Người thu nhập thấp khó mua nhà ở xã hội
Dù là nhà ở xã hội, nhưng với mức giá gần 20 triệu đồng/m2 như hiện nay, người thu nhập thấp dù đi làm nhiều năm vẫn khó có thể mua được nhà.
Theo nhiều người lao động, so với thu nhập của họ thì giá nhà ở xã hội hiện nay tại Hà Nội và TP.HCM vẫn quá cao.
Đơn cử, dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn mới đây được mở bán lần đầu với giá gần 20 triệu/m2 đã khiến nhiều người bất ngờ. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, giá thuê căn hộ tại dự án này là 99.081 đồng/m2/tháng (đã bao gồm VAT và chi phí bảo trì), giá bán là 19.523.116 đồng/m2 (đã gồm VAT) và phí bảo trì 371.869 đồng/m2.
Như vậy, để sở hữu căn nhỏ nhất với diện tích 69,9m2 tại dự án này, người mua cần bỏ ra hơn 1,39 tỷ đồng, trong khi diện tích to nhất 76,8m2 thì số tiền phải bỏ ra khoảng 1,5 tỷ đồng/căn hộ.
Nếu tính theo số liệu từ Bộ KH&ĐT, thu nhập bình quân của người lao động khoảng 8 triệu đồng/người/tháng, thì một gia đình có 2 vợ chồng và 2 con nhỏ sẽ có thu nhập khoảng 16 triệu đồng/tháng.
Sau khi trừ đi các khoản tiền như: thuê nhà (khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng), tiền học của 2 con (khoảng 3 triệu đồng/tháng), tiền sinh hoạt (khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng)..., những gia đình thuộc nhóm thu nhập này có thể tiết kiệm được khoảng 5 triệu đồng/tháng, một năm khoảng 60 triệu đồng.
Như vậy, với giá nhà ở xã hội hiện tại, người lao động ít nhất phải mất 23 năm đi làm (không phát sinh ốm đau, trường hợp cần chi tiêu đặc biệt...) mới có thể mua được nhà. Tuy nhiên, 23 năm sau khi tích đủ tiền, chắc chắn giá nhà đã ở một ngưỡng cao hơn rất nhiều, nên dù có tiết kiệm, người lao động cũng khó sở hữu nhà trong 23 năm nữa.
Trong khi đó, hiện quy định mức vốn vay để mua nhà ở xã hội tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng thuê - mua nhà, trong thời gian tối thiểu 15 năm. Tuy nhiên để vay được khoản tiền này, người thuê, mua nhà phải có đủ các điều kiện chứng minh thu nhập khá ngặt nghèo, phức tạp.
Chính vì vậy, dù gói tín dụng 120.000 tỉ đồng có lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất bình quân của các ngân hàng thương mại, nhưng sau 3 tháng triển khai mới có khoảng 95 tỷ đồng được giải ngân và 950 tỷ đồng được cam kết cho vay.
Lý giải về giá nhà ở xã hội hiện đang khá cao, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Lê Thành cho rằng, giá nhà đã tăng cao và sẽ không có câu chuyện quay lại xuống giá.
Giá nhà ở xã hội tăng cao có rất nhiều nguyên nhân như: giá vật liệu xây dựng tăng; giá nhân công tăng; lạm phát tăng,… Đặc biệt là do thủ tục pháp lý khi doanh nghiệp xin phê duyệt xây dựng dự án quá rắc rối và phức tạp, cho nên thời gian xin thủ tục càng lâu thì giá nhà càng tăng cao.
Bởi lẽ, doanh nghiệp bỏ ra hàng tỷ mua đất để nằm không chờ xin thủ tục, dẫn đến không có dự án mới và kéo theo nguồn cung không có cho nên giá tăng là hiển nhiên.
“Vấn đề cần quan tâm là hiện nay lương của người Việt Nam đang rất thấp mà giá nhà tăng cao sẽ ảnh hưởng đến những người công nhân, người có nhu cầu thật, việc sở hữu nhà đối với họ sẽ càng trở nên khó khăn hơn và gần như không đủ khả năng để mua. Cho nên, chúng ta phải tìm giải pháp khác để an cư cho họ. Ví dụ như: xây nhà cho công nhân thuê, không phải ai cũng phải mua nhà mà tùy trường hợp.
Còn đối tượng nào đủ khả năng thì chúng ta sẽ xây dựng nhà cho họ mua. Vì vậy, chúng ta nên chia ra nhiều phân khúc về nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp”, ông Nghĩa chia sẻ.
Liên quan đến giá thuê mua nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay, Chính phủ đang tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), theo đó, giá thuê mua được xác định như giá bán và không tính kinh phí bảo trì nhà ở do người thuê mua nộp theo quy định của Luật Nhà ở; giá thuê do chủ đầu tư thỏa thuận với bên thuê.
Cũng theo Bộ Xây dựng, tại Điều 82 dự thảo đã quy định các ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, như: miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, ưu đãi về thuế theo pháp luật về thuế, chủ đầu tư được hưởng lợi nhuận 10% phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội, được hưởng ưu đãi đối với phần diện tích đất hoặc diện tích sàn kinh doanh thương mại và không phải hạch toán vào giá nhà ở xã hội.
“Các quy định nêu trên sau khi được thông qua sẽ khuyến khích, đẩy mạnh đầu tư, phát triển nhà ở xã hội và đảm bảo giá nhà ở xã hội ở mức phù hợp để cán bộ, công nhân, người lao động có thu nhập thấp có điều kiện để lựa chọn mua, thuê mua hay thuê nhà ở, ổn định cuộc sống”, Bộ Xây dựng đánh giá.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/nguoi-thu-nhap-thap-kho-mua-nha-o-xa-hoi-ar820450.html