Người thầy 'mát tay'!

Không chỉ là một nhà khoa học tâm huyết, PGS-TS Nguyễn Đình Quân còn được biết đến là người thầy 'mát tay'.

Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, PGS-TS Nguyễn Đình Quân không chỉ là một nhà khoa học tâm huyết với những công trình nghiên cứu mang tính ứng dụng cao, mà còn là người thầy "mát tay", người truyền lửa đam mê khởi nghiệp thành công cho biết bao thế hệ sinh viên.

Hiện PGS-TS Nguyễn Đình Quân đang là Trưởng phòng Thí nghiệm Nhiên liệu sinh học và Biomass, Trường ĐH Bách khoa TP HCM (ĐHQG TP HCM)

PGS-TS Nguyễn Đình Quân là cựu sinh viên của Trường ĐH Bách khoa TP HCM. Sau khi tốt nghiệp, thầy tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học và hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Viện Khoa học Kỹ thuật Hàn Quốc vào năm 2008.

Sau đó, thầy trở về Việt Nam, vừa tham gia giảng dạy, vừa dành nhiều tâm huyết cho việc hướng dẫn, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp cho đến nay.

"Nghiên cứu khoa học nhất định phải định hướng ứng dụng vào thực tế, tuyệt đối không nghiên cứu suôn để đạt thành tích"

PGS-TS Nguyễn Đình Quân

PGS - TS Nguyễn Đình Quân( bìa phải) được ví là người thầy "mát tay". Nhiều dự án nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tế.

PGS - TS Nguyễn Đình Quân( bìa phải) được ví là người thầy "mát tay". Nhiều dự án nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tế.

Thu hẹp khoảng cách thầy và trò

Mặc dù chưa tốt nghiệp ĐH nhưng chàng sinh viên ngành kỹ thuật hóa học, Trường ĐH Bách Khoa - ĐHQG TP HCM Ngô Trần Bảo Việt đã có cho mình một thương hiệu nước giặt riêng trên thị trường. Những ngày cận Tết, số đơn hàng tăng nhiều hơn.

Việt tâm sự ấp ủ dự định sẽ sớm tham gia vào phòng thí nghiệm, bắt đầu nghiên cứu khoa học và thực hiện các dự án thực tiễn từ năm hai đại học.

Chàng sinh viên cười tít mắt kể lại: "Lần đầu em gửi mail đến thầy để bày tỏ nguyện vọng. Loay hoay mãi một lúc, chưa kịp soạn xong nội dung gì thì chính chủ đã lỡ tay nhấn gửi"

Việt ngại vô cùng vì nghĩ thầy sẽ trách, bị "mất điểm". Khi ấy, thầy Quân chỉ nhẹ nhàng nói: "Không sao đâu, thầy trò mình sẽ còn làm việc với nhau nhiều, đừng câu nệ những chuyện nhỏ nhặt"

"Khoảnh khắc đó, em cảm nhận được tấm lòng rộng mở, gần gũi và càng thêm động lực để nghiên cứu khoa học" – Việt nhớ lại.

Chàng sinh viên bên cạnh dự án khởi nghiệp nước giặt của chính mình

Chàng sinh viên bên cạnh dự án khởi nghiệp nước giặt của chính mình

Thầy Quân đồng hành cùng sinh viên trong dự án khởi nghiệp với cà phê thủy nướng

Thầy Quân đồng hành cùng sinh viên trong dự án khởi nghiệp với cà phê thủy nướng

Nhìn về phía những bình nước giặt đang chuẩn bị được giao, Việt trân quý quãng thời gian "ăn dầm nằm dề" tại phòng thí nghiệm nhằm nghiên cứu ra loại nước giặt thương hiệu riêng. Mặc dù chưa tốt nghiệp, nhưng em đã có thể tự chủ được kinh tế và giúp đỡ cho gia đình.

"Thầy đã dạy em kiến thức chuyên môn lẫn những kỹ năng sống quan trọng. Thầy truyền cho em sự tự tin và tinh thần ham học hỏi. Tiếp đó, thầy khuyến khích em luôn suy nghĩ sáng tạo, tìm tòi những điều mới mẻ, và không ngừng mở rộng giới hạn của bản thân" – Việt bộc bạch.

Đưa sinh viên vươn ra biển lớn

Em Vương Hồng Lĩnh, sinh viên Trường ĐH Bách khoa, đang từng bước thương mại hóa ứng dụng công nghệ chống hàng giả, có tên gọi DeepVoucher. Đây cũng là dự án do PGS-TS Quân làm tham gia hướng dẫn.

"Em chưa được học lớp nào của thầy Quân nhưng em đã có cơ hội làm việc cùng thầy trong gần 1 năm qua. Trong thời gian đầu, thầy rất kiên nhẫn giải thích cho em khái niệm cơ bản về blockchain. Khi em nắm vững hơn một chút, thầy kết nối em và những chuyên gia quốc tế để tiếp tục nghiên cứu. Đây là vinh dự và may mắn đối với em" – Lĩnh chậm rãi nói.

"Blockchain không chỉ có tiền ảo" là câu nói khiến Lĩnh nhớ mãi. Thầy Quân giải thích rằng, giữa lúc thị trường tiền ảo đang "nở rộ", một người hiểu rõ về blockchain nên chọn hướng đi phục vụ xã hội thay vì "hái quả ngọt" từ tiền ảo, đó mới là giá trị lâu dài.

PGS - TS Nguyễn Đình Quân và Hồng Lĩnh triển khai ứng dụng DeepVoucher để ngăn chặn tình trạng lừa đảo

PGS - TS Nguyễn Đình Quân và Hồng Lĩnh triển khai ứng dụng DeepVoucher để ngăn chặn tình trạng lừa đảo

Trong suốt quãng thời gian công tác tại trường, PGS Nguyễn Đình Quân đã ươm mầm cho nhiều nhà khởi nghiệp trẻ, rất nhiều dự án đã vươn ra biển lớn. Với thầy Quân, nghiên cứu khoa học không cần phải là những dự án "đao to búa lớn".

Theo thầy Quân, đội ngũ nhân lực cao phải đi ra từ thực tiễn gắn liền với sản xuất và nghiên cứu phát triển. Bằng cấp cao, học hàm cao không có nghĩa đã là nhân lực cao cấp, nhất là khi nền khoa học và giáo dục vẫn còn nặng căn bệnh thành tích. Nói cách khác, nhà khoa học phải khẳng định được giá trị của công trình mình làm ra.

"Nhà khoa học phải đóng vai trò của một startup, còn nguồn kinh phí, thậm chí đóng vai trò là nhà đầu tư. Việc công bố kết quả nghiên cứu và chỉ dừng lại ở nghiên cứu mà không ứng dụng, thương mại ra thực tế thì không thể nào mang lại lợi ích cho xã hội" – PGS Quân nhấn mạnh.

Huế Xuân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nguoi-thay-mat-tay-196250126013610075.htm