'Người thiết kế kiến trúc' mong muốn đưa ngôn ngữ kiến trúc Việt Nam ra ngoài thế giới
Không tự nhận bản thân là một 'Kiến trúc sư' mà chỉ đơn giản là một người thiết kế kiến trúc, với mong muốn đưa những nét vẽ kiến trúc mang hình ảnh của Việt Nam nhiều hơn lên các thiết kế, cùng ngôn ngữ kiến trúc của Việt Nam ra ngoài thế giới, Việt Anh tốt nghiệp với đồ án loại Giỏi của trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, được đảm nhận nhiều dự án lớn trong nước và nước ngoài.
Phan Thanh Việt Anh (sinh năm 1996, quê Nghệ An) hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Việt Anh từng là một trong những thành viên trẻ tuổi nhất trong ban thiết kế của tập đoàn Sunshine, kiến trúc sư concept cho HBH architects - công ty thiết kế kiến trúc cho các dự án nước ngoài và các tập đoàn lớn ở Việt Nam. Đồng thời quản lý một studio thiết kế kiến trúc của riêng mình. Bên cạnh đó, mọi người còn biết đến 9X với vai trò là một người mẫu. Tham gia vào một số chương trình bảo tồn, phát triển Việt phục thời kỳ Lê trung hưng. Đây cũng là một trong những niềm đam mê của Việt Anh song hành với kiến trúc.
Việt Anh tốt nghiệp với đồ án “Bảo tàng thất bại” – một đồ án thú vị, nhiều ý nghĩa đạt loại Giỏi của trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng. 9X chia sẻ: “Khi ấy hội đồng bảo vệ đồ án của mình khá nặng ký, bao gồm các thầy trưởng khoa kiến trúc và thầy hiệu trưởng Nhà trường. Ban đầu khi đưa ra đồ án, mọi người đều ngạc nhiên, cũng như thắc mắc về cái tên đồ án của mình. Và mình đã giải thích về nó, bảo tàng này được thiết kế chỉ để trưng bày những điều thất bại. Với những trăn trở, thất bại có thật sự đáng bị lãng quên để tôn vinh những sự thành công? Trong khi đó, cần cả trăm sự thất bại mới có được một sự thành công. Ở đây mình trưng bày những hiện vật thất bại, bị hỏng hóc như một món đồ gốm bị vỡ, một thiết kế nội thất không hoàn chỉnh,... để chúng ta nhìn vào, cảm nhận và có thể thấy được rằng, thất bại cũng xứng đáng được tôn vinh”.
Như Richard Branson từng viết: “Tôi có được ngày hôm nay là nhờ được phép thất bại. Học hỏi từ thất bại sẽ tôi luyện con người và dạy ta nhiều điều mà ta sẽ không biết nếu không thử”.
Ước muốn của Việt Anh là đưa những nét vẽ kiến trúc mang hình ảnh của Việt Nam nhiều hơn lên các thiết kế, cùng ngôn ngữ kiến trúc của Việt Nam ra ngoài thế giới. Song, điều đó cũng là thách thức rất lớn. Để nói về kiến trúc mang đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam đang khá hạn chế, sẽ rất cần thời gian để có thể đưa ra một ngôn ngữ thiết kế của chúng ta. Người ta thường yêu cầu: “Thiết kế cho tôi kiến trúc kiểu Nhật, kiểu Châu Âu, kiểu cổ điển,...”. Nhưng để nói: “Thiết kế cho tôi một kiến trúc thuần Việt”, điều đó chưa thật sự có quá nhiều. Chính vì vậy, Việt Anh càng mong muốn, kiến trúc mang phong cách Việt Nam sẽ có thể hiện diện nhiều hơn các lâu đài kiểu cổ điển, hay các ngôi nhà lai căn Nhật, Hàn, Trung.
Không tự nhận bản thân là một “kiến trúc sư” mà thay vào đó là người thiết kế kiến trúc. Bởi lẽ với Việt Anh, kiến trúc sư là một ngành nghề hết sức danh giá và đòi hỏi nhiều kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm. Người được gọi là kiến trúc sư phải thật sự là một bậc thầy của kiến trúc. Và hiện tại, Việt Anh vẫn đang nỗ lực để vươn tới được danh xưng danh giá này. Với mong muốn đóng góp sức lực, trí óc để phát triển nền kiến trúc Việt Nam ngày càng cao hơn nữa, đưa kiến trúc của Việt Nam thay đổi bằng những công trình kiến trúc do tự tay mình thiết kế.
Việt Anh thổ lộ: “Con đường đến với kiến trúc không hề dễ dàng, nhưng nó thật sự là một con đường đầy sự nỗ lực và tự hào của bản thân. Mình đã và đang trau dồi rất nhiều kỹ năng để có thể góp một phần nhỏ bé vào sự phát triển của kiến trúc Việt Nam. Ngày còn bé, mình rất thích các công trình kiến trúc thế giới nổi tiếng như Kim tự tháp, tháp Eiffel, nhà hát Opera Sydney... Khi ấy, mình có một quyển sổ nhỏ vẽ lại hết các công trình kiến trúc đấy và ước muốn trở thành một kiến trúc sư tài năng, có thể thiết kế ra những công trình kiến trúc để đời như các vị kiến trúc sư nổi tiếng thế giới này”.
Đối với Việt Anh, kiến trúc không chỉ là một ngành nghề, kiến trúc còn là phong cách sống, hưởng thụ và cảm nhận cái đẹp. Một kiến trúc sư không chỉ đơn thuần là “bạn sẽ sáng tạo nên một ngôi nhà”. Khi là một kiến trúc sư có trình độ, kiến thức và tư duy của bạn sẽ thể hiện nơi bạn đang ở; Những suy nghĩ về các công trình, tòa nhà nơi bạn đến và cả những ý kiến mà bạn trao đổi với mọi người về không gian sống ở mọi nơi. Đặc biệt, 9X cảm thấy rất thích thú khi những ý tưởng của bản thân được hiện thực hóa, hiện diện ngay trước mắt mình, được sờ vào cảm nhận từng bức tường, từng phiến đá, các cách bố trí sắp xếp không gian khoa học. Tất cả tạo nên một công trình bền vững với thời gian. Để sau này, khi bản thân đã già có thể nhìn lại những thành tựu, những công trình ngày trẻ mình đã dành cả khối óc và tâm sức để tạo ra.
Trong xã hội ngày nay, các cơ hội dành cho kiến trúc sư ngày càng nhiều. Thách thức cũng như vậy. Với sự tiếp nhận thông tin nhanh chóng từ Internet, đặc biệt là AI. AI dành cho kiến trúc cũng đang phát triển rất mạnh, từ đó kiến trúc sư sẽ nhanh chóng có được ý tưởng và triển khai ý tưởng nhanh hơn, hiện thực hóa và tổng hợp các nguồn thông tin từ khắp thế giới. Giải phóng khá nhiều sức lực cho chính các kiến trúc sư. Song, bên cạnh đó cũng khiến cho người làm kiến trúc bị “lười” đi trong suy nghĩ, “lười” đi trong việc sáng tạo. Các thiết kế có thể sẽ bị trùng mà không có sự đột phá. Sự cạnh tranh trong ngành chính vì vậy cũng cao hơn. Do đó, những người làm kiến trúc hiện nay phải thật sự nhận thức rõ về AI, cũng như Internet. Các nguồn thông tin đó đơn giản chỉ là sự bổ trợ, nó không thể thay thế con người tạo ra những thiết kế mang đậm tính cá nhân.
Bên cạnh đó, Việt Anh cũng dành lời khuyên cho các bạn sinh viên đã và đang theo đuổi nghề: “Những người trẻ như mình khi theo đuổi kiến trúc hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, những thiết kế đơn giản nhất. Luôn tìm kiếm cơ hội, trau dồi học tập và nắm bắt cơ hội khi được trao. Hãy nói lên suy nghĩ của riêng mình, những ý tưởng tốt sẽ được đón nhận và lắng nghe một cách nghiêm túc. Những bước khởi đầu của ngành kiến trúc luôn chênh vênh, 5 năm học đại học chỉ là bước khởi đầu. Sau đó là một quá trình bền bỉ, chuyên tâm, cảm nhận và cập nhật xu hướng của thế giới từng ngày, từng giờ. Công việc của kiến trúc sư không phải đơn thuần chỉ là thiết kế mà còn liên quan đến rất nhiều vấn đề khác, chẳng hạn như Toán học, Vật lý, Kỹ thuật, Văn hóa xã hội. Chính vì thế, người kiến trúc sư phải nghiên cứu và tìm hiểu tất cả các vấn đề trên. Khi thế giới vận động, kiến trúc sư cũng cần vận động theo nó nếu không muốn bị tụt hậu và lỗi thời”.