Người thủ lĩnh đáng mến
Năng động, sáng tạo, hết lòng vì người lao động và doanh nghiệp là những ưu điểm của anh Nguyễn Thanh An, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Việt Nam Samho
Từ một doanh nghiệp (DN) chỉ có khoảng 50% lao động là đoàn viên Công đoàn (CĐ), tranh chấp lao động tập thể xảy ra triền miên, nhiều năm trở lại đây, Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, TP HCM) đã trở thành một điểm sáng trong quan hệ lao động. Người góp công lớn vào kết quả đó là anh Nguyễn Thanh An, Chủ tịch CĐ công ty.
Thấu hiểu và sẻ chia
Năm 1996, sau khi tốt nghiệp ngành hóa Trường Trung cấp nghề Long An, anh Nguyễn Thanh An xin vào làm công nhân (CN) quản lý vật tư tại Công ty TNHH Samyang Việt Nam. Nhờ năng lực nổi trội và tinh thần làm việc hết mình, chưa đầy 1 năm sau, anh được cất nhắc lên làm tổ trưởng, chuyền trưởng, rồi giám đốc xưởng sản xuất đế giày (năm 2002).
Là quản lý nhưng có lối sống giản dị, biết lắng nghe và sẵn sàng chia sẻ khó khăn với đồng nghiệp nên anh An luôn được lãnh đạo DN và cả tập thể CN tin yêu. Đó cũng là lý do vì sao anh được bầu làm chủ tịch CĐ cơ sở vào năm 2006. Nhớ lại thời điểm ấy, anh An kể: "Việc DN đổi chủ sở hữu (chuyển thành Công ty TNHH Việt Nam Samho) khiến tập thể lao động hoang mang, trong khi CĐ cơ sở chưa phát huy được vai trò đại diện nên quan hệ lao động luôn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn. Đây cũng là bài toán khó cho CĐ cơ sở". Trước tình thế đó, khi được lãnh đạo công ty thuyết phục thôi làm nhiệm vụ chuyên môn để chuyển sang làm cán bộ CĐ chuyên trách, anh An gật đầu ưng thuận. Hai năm đầu anh làm chủ tịch CĐ, sóng gió liên tiếp xảy ra khi chính sách tiền lương của DN chưa hợp lý, còn cào bằng, gây bức xúc trong tập thể lao động. "Áy náy vì phụ sự kỳ vọng của người lao động (NLĐ) nên đã 2 lần tôi xin từ chức. Thế nhưng, số đông CN hiểu chuyện nên hết sức cảm thông và động viên tôi. Bên cạnh đó, CĐ cấp trên cũng thường xuyên khích lệ, hỗ trợ nên tôi có thêm động lực để cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao" - anh An chia sẻ.
Cũng từ thất bại đó, anh An nhận ra rằng để bình ổn quan hệ lao động thì phải nắm bắt được tâm tư NLĐ và giải tỏa kịp thời các bức xúc, CĐ phải quyết liệt hơn khi thương lượng, xây dựng chế độ, chính sách tiền lương, đãi ngộ với DN. Biến suy nghĩ thành hành động, anh đã thuyết phục DN tổ chức đối thoại định kỳ mỗi tháng một lần để giải đáp các kiến nghị liên quan đến thu nhập, việc làm của NLĐ; đồng thời chủ động phối hợp cùng DN xây dựng thang, bảng lương đúng (điều chỉnh lương 2 lần/năm) cho NLĐ. Đặc biệt, khi thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể, anh cố gắng đề xuất thêm nhiều chế độ phúc lợi cho NLĐ như: ngoài lương, CN được hưởng thêm phụ cấp chuyên cần, thâm niên, nhà trọ, phí sinh hoạt, nuôi con nhỏ; CN bị bệnh, có hoàn cảnh khó khăn được công ty thăm hỏi từ 1-5 triệu đồng/lần; lao động nữ có thai được nghỉ 9 ngày đi khám thai, trừ 5 ngày BHXH chi trả chế độ, các ngày còn lại NLĐ được DN trả lương…
Nhạy bén, sáng tạo
Trăn trở lớn nhất của anh chính là làm sao đời sống vật chất, tinh thần NLĐ được nâng lên và quan hệ lao động hài hòa tại DN luôn ổn định, do vậy, trong 14 năm là chủ tịch CĐ, anh luôn tìm tòi những mô hình mới để cụ thể hóa mục tiêu của mình.
Năm 2008, trước tình hình giá cả nhiều mặt hàng biến động ảnh hưởng đến đời sống CN, anh An và ban chấp hành CĐ đã đề xuất ban giám đốc cho phép mở cửa hàng CĐ bán không lấy lãi các nhu yếu phẩm như gạo, dầu ăn, nước mắm, nước tương, bột giặt… cho CN. Đề xuất hợp tình hợp lý ấy không những được ban giám đốc công ty chấp thuận mà còn cấp vốn cho CĐ mở cửa hàng và trả tiền lương cho 2 nhân viên bán hàng. Tại đây, CN được mua hàng giá rẻ hơn so với thị trường và mua hàng trước, ghi nợ, cuối tháng trừ vào tiền lương. Đích thân anh còn tìm đến các nhà máy sản xuất và về miền Tây để tìm nơi cung cấp gạo, những sản phẩm bảo đảm chất lượng, giá rẻ phục vụ CN. Sự ra đời của cửa hàng CĐ không chỉ được tập thể NLĐ ủng hộ nhiệt tình mà còn trở thành mô hình tiên phong để các đơn vị bạn học tập, triển khai sau đó. Chưa hết, năm 2010 chứng kiến cảnh CN chật vật tìm chỗ gửi con, anh đã thuyết phục ban giám đốc ủng hộ trên 700 triệu đồng cải tạo một nhà xưởng bỏ trống thành nhà trẻ cho con CN. Đến nay, nhà trẻ đã mở rộng quy mô từ nhóm lớp lên Trường Mầm non tư thục Ánh Dương Samho, nuôi dạy gần 300 cháu, chủ yếu là con CN của công ty. Con CN học tại trường được hỗ trợ tiền ăn, tiền cơ sở vật chất và cấp phát đồng phục miễn phí. Ngoài ra, trường còn tổ chức giữ trẻ ngoài giờ nên CN rất yên tâm khi phải tăng ca. Chị Vương Sương Mai - một nhân viên bộ phận giám sát quy trình, chất lượng - nhận xét: "Anh An rất gần gũi, sâu sát đời sống CN và hiểu NLĐ cần gì. Những khi có bức xúc hay gặp khó khăn, CN tìm đến CĐ đều được anh hỗ trợ giải quyết kịp thời, do vậy, chúng tôi xem anh là điểm tựa vững chắc của mình".
Nỗ lực không ngừng của CĐ cơ sở đã được tập thể NLĐ ghi nhận, bằng chứng là số đoàn viên chiếm 98% tổng số hơn 11.000 lao động.
Kỳ tới: Xứng danh người đại diện
"Ngoài việc thực hiện tốt chức trách của cán bộ CĐ, anh An còn góp phần quan trọng trong việc tạo nguồn, giới thiệu nguồn đoàn viên ưu tú cho Đảng"
Ông MAI VĂN BÉ, Bí thư Chi bộ Công ty TNHH Việt Nam Samho
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/nguoi-thu-linh-dang-men-20200106213325559.htm