Người thầy sống giữa 'cột mốc' chuyển giao giáo dục

Nhìn lại 40 năm cống hiến cho ngành Giáo dục, người thầy ở ngưỡng tuổi bát tuần tâm niệm, 'sư' là thầy, 'phạm' là khuôn khổ...

Thầy giáo Nguyễn Văn Ngai năm học 1983 - 1984. Ảnh: NVCC

Thầy giáo Nguyễn Văn Ngai năm học 1983 - 1984. Ảnh: NVCC

Gần đến dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (1975 - 2025), Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Văn Ngai cũng bồi hồi nhớ lại 40 năm dạy học và quản lý giáo dục của mình. Ông là người thầy duy nhất được làm lãnh đạo Sở giáo dục, đồng thời chứng kiến cuộc chuyển giao giáo dục trước và sau ngày Giải phóng miền Nam.

Kỷ niệm đáng nhớ trước giải phóng

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Văn Ngai sinh năm 1947 tại Tây Ninh. Ông tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn (nay là Trường Đại học Sư phạm TPHCM). Năm 1969, ông được phân công giảng dạy ở Trường Tiểu học Đông Thạnh và Trường Trung học Nguyễn An Khương (Hóc Môn, TPHCM). Ngày 31/8/1972, thầy giáo Ngai được Trưởng Ty Giáo dục tỉnh Gia Định phân công nhận nhiệm vụ giảng dạy môn Toán ở Trường trung học đệ nhất cấp Nhất Linh.

Năm 1991, nhà giáo Nguyễn Văn Ngai chuyển công tác về Sở GD&ĐT TPHCM, giữ chức Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Sở. Năm 1998, ông giữ chức Phó Giám đốc Sở cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2009. Hiện ông vẫn theo dõi thường xuyên thông tin về giáo dục, có nhiều ý kiến đóng góp cho ngành trên các tờ báo.

Những năm đi dạy trong chế độ cũ, ông đã có những nguyên tắc và kỷ niệm đáng nhớ với học trò. “Tôi ra trường năm 1972, đi dạy trước giải phóng là 3 năm. Lúc đó tôi chỉ chuyên tâm dạy, cũng tham gia các hoạt động thanh niên, phát động phong trào thi đua học tập, làm báo tường rồi báo xuân. Báo viết có khi từ trường nọ đem qua trường kia bán, thậm chí đem xuống Long An.

Thời gian đầu tôi còn trẻ, tính tình hiền lành nhưng rất nghiêm túc trong việc dạy. Tới bây giờ học trò gặp mặt, kể vui lại với nhau rằng, thời ấy các cô cậu hay trêu thầy cô khác, nhưng không thấy chọc tôi. Tôi hỏi vì sao thì các học trò bảo: Em sợ thầy lắm vì thấy thầy nghiêm quá”, thầy Ngai bật cười nhớ lại.

Khi học sinh có vấn đề, thầy Ngai có quy tắc không bao giờ la mắng học trò. “Ai có vấn đề thì tôi gọi trao đổi riêng, những ai nhận thiếu sót và xin sửa thì tôi dịu ngay. Còn em nào cãi bướng, tôi phải truy bằng được, khi nào nhận lỗi tôi mới chịu. Nguyên tắc của tôi là không la mắng học trò. Mình chỉ nhẹ nhàng chỉ ra lỗi sai như ‘thế này nha con, rồi việc đó con thấy sao’, để bạn đó nhận thức được lỗi và thay đổi”, thầy nói.

 Những người đồng nghiệp ở Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu. Ảnh: NVCC

Những người đồng nghiệp ở Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu. Ảnh: NVCC

Chuyển giao giáo dục

Sau ngày thống nhất đất nước, nền giáo dục miền Nam được tiếp quản. Khoảng một tuần sau đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM có quyết định đổi tên Trường Trung học Nhất Linh thành Trường cấp II - III Nguyễn Hữu Cầu (nay là Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu). Lúc này, thầy giáo Nguyễn Văn Ngai thuộc giáo viên lưu dung - giáo viên của chế độ cũ được sử dụng lại. Được cách mạng tin tưởng nên ngay sau ngày miền Nam được giải phóng, thầy giáo trẻ 26 tuổi được giao làm Trưởng ban điều hành lâm thời.

Từ tháng 5/1975 đến tháng 10/1975, ban điều hành lâm thời tất cả các trường cấp 2 - 3 đều được giải thể, thay thế bởi ban giám hiệu với đa số hiệu trưởng là người được miền Bắc chi viện. Ban giám hiệu Trường Nguyễn Hữu Cầu được thành lập với một hiệu trưởng, hai hiệu phó và ông Ngai làm Hiệu phó chuyên môn. Tháng 9/1982, ông giữ chức Hiệu trưởng Trường Nguyễn Hữu Cầu.

Theo lời kể của nhà giáo Nguyễn Văn Ngai, sau ngày 30/4/1975, các cơ sở vật chất, trường lớp, đất đai của trường công lập và trường tư thục thuộc quyền sở hữu của các tôn giáo được bàn giao cho cách mạng khá suôn sẻ. Nhưng trường, lớp vẫn còn thiếu, nhiều trường ngoại thành ở dạng cấp 4. Thậm chí có trường được xây dựng bằng tranh tre, nứa, lá, bàn ghế học sinh vừa thiếu, cũ, vừa không đúng chuẩn.

Việc lớn nhất của ngành là thay sách giáo khoa. Toàn bộ sách dùng trước giải phóng ở miền Nam được thay bằng sách soạn riêng theo hệ phổ thông 12 năm. Đây là một điều mới lạ vì vào thời điểm đó, miền Bắc vẫn còn áp dụng sách giáo khoa theo hệ phổ thông 10 năm.

Trong ký ức của mình, thầy Ngai nhớ lại, mặc dù sách giáo khoa có thay đổi, nhưng các nội dung giáo dục về tư tưởng, rèn luyện nhân cách và đạo đức cho học sinh như lễ phép, tôn trọng người lớn, hòa nhã với bạn bè, ngoan ngoãn, siêng năng, yêu quê hương, yêu đất nước... vẫn luôn được chú trọng trong cả hai nền giáo dục trước và sau năm 1975 ở miền Nam.

 Thầy Nguyễn Văn Ngai (bên trái) khi là Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu. Ảnh: NVCC

Thầy Nguyễn Văn Ngai (bên trái) khi là Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu. Ảnh: NVCC

“Cả 2 nền giáo dục đều coi trọng việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh, đặc biệt là cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông. Cả 2 đều giống nhau nhưng cách thể hiện khác nhau, đặc biệt là các môn xã hội”, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM nhớ lại.

Hồi đó, Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu là trường ngoại thành nghèo, cơ sở vật chất lúc ấy xập xệ, học trò trình độ không đồng đều nhưng rất ngoan và nghe lời, thầy cô cũng đồng lòng chăm lo học trò. “Gần đây, tôi dự đám cưới con đứa học trò. Nó bảo, em nhớ ơn mãi thầy Ngai, hồi đó khó khăn quá, ba mẹ em bắt ở nhà, thầy Ngai đến tận nhà để thuyết phục cho em đi học, dạy cho em và giờ em mới được như thế này.

Tôi nhớ thời ấy có những gia đình khó khăn, chưa ý thức được việc học nên bắt con ở nhà làm việc. Giáo viên chủ nhiệm như tôi phải đến tận nhà để vận động thuyết phục. Nên khi nghe câu nói ấy, mình cũng ấm lòng lắm nhưng đó là trách nhiệm của người thầy giáo”, thầy Ngai kể.

Chia sẻ thêm về những khó khăn trong giáo dục sau giải phóng, thầy Ngai nói, lúc đó học sinh sinh hoạt dưới cờ không có ghế nhựa để ngồi, phải lót giấy báo ngồi dưới đất cỏ nhưng ai nấy cũng đều im thin thít, không nhúc nhích.

“Đương nhiên tôi vẫn bố trí giáo viên chủ nhiệm đứng phía sau, cũng có tổ chức nhưng học trò tự giác và nghiêm túc. Đặc biệt, những năm đầu sau giải phóng, trường thường mất điện. Khi đang sinh hoạt mà mất điện thì thầy cô nói chay (nói không cần micro, PV), học trò vẫn ngồi im lắng nghe cẩn thận.

Đến mỗi kỳ thi cuối kỳ, nhà trường tổ chức ôn tập thêm vào buổi chiều. Đang dạy giữa chừng thì mất điện, thầy trò phải gom phấn lại, đốt đuốc tiếp tục học. Các em chủ động trong học tập nên học trò ở Nguyễn Hữu Cầu ngoan lắm”, ông nói.

Khó khăn của người đưa đò

Thời gian đầu sau giải phóng, đời sống của số đông giáo viên có nhiều khó khăn. Đặc biệt khi Nhà nước đổi tiền lương bình quân còn khoảng 40 đến 50 đồng/người/tháng. Mỗi người được 13 kg gạo/tháng nhưng không đủ ăn nên phải độn thêm mì sợi, bột mì, bo bo, khoai củ. Đời sống khó khăn nhưng nhờ khí thế cách mạng, giáo viên vẫn muốn được làm việc.

Phương tiện đi lại khi ấy của các thầy cô đa phần là xe công cộng hoặc xe đạp. Người có xe máy nhưng không có xăng đi, đi xe khách thì rất khó bắt vào giờ cao điểm. Phòng học thì thiếu cho nên không có phòng trống để phụ đạo. Ngày đó phải dạy 2 buổi một ngày, sáng một lớp, chiều lại lớp khác.

“Vậy nên, ngày lễ, ngày chủ nhật, 70% giáo viên ở nội thành đạp xe xuống ngoại thành để dạy. Hai bên đường đi đều là ruộng trống, mưa gió thổi rất nguy hiểm. Giáo viên phụ đạo cho học sinh yếu không lấy thêm tiền, trả công lại bằng những vật phẩm mà nhà trồng như hoa màu, bắp, lúa, gà, thầy cô cũng không đòi hỏi gì. Lớp nào yếu môn nào thì giáo viên chủ nhiệm nhờ giáo viên khác hỗ trợ thêm”, thầy Ngai nói.

 Nhà giáo Nguyễn Văn Ngai cập nhật tin tức về ngành Giáo dục mỗi ngày. Ảnh: Thùy Linh

Nhà giáo Nguyễn Văn Ngai cập nhật tin tức về ngành Giáo dục mỗi ngày. Ảnh: Thùy Linh

 Nhà giáo Nguyễn Văn Ngai (bên phải) trò chuyện với người đồng nghiệp - Nhà giáo Ưu tú Chu Xuân Thành. Ảnh: Thùy Linh

Nhà giáo Nguyễn Văn Ngai (bên phải) trò chuyện với người đồng nghiệp - Nhà giáo Ưu tú Chu Xuân Thành. Ảnh: Thùy Linh

Hoạt động giảng dạy, học tập trong nhà trường nhanh chóng vào nề nếp. Ngoài giảng dạy, giáo viên còn hướng dẫn học sinh lao động sản xuất. Các thầy cô mượn đất sau vụ mùa chính của nông dân để đào giếng, trồng đậu bắp, đậu phộng, bo bo, hoa màu. Cũng nhờ vậy, sau thời gian phấn đấu và nỗ lực của thầy và trò, khoảng năm 1983 - 1984, Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu được công nhận là trường tiên tiến.

Theo thầy Ngai, sau giải phóng, các trường đều sử dụng lại các giáo viên lưu dung. Ngoài ra cũng tăng cường thêm giáo viên là người tập kết, người đi B, bộ đội chuyển ngành sau khi qua khóa đào tạo ở trường sư phạm và được bổ sung nhiều giáo viên trẻ mới ra trường sau giải phóng.

Dù khó khăn nhưng theo ông, quan hệ, hợp tác trong công việc giữa các nguồn giáo viên khá ổn. Giáo viên bước sang thời kỳ mới đều học tập chính trị để hiểu về Bác Hồ, về Đảng Cộng sản Việt Nam, Lịch sử Đảng.

“Thời gian đầu, các giáo viên các môn tự nhiên khá thuận lợi khi dạy theo sách giáo khoa mới. Còn các giáo viên dạy các môn xã hội, đặc biệt là giáo viên lưu dung có gặp khó khăn hơn do quan điểm cách nhìn có thay đổi”, thầy Ngai cho biết.

Nhìn lại 40 năm cống hiến cho ngành Giáo dục, người thầy ở ngưỡng tuổi bát tuần tâm niệm, “sư” là thầy, “phạm” là khuôn khổ, làm nghề giáo phải chấp nhận những khuôn khổ nhất định.

“Trong giao tiếp, làm gì cũng phải nghĩ mình là nhà giáo, không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn góp phần rèn luyện nhân cách cho học trò, giáo dục cho học sinh, giúp các em rèn luyện đạo đức tốt. Muốn như vậy, người thầy không phải rèn luyện bằng lời nói mà bằng chính sự gương mẫu của mình, gương mẫu trong lời nói, gương mẫu trong giao tiếp,...”, thầy Ngai nhấn mạnh.

Nhà giáo Ưu tú Chu Xuân Thành - Nguyên Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT TPHCM chia sẻ: Thầy Nguyễn Văn Ngai có 2 cái hay. Một là quan hệ quần chúng, cách đối xử với giáo viên, anh em và tất cả mọi người rất tốt, hiền từ. Hai là, về trách nhiệm, thầy hoàn thành rất tốt nhiệm vụ hiệu trưởng của mình, mặc dù trường ở rất xa thành phố.

Anh Thư

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguoi-thay-song-giua-cot-moc-chuyen-giao-giao-duc-post718517.html