Người thầy mặc áo lính

Nắng hè lọt qua chùm hoa phượng đỏ, vương trên bờ vai của những người lính đang hành quân trên đường làm tôi chợt nhớ về thầy Tiên - thầy giáo dạy môn Lịch sử năm học cấp ba. Thầy Tiên thường mặc chiếc áo lính bạc màu đến trường dạy học.

Minh họa: Minh Anh

Minh họa: Minh Anh

Hồi đầu lớp mười, chúng tôi rất sợ những tiết học của thầy, bởi chẳng thể nhập tâm những ngày tháng nhiều con số và những dòng sự kiện khô khan. Đến tiết Sử của thầy, những học sinh giỏi thường lén làm bài tập Toán, Lý, Hóa. Những học trò mộng mơ, lãng mạn tâm hồn thường trôi theo những bài thơ tình và những truyện ngắn trong sách giáo khoa. Còn những đứa nghịch ngợm đôi mắt nhìn ra bên ngoài cửa sổ nơi khoảng sân trường ngập nắng. Chẳng hiểu sao mỗi khi kết thúc tiết học tôi thường thấy đôi mắt thầy đỏ hoe.

Bạn cùng bàn với tôi bảo rằng, nó không thích học Sử bởi cảm thấy sợ khi nhìn những vết sẹo trên mặt thầy. Những vết sẹo khiến hai má thầy co rúm như một tấm vải nhăn nheo. Bạn ngồi bàn sau lại nói về bàn tay phải đã mất đi mấy đốt ngón tay của thầy. Mỗi lần viết, thầy thường phải kẹp chặt cây bút, viên phấn vào kẽ ngón tay. Nhưng nét chữ của thầy rất đẹp và tròn trịa như những bông hoa sen hồng. Đầu tiết học, chúng tôi thường ngắm nhìn thật lâu nét chữ của thầy trước khi bắt đầu một công việc riêng nào đó. Gần hết học kỳ đầu trôi qua, thầy cứ giảng bài còn chúng tôi thì mải suy nghĩ cho những việc riêng. Giữa thầy và trò như tồn tại một bức tường vô hình của hai thế hệ. Mối liên kết duy nhất giữa thầy trò chúng tôi là nét chữ đẹp và đôi mắt đỏ hoe của thầy trước khi hết tiết học.

Cho đến một ngày, trường tôi tổ chức tiết học ngoại khóa bằng chiếc máy chiếu phát thước phim tài liệu về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Những thước phim quý giá đã giúp chúng tôi hiểu và cảm nhận sự tàn khốc của chiến tranh. Trong thước phim ấy, chúng tôi nhìn thấy cả nụ cười và nước mắt của những chàng trai trẻ măng. Họ tạm gác sách bút tại giảng đường đại học lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc.

Sau khi xem bộ phim lịch sử nhiều cảm xúc ấy, chúng tôi đã bắt đầu chú tâm vào môn học của thầy. Chúng tôi thêm hiểu những ngày tháng không còn là dữ liệu khô khan mà là những thời điểm đau thương hay huy hoàng của lịch sử. Những thông tin, dữ liệu không chỉ giản đơn là câu chữ mà còn là những thông tin quý giá cho thế hệ mai sau hiểu về sự hy sinh xương máu của thế hệ cha anh. Những người anh hùng áo vải kiên cường trước quân thù nhưng đạm bạc, hiền lành trên quê hương khi đất nước sạch quân thù.

Một lần, chúng tôi được cô chủ nhiệm kể thêm rằng, thầy Tiên từng trong đơn vị bộ đội bảo vệ biên giới phía Bắc. Trong cuộc chiến năm nào, bom đạn đã “khắc” lên khuôn mặt thầy những vết thương và lấy đi những đốt ngón tay của thầy. Kết thúc chiến tranh, thầy trở về tiếp tục theo đuổi ước mơ nơi giảng đường đại học.

Ra trường, thầy viết đơn tình nguyện xin lên vùng cao dạy học. Thầy mong muốn những học trò miền cao nguyên sẽ thấu hiểu những trang sử hào hùng của dân tộc đã đánh đổi bằng máu xương của thế hệ cha anh.

Thầy là người may mắn được trở về nhưng nhiều đồng đội của thầy đã hóa thân vào đá núi, linh hồn ở lại với dòng sông. Người đồng đội thân thiết nhất của thầy ở đơn vị từng ước mơ trở thành thầy giáo nhưng tiếc thay chẳng thể trở về. Bây giờ thầy đang sống cuộc đời của mình và thực hiện ước mơ cho cả người bạn ấy.

Một hôm đến khu tập thể giáo viên thăm thầy, chúng tôi đã rất bất ngờ khi nhìn thấy tấm ảnh thời thanh xuân của thầy. Một chàng trai trẻ trung mặt vuông chữ điền ngồi ôm đàn ghi ta trên chiếc ghế đá. Thầy bảo đó là những năm đầu sinh viên của thầy. Nhưng thầy chưa kịp tận hưởng niềm vui của đời sinh viên thì chiến tranh xảy ra... Rồi thầy ôm đàn ghita hát cho chúng tôi nghe bài hát thầy tự sáng tác. Giọng thầy trầm ấm, tiếng đàn du dương từ bàn tay không còn lành lặn...

Tản văn của Kiều Xuân Quỳnh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoc-nghe-thuat/nguoi-thay-mac-ao-linh/28043.htm