Người thực tài, thực đức thường xem nhẹ công danh
Theo Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, người thực tài thực đức thường xem nhẹ công danh. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nó là phù phiếm. Con người ta hơn nhau ở giá trị bản thân, ở sự cống hiến cho xã hội.
Chia sẻ suy nghĩ của mình, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, xu hướng học để làm quan vẫn còn nặng. Đầu tiên học để giỏi chuyên môn, sau đó chạy đua để có quyền lực, để làm quan cả họ được nhờ, cho nên người ta quên mất rằng, giá mình làm chuyên môn giỏi, trở thành người có cống hiến nhiều cho xã hội sẽ được xã hội tôn vinh hơn. Người thực tài thực đức thường xem nhẹ công danh, chức tước.
Người quản lý hiểu được chuyên môn đương nhiên sẽ tốt
PV: Ở ta, từ xưa đến nay, người được cất nhắc lên làm lãnh đạo, quản lý trong cơ quan Nhà nước thường được đánh giá là giỏi chuyên môn. Theo ông, việc đưa người giỏi chuyên môn lên làm quản lý có phù hợp không?
Đại biểu Lê Thanh Vân: Nhiều lần trên báo chí cũng như ở các phiên họp của Quốc hội tôi đã nêu vấn đề phải phân loại cán bộ. Chúng ta đang phân loại rồi nhưng cần tiếp tục phân loại cho phù hợp với quá trình vận hành của hệ thống chính trị nói chung và bộ máy Nhà nước nói riêng. Chúng ta đã có những đề án vị trí việc làm nhưng đến nay vẫn chưa đi đến đâu vì chưa đo lường được thực tiễn đang diễn ra, cần có những chức danh nào, từ chức danh lãnh đạo quản lý đến người chấp hành pháp luật… Định vị được từng chức danh công việc mới xác định được biên chế, tổ chức, thậm chí khung, sườn lãnh đạo, quản lý của bộ máy, như vậy mới có cơ sở để tuyển dụng vào.
Sau khi phân loại được cán bộ rồi thì có 2 phương thức chính để tuyển chọn, bổ nhiệm. Đối với các chức danh do bầu cử thì nhất định phải có chương trình hành động để ra tranh cử. Với đại biểu Quốc hội, nếu chương trình hành động của anh ta thuyết phục được cử tri và họ thấy nội dung đó hợp với lòng dân, đúng đường lối của Đảng, thì họ bầu. Trong Đảng cũng vậy, ủy viên ban chấp hành trung ương cũng cần được tranh cử. Để xác lập nên các vị trí chính trị của các chính trị gia cần thông qua con đường tranh cử.
Đối với các chức vụ lãnh đạo, quản lý điều hành ở các tổ chức, cơ quan nhà nước, là phải thi tuyển. Phương thức phân loại và bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ phải phù hợp với từng vai trò, vị trí và yêu cầu, đòi hỏi của mỗi chức vụ.
PV: Những nội dung như ông vừa đặt ra, ta đã làm được chưa?
Đại biểu Lê Thanh Vân: Chúng ta đang tiếp cận đến chứ chưa đi theo hướng như tôi vừa nêu. Chúng ta đang sửa sang từng bước để thích nghi. Truyền thống làm nhân sự ở ta là một cá nhân được đưa ra tập thể bỏ phiếu, giới thiệu, lấy phiếu tín nhiệm… còn khép kín. Một số cán bộ xuất thân không được sòng phẳng, công khai trên phạm vi rộng mà lựa chọn chủ quan trong nội bộ hẹp, đến lúc nhân sự không xứng đáng, thậm chí vi phạm pháp luật không xác định được nguyên nhân là do đâu.
Tương tự, việc bổ nhiệm cũng thế, chủ yếu là xét hồ sơ và lấy ý kiến tập thể, chứ không thi tuyển. Phải thi tuyển tài năng để biết ai là người có năng lực hơn, có năng lực thực sự. Còn đạo đức, qua quá trình công tác đánh giá họ. Câu chuyện này còn gắn với trách nhiệm của cá nhân, tập thể tiến cử, những người ở gần biết rõ phẩm chất đạo đức tiến cử mới đảm bảo được.
Người thực tài, thực đức thường xem nhẹ công danh
PV: Người giỏi chuyên môn thì làm quản lý sẽ tốt hay không tốt, thưa ông?
Đại biểu Lê Thanh Vân: Chuyên môn được hiểu là một ngành, lĩnh vực cụ thể. Người quản lý hiểu được chuyên môn đương nhiên sẽ tốt hơn một người không có chuyên môn mà quản lý lĩnh vực đó.
Tuy nhiên cũng có những người có khả năng tổng kết được quy tắc vận hành bộ máy, có thể nhìn thấy xu hướng vận động của ngành, lĩnh vực họ được giao quản lý, họ tiệm cận và quản lý theo đầu mối hệ thống, theo chức năng nhiệm vụ. Nhưng đó là quy trình đòi hỏi pháp luật phải tường minh.
Còn với pháp luật hiện hành, phải chịu trách nhiệm về chuyên môn thì đương nhiên người lãnh đạo, quản lý phải có kiến thức chuyên môn, phải nắm được công việc mình điều hành. Chừng nào tách bạch được giới hạn chịu trách nhiệm, ví như người vận hành một bộ chỉ chịu trách nhiệm giới hạn đến tầm nào của lĩnh vực mình phụ trách; còn chuyên môn rất sâu, ví như ở lĩnh vực CNTT, hay công nghệ gen mà bộ trưởng cũng phải am tường là rất khó, không cần thiết.
Về nguyên tắc, lãnh đạo phải bao quát được tầm chung, còn quản lý phải hiểu được chính sách pháp luật và hiểu được phương thức hoạt động của lĩnh vực mình quản lý. Quản lý không đồng nghĩa với việc anh phải giỏi, tường minh tất cả các chuyên môn mình phụ trách.
PV: Không ai có thể bắt một người giỏi chuyên môn làm quản lý, khi bản thân họ không có khát vọng trở thành người lãnh đạo, quản lý. Và khi họ đã nhận trách nhiệm thì phải dám đương đầu?
Đại biểu Lê Thanh Vân: Khi thấy phẩm chất, năng lực của mình không đáp ứng thì từ chối, vì không từ chối nên phải chịu trách nhiệm. Nhưng trách nhiệm của tổ chức tiến cử, người đề bạt, cất nhắc, nâng đỡ, bổ nhiệm cũng phải tính đến, vì nghề của họ là chọn người, chưa kể tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo quản lý đã có quy định, người nào phù hợp với vị trí nào, đòi hỏi tiêu chuẩn, năng lực ra sao, mà lại chọn không đúng, và không phải chịu trách nhiệm là không được. Câu chuyện này theo tôi hiện nay còn đang bị xem nhẹ.
Trong các vụ án liên quan đến sai phạm của nhân sự chủ chốt chưa thấy có vụ án nào truy cứu trách nhiệm của người tham mưu, đề xuất nhân sự; rồi cả người chịu trách nhiệm ký quyết định bổ nhiệm cán bộ, nhân sự vi phạm pháp luật. Đấy là trách nhiệm rất rõ ràng.
Những cơ quan, tổ chức chọn người sai mà truy được trách nhiệm thì kỷ cương trong công tác tổ chức nhân sự mới chặt chẽ được.
PV: Nhưng có một thực tế, trở thành lãnh đạo - quản lý đang là khát vọng của nhiều cán bộ?
Đại biểu Lê Thanh Vân: Đúng là câu chuyện chạy đua vào chức tước, công danh trong xã hội hiện nay đang được hiểu theo nhiều cách. Có người thành danh, nổi tiếng vì giỏi tay nghề, ví như một ca sĩ nổi tiếng, thành danh đâu phải trở thành giám đốc nhà hát; một nhà văn hóa xuất chúng đâu cần phải trở thành bộ trưởng. Trong lịch sử nước ta, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo không phải là vua nhưng được nhân dân tôn thờ, là vì giá trị bản thân, cống hiến cho xã hội của họ.
Trong bối cảnh hiện nay, xu hướng học để làm quan vẫn còn nặng. Đầu tiên học để giỏi chuyên môn, sau đó chạy đua để có quyền lực, để làm quan cả họ được nhờ, cho nên người ta quên mất rằng, giá họ làm chuyên môn giỏi, trở thành người có cống hiến nhiều về chuyên môn đó sẽ được xã hội tôn vinh hơn. Khuynh hướng tâm lý xã hội đó phải có thời gian mới thay đổi được.
Xã hội ta vẫn đang bị ảnh hưởng nặng bởi nhiều tập tục, tư tưởng phong kiến như “vinh thân phì gia”, làm quan cả họ được nhờ, phải có quyền lực, chức tước mới oai…, trong khi giá trị bản thân mới là quan trọng. Người thực tài thực đức thường xem nhẹ công danh, chức tước. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nó là phù phiếm. Con người ta hơn nhau ở giá trị bản thân, ở sự cống hiến cho xã hội.
Trong lịch sử đất nước, nhân dân ta đâu có nhớ hết các vị vua, chỉ một vài vị được nhân dân kính trọng. Còn những người không làm vua nhưng có cống hiến cho xã hội với phẩm chất cao quý, như thầy giáo Chu Văn An, chỉ làm một chức quan nhỏ, nhưng ở Việt Nam được tôn là Vạn thế sư biểu. Quan niệm về danh, lợi trong xã hội ngày nay còn nhiều lệch chuẩn.
Tay nghề tốt mặc nhiên sẽ làm quản lý tốt là tư duy ấu trĩ
PV: Ông có nghĩ, sự tách bạch giữa lãnh đạo, quản lý với chuyên môn sẽ trở thành xu thế tất yếu trong thời gian tới?
Đại biểu Lê Thanh Vân: Theo tôi nên có quy định, không cần rạch ròi nhưng phải tiêu chuẩn hóa càng sâu càng tốt và gắn với trách nhiệm của những người liên quan đến công tác nhân sự. Đó là điều cốt tử nhất.
Chứ còn chúng ta máy móc, tách bạch rõ làm công tác chuyên môn không làm quản lý lãnh đạo, đó là quan niệm cứng nhắc. Nhưng như thế không có nghĩa là mở đường cho việc cứ giỏi chuyên môn là lên làm lãnh đạo. Quan trọng nhất là bộ tiêu chuẩn, tiêu chí để sàng lọc nhân sự làm lãnh đạo quản lý thì dù người giỏi hay không giỏi chuyên môn mà đáp ứng được tiêu chuẩn vẫn có thể trở thành lãnh đạo.
Trong lịch sử đất nước, bác sĩ Trần Duy Hưng làm Chủ tịch thành phố Hà Nội không có vấn đề gì nhưng ông Chu Ngọc Anh làm Chủ tịch thành phố thì vướng vào vòng lao lý, ông Chu Ngọc Anh là một nhà khoa học, bác sĩ Trần Duy Hưng là nhà chuyên môn. Lịch sử đến giờ vẫn ghi nhận và có cả một con phố ở thủ đô mang tên Trần Duy Hưng. Nhắc đến ông, người ta nhớ đến hình ảnh một vị chủ tịch thương dân, gần dân, làm được nhiều việc cho dân.
Cùng với bộ tiêu chí để chọn ra lãnh đạo quản lý, công tác giám sát việc lựa chọn cán bộ theo tiêu chuẩn, tiêu chí cũng cần đặc biệt quan tâm.
Chúng ta nên học cách vận hành bộ máy của doanh nghiệp. Các tập đoàn, tổng công ty quản lý nhân sự rất khoa học, họ có bộ tiêu chí KPI để đánh giá cán bộ, anh nào không đáp ứng được là tự loại ra.
Trong lãnh đạo quản lý, chúng ta lựa chọn đánh giá cán bộ theo hướng đó, tôi tin rằng nhiều vị sẽ tự loại ra vì không làm được việc.
PV: Vậy, theo ông, người giỏi chuyên môn có nên làm quản lý?
Đại biểu Lê Thanh Vân: Người giỏi chuyên môn nếu có năng lực vượt trội trong quản lý hoặc có khuynh hướng tự đào tạo để làm quản lý thì không loại trừ. Nhưng nếu cho rằng họ giỏi chuyên môn, tay nghề tốt sẽ làm quản lý tốt, theo tôi đó là tư duy ấu trĩ.
Quan trọng vẫn là những tiêu chuẩn, tiêu chí lựa chọn con người cụ thể “lắp” vào có “vừa vai” không. Không phải qua câu chuyện của vị bác sĩ mà chúng ta nói không nên để người giỏi chuyên môn làm quản lý, mà quan trọng là lựa chọn người cụ thể, xem họ có thỏa mãn những tiêu chuẩn chức danh đó hay không. Điều này đòi hỏi người làm công tác tổ chức phải lựa chọn, cân nhắc xem để anh ta làm quản lý hay làm chuyên môn thì có lợi hơn.
Con người ta có năng lực riêng, nếu đánh giá máy móc thì ông Trần Duy Hưng sẽ không bao giờ làm Chủ tịch thành phố Hà Nội. Câu chuyện này cần phải học Bác Hồ, Bác gần như chọn người không sai.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/nguoi-thuc-tai-thuc-duc-thuong-xem-nhe-cong-danh-post1019524.vov