Sĩ tử 12 đăng ký đủ kỳ thi riêng, học không dám nghỉ

Thay vì chỉ dựa trên kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét vào đại học, ra Tết, nhiều học sinh tăng tốc để chuẩn bị cho hàng loạt kỳ thi riêng sẽ diễn ra trong những tháng tới.

 Thí sinh trong kỳ thi đánh giá tư duy đợt 1 năm 2025 do Đại học Bách khoa tổ chức. Ảnh: Hust.

Thí sinh trong kỳ thi đánh giá tư duy đợt 1 năm 2025 do Đại học Bách khoa tổ chức. Ảnh: Hust.

“Em bỏ học IELTS vì tốn quá, điểm học bạ cũng không quá xuất sắc, nên giờ phương án tốt nhất là ôn thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA) tổ chức để nâng cao cơ hội đậu đại học”.

Đây là điều mà Phan Hà, học sinh lớp 12 ở Hà Tĩnh, chia sẻ khi được hỏi về quá trình ôn tập để xét tuyển vào đại học. Giống như nhiều học sinh lớp 12 khác, càng sát kỳ thi, việc học, ôn tập lại càng thêm căng thẳng.

Chuộng kỳ thi riêng để xét tuyển đại học

Trong khi nhiều bạn bè ôn thi đánh giá năng lực từ lớp 10, lớp 11, Phan Hà lại mới đăng ký luyện thi từ đầu năm lớp 12 - sau khi quyết định dừng khóa học IELTS vì tốn kém, không hiệu quả. Do xuất phát muộn hơn bạn bè cùng lớp, Hà phải ôn tập nhiều hơn, dành nhiều thời gian hơn để không bị tụt lại.

Được bạn bè giới thiệu, Hà đăng ký một khóa ôn thi đánh giá năng lực HSA của một nền tảng học trực tuyến khá nổi tiếng trên mạng. Với mức học phí hơn 3 triệu đồng, học sinh được sử dụng các video bài giảng cho đến ngày thi, kèm theo loạt sách giải đề do tổ chức này biên soạn.

 8 cuốn sách luyện HSA dày cả trăm trang của Phan Hà. Ảnh: NVCC.

8 cuốn sách luyện HSA dày cả trăm trang của Phan Hà. Ảnh: NVCC.

Hiện, Phan Hà có đến 8 cuốn sách luyện HSA dày cả trăm trang. Mỗi ngày, nữ sinh cố gắng luyện ít nhất 2 bộ đề nhưng vẫn cảm thấy không xuể, sợ không đủ kiến thức để tham gia kỳ thi. Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, Hà vẫn cố gắng ngồi vào bàn ôn luyện thêm, không dám lơ là vì sợ bỏ phí thời gian.

Ngoài ôn thi đánh giá năng lực HSA, Hà cũng tự ôn thêm để chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM. Hiện, nữ sinh chỉ tự ôn tập theo tài liệu được bạn cho hoặc tự cóp nhặt trên mạng vì sợ nếu đăng ký thêm một khóa mới, em sẽ học không xuể vì lịch học chồng chéo.

“Bạn bè em có IELTS hết, một số bạn khác lại có giải thưởng học sinh giỏi nên không bị áp lực xét tuyển. Bản thân em chưa có gì trong tay nên càng phải cố hơn, em sợ trượt nguyện vọng yêu thích”, Hà nói.

Tương tự, ấp ủ đăng ký vào Đại học Sư phạm Hà Nội và Sư phạm Hà Nội 2, từ hè lớp 11, Nguyễn Phúc (học sinh lớp 12 tại Hà Nội) đã bắt đầu ôn thi đánh giá năng lực do Đại học Sư phạm Hà Nội (SPT) và Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.

“Điểm chuẩn vào ngành Sư phạm Toán thường rất cao, dùng điểm thi tốt nghiệp THPT hay học bạ thì không đủ. Em chú trọng hơn vào các kỳ thi riêng để tăng cơ hội đỗ”, Phúc nói.

Nam sinh dự tính thi HSA vào tháng 3 để đăng ký vào Sư phạm Hà Nội 2. Sau đó, em sẽ thi SPT vào giữa tháng 5 và cuối cùng là thi tốt nghiệp THPT vào cuối tháng 6.

Ra Tết, khi lịch thi ngày một đến gần, Phúc cũng tăng tốc hơn. Ngoài lịch học trên trường, Phúc duy trì học thêm 5 buổi/tuần với 3 môn Toán, Lý, Hóa. Mỗi ngày, nam sinh lại tự học đến khoảng 23-0h và thường dậy sớm để ôn bài.

“Để cân bằng, em phân chia những ngày chẵn trong tuần sẽ ôn thi tốt nghiệp THPT, ngày lẻ sẽ ôn thi đánh giá năng lực”, nam sinh nói.

Với kỳ thi SPT, chọn Sư phạm Toán, vì vậy, Phúc chỉ đăng ký thi 3/8 môn là Toán, Lý, Hóa để tiết kiệm thời gian và công sức.

Trong khi đó, với kỳ thi HSA, thí sinh sẽ thi hai phần bắt buộc gồm Toán học và Xử lý số liệu; Văn học - Ngôn ngữ. Ngoài ra, thí sinh có phần lựa chọn Khoa học hoặc Tiếng Anh. Dự kiến chọn Khoa học, Phúc tập trung ôn các môn Toán, Văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.

Ngoài kiến thức trên lớp, Phúc phải học mở rộng thêm kiến thức bên ngoài để phục vụ kỳ thi. Làm thử đề tham khảo, nhận thấy đề năm nay mới, dài và khó hơn các năm trước một chút vì thiên nhiều về thực tế, song Phúc cho rằng ôn kỹ thì không lo lắm, trước tiên phải nắm chắc được kiến thức cơ bản.

Dịch vụ luyện thi cũng nở rộ

Năm 2025, nhiều trường đại học trên cả nước, từ sư phạm, kỹ thuật, công an, kinh tế, tiếp tục sử dụng điểm các kỳ thi riêng để tuyển sinh, bên cạnh xét điểm thi tốt nghiệp THPT và một số phương thức khác. Đây được coi là cơ hội để thí sinh mở thêm một cánh cửa vào đại học.

Chính từ sức nóng này, vài năm nay, các dịch vụ mua bán tài liệu, cung cấp đề thi, chào mời công khai khóa ôn cấp tốc nở rộ với mức giá chỉ từ vài trăm nghìn cho đến vài triệu đồng.

Chỉ với một cú click chuột, hàng triệu kết quả liên quan đến luyện thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy hiện ra trên Internet, thí sinh có thể dễ dàng tìm thấy các nhóm ôn tập trên mạng xã hội hoặc được cung cấp đầy đủ thông tin về các dịch vụ này.

Trước nhiều "chiêu" chào mời tham gia các khóa ôn luyện thi, mua tài liệu, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội đã nhiều lần cảnh báo, khẳng định không liên kết với bất cứ tổ chức, trung tâm, cá nhân nào trong việc cung cấp bộ đề, ôn luyện cho thí sinh dự thi đánh giá năng lực.

Các tài liệu quảng cáo trên mạng đều là tài liệu không chính thức và không phục vụ kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đề luyện thi được quảng cáo có thể dựa vào các bài thi tham khảo hoặc cóp nhặt đề thi của trường này, trường kia khiến thí sinh cảm tưởng đề luyện thi giống đề thi thật.

Tuy nhiên, với đề cóp nhặt kiểu này sẽ thiếu tính hệ thống hóa, học sinh giải các đề này cảm thấy chỗ rất khó, câu lại quá dễ không đúng với ma trận đề thi chính thống. Vì vậy, thí sinh cần cẩn trọng với các dịch vụ chào mời luyện thi, mua bán đề nêu trên.

 Nhiều học sinh chọn tham gia nhiều kỳ thi riêng để tăng cơ hội vào đại học. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Nhiều học sinh chọn tham gia nhiều kỳ thi riêng để tăng cơ hội vào đại học. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Phan Hà cũng từng tham khảo nhiều trung tâm luyện thi HSA online với nhiều mức giá khác nhau, thấp nhất là 2 triệu đồng và cao nhất lên đến 11 triệu đồng. Trung tâm bán khóa học 11 triệu đồng khá nổi tiếng với học sinh, nhưng nhận thấy mức giá quá đắt, Hà quyết định chọn nơi học có giá “mềm” hơn nhưng cũng được nhiều học sinh đánh giá tốt.

Trong khi đó, tham khảo nhiều khóa luyện thi đánh giá năng lực online với mức giá 1-1,5 triệu đồng, Nguyễn Phúc “chốt” tự ôn tập, một phần vì sợ không hiệu quả và ngại chi phí, một phần cảm thấy kiến thức học trên trường và tự học là đủ.

Nam sinh chỉ mua sách luyện đề với giá 100.000 đồng và xem các thầy cô live dạy học trên TikTok hoặc Facebook để tiết kiệm chi phí.

“Hầu như ngày nào thầy cô cũng live, em học khoảng 2-3 giờ. Mỗi ngày, trước khi kết thúc việc tự học, em đều hoàn thành một đề đánh giá năng lực”, Phúc chia sẻ.

Học sinh đang bị FOMO

Là giáo viên chủ nhiệm lớp 12, hàng ngày chứng kiến học sinh học thêm cho các kỳ thi riêng như “chạy show”, cô Nguyễn Giang (Hà Nội) nói rằng cô rất hiểu áp lực mà các học sinh đang phải đối diện trong giai đoạn này.

Khi các kỳ thi riêng nở rộ, loạt phương thức xét tuyển được áp dụng, học sinh sẽ phải cân, đo, đong, đếm để tìm ra giải pháp ôn tập khoa học, sao cho khả năng trúng tuyển ở mức cao nhất.

Nhận định về hiện tượng học sinh ôn cùng lúc 2-3 kỳ thi riêng, cô Giang nói hiện tượng này không quá khó hiểu vì học sinh rất dễ bị FOMO (sợ bị bỏ lỡ). Cụ thể, khi các em thấy một kỳ thi được công bố, các anh chị khóa trước đậu đại học nhờ kỳ thi đó, các em cũng sẽ muốn thử sức và sợ rằng nếu không thử, bản thân sẽ mất đi cơ hội lớn vào đại học.

Theo cô giáo, trước đây, khi việc xét tuyển đại học còn phụ thuộc phần nhiều vào điểm thi tốt nghiệp THPT, học sinh sẽ tập trung “toàn tâm toàn ý” vào việc ôn thi các môn theo tổ hợp. Nhưng hiện tại, khi có các kỳ thi riêng, học sinh phải chia nhỏ thời gian ôn tập cho các kỳ thi, kéo theo đó là áp lực gia tăng, lượng kiến thức thu nạp vào đầu cũng tăng theo cấp số nhân.

Ngoài ra, theo từng năm, số trường đại học sử dụng điểm thi các kỳ thi riêng cho việc xét tuyển ngày càng tăng, học sinh cũng sẽ nảy sinh tâm lý “mình nên tham gia kỳ thi đó, không đậu trường này thì còn trường khác để dự phòng”.

Cá nhân cô Giang không phản đối việc học sinh ôm đồm nhiều kỳ thi cùng lúc vì đó là lựa chọn và mục tiêu của mỗi em. Nhưng cô giáo khuyên rằng các học sinh cần sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, khoa học và tránh bỏ bê kỳ thi tốt nghiệp THPT bởi kỳ thi này cũng rất quan trọng.

“Lứa học sinh 2007 càng phải chú trọng đến kỳ thi tốt nghiệp THPT vì đây là năm đầu tiên các em thi theo kiểu mới, đề thi mới. Học sinh 2007 áp lực rất nhiều, tôi mong các em bình tĩnh ôn tập, đừng vì trào lưu mà ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe của mình”, cô Giang nhấn mạnh.

Ngọc Bích - Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/si-tu-12-dang-ky-du-ky-thi-rieng-hoc-khong-dam-nghi-post1529282.html