Người thầy một tay gieo chữ trên đỉnh đồi

Cầm viên gạch trong tay, nắn nót dùng cằm để giữ, cứ như thế, chỉ với 1 cánh tay, thầy giáo Đỗ Thế Tùng cùng với đồng nghiệp đã dồn hết tâm huyết để hoàn tất việc xây dựng sân khấu, sửa chữa trường lớp cho học sinh đón năm học mới.

Thầy luôn quan niệm, dạy học, cũng giống như việc xây nhà vậy, nếu chăm chút các em từ những “viên gạch” đầu tiên thì “ngôi nhà” tri thức mới bền vững. Cũng nhờ thế, học sinh của thầy tại ngôi Trường Phổ thông dân tộc Bán trú THCS xã Lâm Ca - một xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn - luôn có điểm trung bình môn Toán nằm trong tốp đầu của huyện.

Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay

Nằm sâu trong hẻm núi, sau những đoạn đường dốc ngoằn ngoèo, Trường Phổ thông dân tộc Bán THCS xã Lâm Ca hiện ra đầy tươi mới bởi không khí rộn ràng, với nhiều hoạt động chuẩn bị cho ngày tựu trường.

 Học sinh của thầy Tùng đa phần là người dân tộc thiểu số, bởi vậy thầy luôn mong muốn truyền cảm hứng về con chữ cho các em. Ảnh Ngô Chuyên.

Học sinh của thầy Tùng đa phần là người dân tộc thiểu số, bởi vậy thầy luôn mong muốn truyền cảm hứng về con chữ cho các em. Ảnh Ngô Chuyên.

Sau khi phát đủ sách cho học sinh, thầy Tùng hỏi: “Các em, nghỉ hè có vui không? Đã hào hứng trở lại trường chưa? Các em chuẩn bị gì cho năm học mới? Nhận sách mới thế nào?”. Những câu hỏi giản dị mà chứa đựng tấm lòng của một người thầy, người anh luôn tần tảo cõng chữ lên vùng cao, xây dựng tương lai cho những đứa trẻ ở vùng đất có đến 80% học sinh là người dân tộc Tày, Dao và Nùng.

Với người vùng cao, họ đơn giản lắm, khi họ đã tin tưởng thì sẽ “yêu” suốt đời, suốt kiếp. Có lẽ vì vậy, nhắc đến thầy Tùng, người dân trong vùng không ai là không biết, nên việc tìm được thầy ở chốn núi rừng heo hút này không có gì khó khăn cả.

Thấy người lạ hỏi đường, tìm thầy, họ thi nhau kể với giọng đầy tự hào: “Thầy đó không hiểu sao mất một cách tay từ bé nhưng thầy học rất giỏi, có nhiều tài lắm. Một tay nhưng vẫn biết xây nhà, hái chè, đánh cầu lông, là giáo viên xuất sắc của huyện nữa...”.

Chỉ nghe người dân kể, chúng tôi cũng có cảm giác háo hức mong được gặp thầy. Đi theo sự chỉ dẫn đến dãy nhà bán trú nép mình sát chân núi, từ xa chúng tôi đã nghe một giọng nói trầm ấm vọng ra: “Muốn gấp được chăn màn phẳng, các em phải rũ, rồi trải ra giữa giường, vuốt các góc ngay ngắn mới gấp. Khi xong chúng ta để lên đầu giường và chỉnh lại chiếu như vậy nhìn giường mình nằm mới gọn gàng”. Thì ra thầy Tùng đang dạy cho học sinh cách gấp chăn màn, vệ sinh phòng ngủ của mình. Cả chúng tôi và học trò chăm chú đứng xem và chuyển từ ngỡ ngàng sang khâm phục người thầy dù chỉ có một cánh tay, nhưng gấp chăn rất gọn gàng.

Thầy Tùng tâm sự, thầy vốn là người gốc ở Hưng Yên, đầu những năm 1970, gia đình lên đây phát triển kinh tế. Năm lên 5 tuổi, khi đang chơi đùa cùng chúng bạn, không may thầy Tùng đã gặp tai nạn và cũng chính tai nạn đó vĩnh viễn lấy đi cánh tay phải của thầy.

Người ta nói “giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”, bởi vậy việc mất đi một phần của cơ thể, bản thân thầy và gia đình đều rất sốc và xót xa. Tuy vậy, thử thách của cuộc sống không những không làm cậu học trò mất đi niềm vui cắp sách đến trường cùng chúng bạn, mà còn khiến cậu thêm nghị lực để cố gắng gấp đôi, gấp ba.

Ở mảnh đất mà việc học dường như là điều gì đó khá “xa xỉ”, những người bạn học của thầy Tùng ngày một ít đi. Họ phải bỏ dở việc học vì cơm còn chưa đủ ăn huống hồ nghĩ đến ra thị trấn thuê trọ đi học. Điều đó luôn khiến thầy Tùng trăn trở và quyết tâm làm gì đó để thay đổi suy nghĩ của người dân nơi đây. Thế rồi, thầy chọn con đường vào sư phạm.

“Chỉ có trở thành thầy giáo tôi mới có thể truyền cảm hứng yêu con chữ, yêu học hành cho những đứa trẻ quê hương tôi và những lứa đó sẽ nối tiếp, truyền cảm hứng học hành cho những thế hệ sau này”, thầy Tùng tâm sự.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Lạng Sơn, thầy Tùng viết đơn tình nguyện xin đi vùng khó khăn nhất của huyện để giảng dạy. “Buổi đầu lên lớp, học sinh nhìn tôi cười và hiếu kỳ khi thầy giáo có một tay. Nhưng thấy tôi đặt bút viết bài học các em đã vỗ tay. Là giáo viên mới, mang trong mình một khiếm khuyết nhưng nhận được những tràng vỗ tay từ học sinh cảm động vô cùng”.

 Dẫu chỉ có một cánh tay, nhưng thầy Tùng vẫn luôn nỗ lực làm tốt công việc của mình và phụ giúp việc nương, rẫy.

Dẫu chỉ có một cánh tay, nhưng thầy Tùng vẫn luôn nỗ lực làm tốt công việc của mình và phụ giúp việc nương, rẫy.

Gắn bó nơi đây hơn 1 năm, năm 2010 thầy được điều chuyển về ngôi trường cấp 2 của mình từng học. “Lúc nghe tin tôi hạnh phúc vô cùng, ước mơ có thể đứng trên bục giảng ở nơi mà thầy cô của mình đã truyền cảm hứng và giờ chính mình lại làm điều đó với các em. Thật sự rất xúc động”, thầy Tùng nhớ lại.

Mỗi ngày đến trường là một ngày vui

“Học sinh không có hứng thú đi học thì làm sao có thể đến trường” – đây là những trăn trở của thầy ngày mới về trường công tác. Do đó, để xóa đi nạn bỏ học giữa chừng, các thầy cô đã thay phiên nhau ở lại với các em để không chỉ hỗ trợ học sinh ôn bài, mà còn nắm được tâm tư, nguyện vọng của từng em. Với lợi thế nhà ở gần, có những hôm không phải ca trực của mình, thầy Tùng vẫn vào trường để ôn tập, phụ đạo cho học sinh.

“Cuộc sống đã khó khăn, đi học không hứng thú, không thấy thích thì không lâu sau học sinh sẽ bỏ trường, bỏ lớp về làm nương làm rẫy”, thầy Tùng nói. Bởi vậy, ngoài những giờ dạy trên lớp, thầy Tùng học cùng, chơi đùa với học sinh của mình, khiến các em gắn bó với nơi đây như gia đình thứ hai của mình.

Cô học trò Ngọc Châu kể: Thực sự khi mới học, em ngạc nhiên vì thầy lại dạy Toán và Vật lý khi chỉ có 1 cánh tay, bởi môn Toán phải vẽ nhiều, Vật lý thì làm thí nghiệm, nhưng chứng kiến cách thầy làm, em mới hiểu khi có quyết tâm, ta có thể làm được nhiều điều ngoài sức tưởng tượng. “Giờ học của thầy chưa bao giờ chán, bởi thầy biết biến những con số, công thức chán ngắt thành những thứ được ứng dụng vào thực tế cuộc sống như thế nào”.

Không những thế, thầy kể những câu chuyện về cuộc sống ngoài kia, các tấm gương nghị lực về vượt khó vươn lên. Và chính thầy cũng là một tấm gương nghị lực để minh chứng cho việc gặp khó khăn không có nghĩa là khuất phục.

 Ngoài thời gian giảng dạy trên lớp, những ngày nghỉ hay giờ giải lao thầy Tùng tranh thủ hướng dẫn học sinh minh học. Ảnh Ngô Chuyên.

Ngoài thời gian giảng dạy trên lớp, những ngày nghỉ hay giờ giải lao thầy Tùng tranh thủ hướng dẫn học sinh minh học. Ảnh Ngô Chuyên.

Trong những năm làm nghề, không ít đêm thầy Tùng và đồng nghiệp phải băng qua hàng chục cây số đường rừng, vào sâu vào các bản làng để học sinh tìm về. Hay có những lần đưa học sinh đi viện cấp cứu giữa đêm. Các thầy không chỉ bế học sinh trên tay, mà còn chịu đau để học sinh cắn khi xuất hiện cơn co giật và có dấu hiệu cắn lưỡi... Cứ thế, tình thầy trò trở nên gắn bó hơn.

Trong mắt đồng nghiệp, dẫu cơ thể khiếm khuyết nhưng đó không phải là rào cản để mất đi nhiệt huyết của thầy với học sinh và nhà trường. Thầy luôn xung phong tham gia cải tạo cơ sở vật chất của trường như tạo các khuôn viên không gian học tập cho học sinh. Không những thế, thầy Tùng còn có nhiều sáng kiến để khi giảng dạy môn Toán, Lý, giúp học sinh tiếp thu bài hiệu quả hơn.

 Để có sân khấu cho học sinh biểu diễn văn nghệ, thực hiện nghi thức chào cờ hay khai giảng thầy Tùng và đồng nghiệp của mình đã tự thiết kế và xây.

Để có sân khấu cho học sinh biểu diễn văn nghệ, thực hiện nghi thức chào cờ hay khai giảng thầy Tùng và đồng nghiệp của mình đã tự thiết kế và xây.

Cô Lê Thị Kiều, đồng nghiệp gắn bó 10 năm với thầy Tùng chia sẻ: “Nhiều tiết học, tôi đi qua quan sát lớp Tùng dạy, thấy Tùng dùng vai để tì thước vẽ hình tam giác, hình vuông phấn dính đầy cả vai áo nhưng vẽ xong em vẫn nở nụ cười giảng bài tiếp”.

Còn với cô Mã Thị Chuyền - Hiệu trưởng nhà trường - thì ấn tượng về thầy Tùng lại là những khi còn viết giáo án bằng tay. Để cuốn sổ giáo án đẹp và mới, cô Chuyền cùng chồng và thầy Tùng thường hay cùng nhau ngồi bọc cuốn giáo án lại. “Mình cứ nghĩ cố làm xong thật nhanh để hỗ trợ thầy Tùng bọc và dán nhãn cho đẹp, nhưng hóa ra lại làm chậm hơn cả thầy”.

Khi được hỏi về khó khăn khi chỉ có một cánh tay, thầy Tùng chỉ lắc đầu nở nụ cười, rồi nói: “Tôi chỉ thiếu một cánh tay nhưng tôi được đồng nghiệp, gia đình hỗ trợ, còn học sinh của tôi các em khó khăn đủ bề”. Chính lẽ sống đó khiến thầy lúc nào cũng thấy hạnh phúc, dù bờ vai áo luôn trắng những vệt phấn sau mỗi giờ dạy học.

Ngô Chuyên

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/xa-hoi/giao-duc/nguoi-thay-mot-tay-gieo-chu-tren-dinh-doi-358756.html