Người thương binh điển hình trong xây dựng vườn mẫu ở Nghi Xuân
Tuy là thương binh 1/4 nhưng ông Trần Đình Viên (thôn Hồng Mỹ, xã Xuân Mỹ, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vẫn luôn tích cực đi đầu trong làm kinh tế vườn và trở thành một trong những điển hình về xây dựng vườn mẫu trên địa bàn huyện.
Sinh năm 1950 trên vùng đất xã Xuân Mỹ, 19 tuổi, chàng trai Trần Đình Viên theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ, thuộc Quân khu 4, rồi tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường khu vực Đông Nam Bộ.
Năm 1970, trong một trận đánh, chàng lính trẻ Trần Đình Viên không may bị thương ở tay và đầu, được xác định tổn thương sức khỏe 33%.
Điều trị xong, ông tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đến năm 1977, ông xuất ngũ, trở về địa phương và làm việc tại Nhà máy Đóng tàu Sông Lam.
“Năm 1992, sau khi nghỉ hưu theo chế độ, tôi được bà con tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Chi bộ thôn Trường Mỹ (nay là thôn Hồng Mỹ, xã Xuân Mỹ) 2 nhiệm kỳ (giai đoạn 2005 - 2009). Trong những năm 2016 - 2017, giữ vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn, với bản chất người lính Cụ Hồ, dù ở đâu, làm gì bản thân cũng luôn nghĩ phải cố gắng vì cái chung” - ông Trần Đình Viên chia sẻ.
Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng vườn mẫu phát triển kinh tế, năm 2017, gia đình ông Viên đã mạnh dạn cải tạo khu vườn rộng hơn 1.200m2 để xây dựng vườn mẫu. Trên khu vườn đó, ông trồng nhiều cây ăn quả như: táo, mít, ổi, bưởi, na, thanh long… kết hợp trồng các loại rau màu như: rau cải, đậu, hành theo thời vụ để tăng thêm thu nhập.
Ông Viên cho biết: “Trước đây, gia đình chủ yếu trồng lạc, năng suất không cao. Khi xã có chủ trương xây dựng vườn mẫu, tôi đã đầu tư hệ thống tưới nước, cây giống, phân bón với kinh phí hàng chục triệu đồng. Ban đầu, tôi trồng nhiều loại cây ăn quả, nhưng sau một thời gian, do điều kiện thổ nhưỡng là vùng đất cát nên tôi đã tìm hiểu và tập trung vào một số cây phù hợp. Đến nay, khu vườn có 30 gốc thanh long ruột đỏ, 40 gốc táo, 45 gốc na, 12 gốc bưởi. Để có thêm kinh nghiệm, ngoài đến một số vườn mẫu trong huyện, tôi còn vào huyện Can Lộc để học tập thêm kinh nghiệm”.
Đối với những người bình thường, việc xây dựng vườn mẫu đã không dễ thì với một thương binh như ông Trần Đình Viên càng khó khăn hơn. Một phần vì 2 vợ chồng ông đều tuổi đã cao, phần nữa nhiều khi trái gió trở trời, vết thương cũ tái phát khiến cho công việc dang dở, gián đoạn thời gian dài. Nhưng, tình yêu vườn, mê làm vườn, chăm cây đã tiếp thêm động lực cho ông bà trên hành trình khởi nghiệp.
Bà Lê Thị Huệ - vợ ông Viên cho hay: “Nhà có 4 người con nhưng các con đều ở xa. Hai ông bà vừa chăm cháu, vừa chăm sóc vườn cây. Hễ lúc nào rảnh là tôi lại tranh thủ ra làm cỏ, bón phân, cắt cành… Nhà không chăn nuôi nên gia đình phải mua phân bón của các hộ chăn nuôi khác để về bón nên cũng khá vất vả nhưng rất thú vị, trước làm giàu cho mình, sau góp phần xây dựng cảnh quan nông thôn mới”.
Năm 2018, khu vườn của ông Trần Đình Viên đạt giải khuyến khích trong cuộc thi khu dân cư kiểu mẫu, tổ dân phố văn minh, xây dựng vườn mẫu cấp huyện. Từ đó, đến nay, trung bình mỗi năm, khu vườn mang lại thu nhập cho gia đình ông Viên khoảng trên 60 triệu đồng. Tất cả các sản phẩm trên khu vườn đều được người dân tìm đến mua tại chỗ.
Không những phát triển kinh tế cho gia đình, ông Viên còn tích cực với các hoạt động của thôn, tổ liên gia. Ông luôn là người gương mẫu đi đầu tham gia làm vệ sinh môi trường hay ra quân xây dựng nông thôn mới do thôn phát động. Đối với việc làm vườn, ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình với bà con trong thôn để cùng nhau xây dựng kinh tế vườn, làm đẹp cảnh quan cho quê hương.
Thôn Hồng Mỹ đạt chuẩn khu nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021 và hiện có 4 vườn mẫu. Với ông Viên, ngày càng có thêm vườn mẫu đẹp được xây dựng, cuộc sống của người dân ngày càng khấm khá hơn, đó chính là niềm vui tuổi già của người cựu chiến binh này.
Ông Trần Đình Viên là tấm gương điển hình tại địa phương. Là thương binh nhưng với bản chất của người lính Cụ Hồ, ông luôn tích cực tham gia các hoạt động phong trào tại địa phương. Đặc biệt, khu vườn mẫu của ông đã góp phần vừa làm đẹp cảnh quan, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình, địa phương; đồng thời lan tỏa tinh thần làm kinh tế vườn đến bà con toàn thôn nhằm xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.