Người thầy kính yêu: Nguồn sáng dẫn lối đường đời

Nhà giáo Lê Thanh Xuân dành cả tấm lòng cho học viên khiếm thị, dẫn lối để chúng tôi vượt qua bóng tối, trở thành những người tiếp nối dẫn dắt các thế hệ học trò

Năm nay, cô Lê Thanh Xuân (nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện An Dương, TP Hải Phòng) đã hơn 70 tuổi nhưng mỗi chiều đi làm về qua thị trấn An Dương, tôi vẫn nghe giọng nói truyền cảm của cô trên đài truyền thanh. Từ khi nghỉ hưu, cô tham gia công tác tại Hội Khuyến học địa phương và làm phát thanh viên đài truyền thanh của thị trấn.

Ngưỡng mộ cô qua từng tiết dạy

Dù tôi không còn là học viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện An Dương nhưng cô Xuân vẫn nhiệt tình hỗ trợ. Bao năm qua, cô vẫn là chỗ dựa tinh thần của trò khiếm thị trong những lúc khó khăn.

Tôi tìm tới Trung tâm Giáo dục thường xuyên do bị hỏng mắt, 13 tuổi mới được học lớp 1. Vậy nên, học xong THCS, tôi đã quá tuổi vào THPT. Cũng nhờ vậy, tôi mới may mắn được gặp cô Xuân.

Chưa từng qua lớp tập huấn giáo dục đặc biệt nào nhưng cô rất hiểu người khiếm thị. Lúc nào cô cũng có cái nhìn vị tha, độ lượng với học trò. Kể cả học trò ngỗ ngược vẫn được cô bao dung cảm hóa bằng trái tim nhân hậu. Với cái tâm hướng về điều thiện, thời gian cô làm giám đốc, trung tâm có lớp xóa nạn mù chữ cho 18 học viên khiếm thị lớn tuổi.

Tôi vẫn nhớ như in lần gặp cô Xuân đầu tiên. Hôm ấy, tôi tới trung tâm xin học, cô đã nhờ người chở tôi về để đỡ tiền xe ôm. Khi chính thức trở thành học viên, tôi càng được cô đặc biệt tạo điều kiện giúp đỡ.

Nhà giáo Lê Thanh Xuân cùng tác giả trong một dịp gặp mặt mới đây. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nhà giáo Lê Thanh Xuân cùng tác giả trong một dịp gặp mặt mới đây. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Là một giáo viên dạy văn rất hay, giọng nói nhẹ nhàng, truyền cảm, cô thu hút sự chú ý của học viên bằng cách diễn đạt có hồn. Học viên quý mến cô bởi cách giảng sinh động mỗi giờ lên lớp. Văn thơ từ đời sống lại trở về với đời sống qua bài giảng của cô. Từ những áng văn, vần thơ, cô đã dạy học viên hiểu đời, hiểu người, hiểu chính mình và biết sống đẹp hơn.

Lớp học dù ồn ào đến mấy nhưng khi cô bước vào là trật tự ngay. Học trò im lặng chờ nghe bài giảng của cô, dường như bị thôi miên, đắm chìm vào biển kiến thức phong phú. Cô giảng rất rộng nhưng khi chốt kiến thức lại rất trọng tâm, học trò không phải ghi nhiều mà vẫn hiểu bài. Chúng tôi thực sự ngưỡng mộ cô và luôn mong đến tiết học văn.

Với đặc thù của ngành học không chính quy, nhận thức của học viên không đồng đều, tuổi tác lại rất chênh lệch, đòi hỏi giáo viên phải có phương pháp giảng dạy phù hợp. Cô luôn tận tâm, hết lòng với học trò, sẵn sàng giảng lại bài khi có ai chưa hiểu.

Cả lớp 50 người thì chỉ mình tôi là mất thị lực nhưng cô vẫn tổ chức họp chuyên môn riêng để bàn phương pháp dạy sao cho phù hợp. Cô không chỉ truyền đạt cho chúng tôi kiến thức văn học mà còn giáo dục học trò những đức tính tốt đẹp như lòng nhân ái, sự kiên trì, lòng dũng cảm qua các tác phẩm văn học và các mẩu chuyện đời thường được khéo léo đưa vào bài giảng. Cô luôn quan tâm đến từng học viên trong lớp, nắm vững đặc điểm tâm lý của từng người, động viên, khích lệ chúng tôi trong học tập và chia sẻ bao vất vả trong cuộc sống đời thường.

Giúp học trò hành trang vào đời

Năm tôi học lớp 10 thì cô Xuân là phó giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện An Dương phụ trách chuyên môn. Cô nhận dạy lớp hòa nhập để rút kinh nghiệm. Cô đề nghị trung tâm cử giáo viên đi học chữ Braille về dạy lớp xóa nạn mù chữ và dịch bài cho tôi.

Ai cũng bảo người khiếm thị học khoa học xã hội tốt hơn khoa học tự nhiên nhưng tôi thì ngược lại. Điểm môn văn của tôi là thấp nhất trong các môn học. Muốn viết được một bài văn hay thì phải đọc nhiều, trong khi tài liệu chữ Braille lại hạn hẹp. Ngày ấy vẫn chưa có máy tính và điện thoại thông minh dành riêng cho người khiếm thị nên việc tiếp cận các tác phẩm văn học của tôi rất gian nan.

Sau khi trả bài kiểm tra lần đầu tiên của lớp 10, cô gặp riêng tôi nói chuyện. Trong nửa giờ, cô đã hiểu tại sao tôi phát biểu xây dựng bài thì rất tốt mà viết văn lại chẳng hay ho chút nào.

Cô khuyên tôi siêng nghe các chương trình văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Nghe xong, nên ghi lại các ý mình nắm bắt bằng chữ Braille; đến giờ phát sóng sau lại nghe thêm lần nữa để ghi ý bổ sung. Khi làm văn, thấy ý nào phù hợp thì đưa vào bài cho sinh động. Cô tặng tôi một số sách in các tác phẩm cùng thời với tác phẩm trong sách giáo khoa. Cô dặn tôi lúc nào cũng phải mang sách đi học để nhờ bạn bè tranh thủ đọc cho nghe...

Nhờ sự dìu dắt của cô Xuân, tôi đã đoạt được giải 3 môn sử, giải nhì môn văn trong kỳ thi học viên giỏi lớp 11 và 12 của TP Hải Phòng. Cô hay tâm tình với học trò khiếm thị bao chuyện buồn vui, là nguồn động lực to lớn giúp tôi trưởng thành. Cô là người đầu tiên khuyên tôi nên cố gắng đi học cao đẳng sư phạm để trở thành giáo viên trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị.

Trong lúc giáo viên toàn trung tâm vẫn coi tôi là một đứa trẻ, cô Xuân đã nói chuyện với tôi như một người lớn. Cô không né tránh những việc xã hội, bởi cô muốn tôi hiểu cuộc sống là thế nào.

Những người khiếm thị chúng tôi hạn chế do khuyết tật nên có nhiều nhận thức không chính xác về đời sống. Cô dạy tôi: "Muốn sống tự lập được, việc đầu tiên là em phải hiểu hạn chế của bản thân để khắc phục, hiểu thế mạnh của mình để phát huy tối đa. Trong cuộc sống, em luôn phải có thái độ tích cực. Với việc cá nhân cần thiết, em phải chủ động tìm đến những người có thể giúp mình, không nên ngồi yên một chỗ chờ đợi sự quan tâm".

Năm tôi học lớp 11, cô lên làm giám đốc trung tâm. Vị lãnh đạo nhiệt tình ấy để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm trí đồng nghiệp lẫn học trò. Tuy không còn trực tiếp giảng dạy nhưng cô vẫn thường dành thời gian trao đổi với học trò khiếm thị. Cô đã giúp tôi có nhiều hiểu biết bổ ích, là hành trang theo tôi tới hôm nay...

Tấm lòng dành cho giáo dục

Để giúp các học viên khiếm thị như tôi vơi bớt nhọc nhằn, cô vận động Hội Khuyến học và các nhà hảo tâm cấp học bổng. Đối với học viên toàn trung tâm, cô chủ trương thu học phí và các khoản đóng góp ở mức tối thiểu.

Huyện An Dương có 3 khu công nghiệp lớn, công nhân nhiều nên Trung tâm Giáo dục thường xuyên đã mở lớp học buổi tối và về các xã, tạo điều kiện để những người đang đi làm có điều kiện học tập, góp phần vào việc phổ cập THPT của huyện. Hôm nào có lớp học tối, cô Xuân ở lại đến khi học viên cuối cùng ra khỏi cổng mới về nhà.

Ngoài ra, trung tâm còn liên kết với các trường cao đẳng, mở lớp phù hợp cho người dân trong vùng.

Lê Trung Cường (Giáo viên Trường Khiếm thị Hải Phòng)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nguoi-thay-kinh-yeu-nguon-sang-dan-loi-duong-doi-19624080421025642.htm