Người thổi hồn vào tiếng khèn H'Mông

Cứ mỗi độ xuân về, người H'Mông ở vùng cao Sín Chéng, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) nơi thượng nguồn sông Chảy hùng vĩ, lại không quên nâng niu cây khèn để cất lên tiếng lòng nhớ về nguồn cội, biết ơn Ðảng và Bác Hồ đã đem đến cuộc sống no ấm, đủ đầy. Ở đó, Nghệ nhân Ưu tú Thào A Dín được ví như người giữ lửa hồn khèn H'Mông bởi những tâm huyết của ông trong việc lưu giữ và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Nghệ nhân ưu tú Thào A Dín truyền dạy khèn H’Mông cho lớp trẻ.

Nghệ nhân ưu tú Thào A Dín truyền dạy khèn H’Mông cho lớp trẻ.

Cứ mỗi độ xuân về, người H’Mông ở vùng cao Sín Chéng, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) nơi thượng nguồn sông Chảy hùng vĩ, lại không quên nâng niu cây khèn để cất lên tiếng lòng nhớ về nguồn cội, biết ơn Ðảng và Bác Hồ đã đem đến cuộc sống no ấm, đủ đầy. Ở đó, Nghệ nhân Ưu tú Thào A Dín được ví như người giữ lửa hồn khèn H’Mông bởi những tâm huyết của ông trong việc lưu giữ và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Những ngày đầu năm mới, bản Sín Chải, ở xã vùng cao Sín Chéng, với hơn trăm nóc nhà đồng bào H’Mông nhộn nhịp không khí đón xuân. Ngôi nhà trình tường rộng rãi của Nghệ nhân Ưu tú Thào A Dín rộn vang tiếng khèn bè lúc trầm lúc bổng, cất lên giai điệu dân ca H’Mông. Ðó là lớp học khèn tại nhà do ông mở ra và duy trì truyền dạy bao năm nay cho con em người H’Mông trong vùng. Nơi miền núi đá, những đứa trẻ khi còn chưa lọt lòng mẹ đã được nghe tiếng khèn của ông cha, rồi khi lớn lên biết cầm khèn theo mẹ lên nương, theo cha xuống chợ phiên.

Sống giữa cái nôi của nền văn hóa ấy, giai điệu của khèn đã ngấm vào máu thịt ông Dín. 10 tuổi, ông đã biết thổi những nốt nhạc đầu tiên trong bài khèn gốc. Năm 12 tuổi, ông xin phép cha khăn gói sang huyện Xín Mần (Hà Giang) theo ông Thào A Pao, "thần khèn" trên mảnh đất Xín Mần để học hỏi, tìm hiểu thêm về động tác, ý nghĩa các bài khèn. Năm 17 tuổi, chàng trai trẻ Thào A Dín đã múa điêu luyện các bài khèn. Sau khi học xong, ông Dín trở về quê hương, mang kiến thức học được đi phục vụ cộng đồng. Ông múa khèn với các nghệ nhân ở khắp các xã của huyện Si Ma Cai như Cán Cấu, Mản Thẩn, Nàn Sán... Trải qua hàng chục năm học hỏi, tích lũy để có được kho kiến thức đồ sộ về văn hóa dân tộc H’Mông, đến nay, ông Dín có thể múa và thổi khèn thành thục khoảng hơn 100 bài với kỹ thuật cao. Ðồng thời, ông còn hát thành thạo khoảng 50 bài dân ca về tình yêu, gia đình như: Hát than thân, ru con... Ngoài ra, ông có thể múa được 15 bài võ dân tộc (võ gậy, võ kiếm, võ liềm…) và đọc thông thạo hơn 50 truyện cổ tích của dân tộc H’Mông.

Nghệ nhân Thào A Dín chia sẻ: "Với tôi, cây khèn không chỉ thuần túy là một loại nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống tinh thần mà còn là vật tri kỷ đồng hành cùng tôi trải qua biết bao vui buồn trong cuộc sống. Học khèn và biểu diễn từ ngày còn nhỏ, nay bước qua tuổi 55, sức khỏe không còn dẻo dai như trước cho nên tôi ít đi múa khèn mà bắt đầu truyền dạy cho thế hệ trẻ. Ðến nay, tôi đã truyền dạy được khoảng 155 học trò". Ông Thào A Dín đã nhiệt tình tham gia phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai thực hiện dự án "Khôi phục và truyền dạy điệu múa khèn vượt biển của người H’Mông trắng ở xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai" do Quỹ Hỗ trợ bảo tồn văn nghệ dân gian tài trợ, nhằm góp phần khôi phục và truyền dạy thành công điệu múa khèn cho thế hệ thanh niên dân tộc H’ Mông.

Trong đời sống của cộng đồng người H’Mông, từ lâu cây khèn có ý nghĩa rất quan trọng bởi nó mang giá trị văn hóa đặc trưng và đậm dấu ấn lịch sử. Những bài khèn với lời ca thắm thiết, da diết lòng người, khi buồn, khi vui người H’Mông đều mang khèn ra thổi. Tiếng khèn du dương ấy mãi vang vọng khắp núi rừng Tây Bắc.

Bài và ảnh: Quốc Hồng

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dan-toc-mien-nui/nguoi-thoi-hon-vao-tieng-khen-hmong-635618/