ngoài thì năng lực bên trong mới được thể hiện hết.

Biết tính tôi yếu đuối và dễ bỏ cuộc, mỗi lần gặp cô đều dặn dò: "Phụ nữ có việc làm để khẳng định bản thân là điều cần thiết. Đừng bao giờ thấy khó mà nản". Nhờ cô mà tôi tự tin hơn khi đối diện với thử thách và vững vàng hơn trong cuộc sống.

Chúng tôi tốt nghiệp ra trường đến nay đã 12 năm. Trong 12 năm chúng tôi rời trường đại học, miệt mài trên con đường khẳng định bản thân, xây dựng hạnh phúc gia đình luôn có cô đồng hành. Những khó khăn khi bước vào một môi trường làm việc xa lạ, chúng tôi đều chia sẻ với cô. Khi có những thành công đầu tiên trong sự nghiệp, chúng tôi cũng vội vã về khoe với cô.

Cô vẫn luôn ở đó, cười thật hiền khi nghe chúng tôi nói hết những ấm ức trong lòng. Nhiều khi cô lại nghiêm khắc chỉ bảo khi thấy học trò vẫn còn quá trẻ con, ích kỷ và chưa định hướng được con đường mình cần phấn đấu để phát triển hơn.

Chẳng có đám cưới nào của học trò mà cô từ chối tham dự dù xa xôi cỡ nào. Cách cô đến dự chẳng phải như một vị khách mà như một người mẹ, một người thân. Nhìn học trò tìm được một nửa của mình, mắt cô rạng ngời hạnh phúc. Bao giờ trước khi về, cô cũng nắm tay rồi dặn dò, nhắn nhủ, rằng phải biết hy sinh và lắng nghe khi bước chân vào cuộc sống gia đình.

Ngày cưới của tôi, cô cũng đến ôm tôi thật chặt. Tự dưng, tôi thấy trái tim mình ấm áp quá. Tôi có mẹ ruột, có mẹ chồng và có cả cô.

Ngày kỷ niệm 10 năm ra trường, cả lớp tụ tập về bên cô. Hôm ấy, cô ôm chặt từng đứa. Mười năm ngắn hay dài? Chỉ biết từ những cô cậu sinh viên ngày nào, giờ chúng tôi đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, có gia đình hạnh phúc và con đường rộng mở phía trước. Tuy vậy, vài bạn cũng còn vất vả với cuộc mưu sinh. Tôi thấy cô ôm các bạn ấy lâu hơn, nói với họ thật nhiều điều. Lúc đứng lên phát biểu, cô dặn dò: "Các em là bạn, là anh chị em, phải biết nâng đỡ nhau trong cuộc sống".

Chính vì những gửi gắm ấy của cô, chúng tôi bao năm nay vẫn luôn yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau. Ở gần thì gặp gỡ, quan tâm; ở xa thì động viên, chia sẻ. Chúng tôi cứ vậy, là một tập thể đoàn kết nhờ cầu nối yêu thương là cô. Mãi mãi trong trái tim chúng tôi vẫn là hình ảnh một giảng viên đáng kính - mẹ Thủy dịu dàng của khóa ngữ văn đầu tiên…

Nhớ phần ăn sáng của cô

Sinh viên lớp tôi khi ấy hầu hết ở các huyện của tỉnh Bạc Liêu, gia đình chủ yếu phụ thuộc vào nghề nông nên còn rất nhiều khó khăn. Bởi vậy, để có tiền đi thực tế ngoài tỉnh cũng chẳng phải chuyện đơn giản.

Thế nên, sáng nào tôi cũng thấy cô thức từ khá sớm, đi mua xôi, bánh mì tặng vài bạn trong lớp điều kiện còn khó khăn. Cô khéo lắm, không trực tiếp đưa cho các bạn ấy vì ngại họ tủi thân, mặc cảm. Thường thì cô sẽ nhờ những bạn chơi thân đưa lại. Chuyện này cũng chẳng mấy bạn trong lớp được biết. Còn riêng tôi, mỗi lần nhớ đến chuyện cũ thì lòng lại rưng rưng xúc động.

Bài và ảnh: Thu Phương (TP Bạc Liêu)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nguoi-thay-kinh-yeu-nguoi-me-diu-dang-cua-lop-ngu-van-196240707220541207.htm