Người thổi hồn vào gỗ

Từ những khúc gỗ vô tri, vô giác, thậm chí chỉ đáng bỏ đi, vậy mà qua con mắt tinh tường, trí tưởng tượng phong phú, cùng đôi bàn khéo léo, tài hoa, Trần Văn Phú, Tổ dân phố Minh Lương, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên đã biến thành những sản phẩm khắc gỗ nghệ thuật tượng người, con vật, tích truyện hay cảnh trí thiên nhiên hữu tình, sống động. Anh là một trong những người thuộc lớp thợ mới, mở lối đi tiên phong ở làng nghề mộc Thanh Lãng.

Nghề điêu khắc gỗ mang đến cho Trần Văn Phú có nguồn thu nhập ổn định, vừa giúp anh thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo của mình.

Nghề điêu khắc gỗ mang đến cho Trần Văn Phú có nguồn thu nhập ổn định, vừa giúp anh thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo của mình.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề giáo mà không phải nghề mộc như hầu hết các gia đình khác cùng thôn, xóm. Bố anh là thầy giáo có tiếng ở trường làng, đã đào tạo rất nhiều lớp thế hệ học trò tài năng, thành đạt cho địa phương.

Vậy nên cũng dễ hiểu khi ông luôn mong muốn và hướng anh theo nghiệp cha, gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ”. Bởi với ông đây là nghề cao quý, có thể giúp ích nhiều hơn cho đời. Thế nhưng, trời đâu phải lúc nào cũng chiều lòng người, dù đã tìm nhiều cách, giảng giải nhiều tháng ngày, nhưng anh con trai của ông lại sớm yêu thích đục đẽo hơn là cầm bút nghiên.

Vì khi đó, học nghề mộc đang là xu hướng hầu hết lớp thanh niên tuổi anh đều theo, và anh cũng không phải ngoại lệ.

Dù vẫn cố gắng học hành đầy đủ, nhưng Trần Văn Phú kiên trì thuyết phục bố cho mình theo học nghề mộc, nhưng là nghề điêu khắc gỗ chứ không phải làm đồ mộc mỹ nghệ, làm giường, tủ, bàn ghế thông thường.

Hiểu tính con không ai bằng cha mẹ, sợ anh bỏ dở luôn việc học nếu không được chấp thuận, bố anh đồng ý cho con theo học nghề, nhưng với điều kiện phải hoàn thành việc học tập cả ở trường và ở nhà. Khi đó là năm 1996, năm ấy anh vừa tròn 15 tuổi.

Anh Phú chia sẻ: “Tôi đến với nghề điêu khắc khá tình cờ. Năm ấy tôi đang học tiểu học, trong một lần đến nhà bạn cùng xóm chơi, người bạn mang ra khoe một tượng gỗ nhỏ nhìn sống động, quan sát góc nào cũng đẹp vô cùng, thế là ấn tượng, yêu thích từ đó. Hỏi ra mới biết đó là tượng cụ Bồ Đề Đạt Ma Sư Tổ.

Trong lòng thầm nghĩ mình sẽ làm được một bức tượng đẹp hơn, tinh xảo hơn để khoe với bạn bè. Vậy là nung nấu ý định học nghề từ đó. Tuy nhiên mãi đến năm 15 tuổi mới được gia đình chấp nhận cho đi học nghề.”

Những năm đầu học nghề với Trần Văn Phú không hề đơn giản như anh hình dung. Công việc khó khăn ngay từ lúc phải học cách mài đục, do mới học nên không thành thạo đục thường bị mất lưỡi, việc đứt tay chảy máu là chuyện xảy ra thường ngày.

Rồi đến cách cầm đục, rùi đục, lực đục cho từng nét với từng loại gỗ khác nhau. Với loại gỗ này cần lực mạnh, dứt khoát, nhưng với loại khác lại cần lực nhẹ, di chuyển lưỡi đục uyển chuyển, linh hoạt nếu không sẽ làm hỏng gỗ ngay. Và còn việc phác thảo, chọn gỗ, lựa thế gỗ để đục, rồi đánh bóng, hoàn thiện…và rất nhiều công đoạn khác.

Mặc dù vất vả, khó khăn, thiếu các công cụ hỗ trợ như hiện nay và hàng trăm tác phẩm phải phẩm phải bỏ dở dang, làm đi, làm lại nhiều lần, thậm chí bị hỏng bỏ đi, nhưng vì yêu nghề và yêu những tác phẩm nghệ thuật nên anh vẫn quyết chí theo nghề.

Trời không phụ lòng người nhờ siêng năng học hỏi, chăm chỉ thực hành cùng với đôi bàn tay tài hoa khéo léo, trí tưởng tượng phong phú, sau nhiều năm học nghề Trần Văn Phú đã thành thạo hầu hết các kỹ thuật khó trong nghề.

Các tác phẩm của anh được nhiều khách hàng đón nhận, đánh giá cao; giới làm nghề ở địa phương nể phục. Khách hàng không chỉ giới hạn ở trong tỉnh mà còn nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Anh Phú chia sẻ: Tượng gỗ tôi làm thì nhiều nhưng ưng ý nhất, tâm huyết nhất vẫn là tượng cụ Bồ Đề Đạt Ma Sư Tổ, đặc biệt là những tượng có kích thước gỗ lớn. Tôi còn nhớ như in, một khách hàng ở địa phương đã đưa khối gỗ nu hương đá cao hơn 2m đến nhờ tôi tạc thành tượng cụ Bồ Đề Đạt Ma Sư Tổ. Cả tôi và khách hàng đều mất rất nhiều thời gian để phác thảo, trao đổi ý tưởng, lựa thế tượng.

Đến khi hoàn thiện, khách hàng rất ưng ý, ngoài tiền công anh còn tặng quà và mời tôi cùng một số anh em khác đến nhà giao lưu, cùng nhau bình về tác phẩm. Mọi người đều tấm tắc khen nên tôi càng tự hào và yêu quý, gắn bó với nghề hơn.

Theo anh Phú, để có được những tác phẩm ưng ý cho khách hàng thì người làm nghề phải rất tâm huyết và tập trung cao độ với sản phẩm từ lúc chọn phôi gỗ, đến khi tạo dáng lên hình cho tác phẩm, vào nét gọt nạo đến khâu cuối hoàn thiện.

Chọn phôi khâu đầu tiên rất quan trọng phải đặc đẹp nếu là thế gỗ lũa thì phải đúng dáng thế để khi lên tác phẩm vừa nghệ thuật vừa hợp với không gian của người chơi gỗ. Đến khi phác họa lên hình dáng cho tác phẩm cũng là công đoạn không kém phần quan trọng một cục gỗ đẹp mà lên hình sai là tác phẩm coi như bỏ đi.

Có thể nói, mỗi công đoạn trong chế tác một tác phẩm đều rất quan trọng, cần sự tỷ mỉ, tập trung cao độ; nhiều tác phẩm anh em thợ phải tham khảo ý kiến của nhau và trao đổi với khách mới ra được những tác phẩm ưng ý nhất…quan trọng nhất của người thợ vẫn là cái tâm trong nghề. Cần giữ tâm huyết, đam mê thì tác phẩm mới đẹp, sống động, có hồn cốt.

Bài, ảnh: Nguyễn Khánh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/73596/nguoi-thoi-hon-vao-go.html