Người thường đứng hàng sau

Trong sách 'Tâm sự với tim' (về ba tôi - Đống Ngạc)' do NXB Hội Nhà văn vừa phát hành (2020), tác giả Đống Hoài Nam đã có những phác thảo ngắn về cha mình: Ông Đống Ngạc (1925-2010), người đã có ¼ thế kỷ gắn bó với Tổng Bí thư Lê Duẩn, từ năm 1962 đến năm 1986.

Ông Đống Ngạc sinh ngày 2/4/1925, tại làng Chiên Đàn, xã Tam Đàn, thị xã Tam Kỳ (nay là huyện Phú Ninh), tỉnh Quảng Nam. Ông từng tham gia đoàn quân Nam tiến, bị thương, xuất ngũ, về quê, hoạt động dân quân xã. Từ xã, ông trưởng thành trong phong trào thanh niên, lên huyện, tỉnh, khu và Trung ương. Trước khi về Văn phòng Tổng Bí thư, ông Đống Ngạc là Ủy viên Thường vụ BCH Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam.

Ông Đống Ngạc trong ngày Tổng Bí thư Lê Duẩn nhận thẻ Đảng tại cơ quan.

Ông Đống Ngạc trong ngày Tổng Bí thư Lê Duẩn nhận thẻ Đảng tại cơ quan.

Dành vị trí nổi bật cho người khác

Với 25 năm giúp việc Tổng Bí thư Lê Duẩn, nhiều người sẽ đặt câu hỏi, ông Đống Ngạc là ai, ông Đống Ngạc đã làm những công việc gì? Đây cũng chính là câu hỏi của những người thân trong gia đình. Nghe tưởng đơn giản vậy mà chẳng dễ trả lời. Bà Phan Thị Miều, người chị dâu, vợ ông Đống Lương, anh ruột ông Đống Ngạc, nói với mọi người xung quanh về công việc của người thư ký Tổng Bí thư: "Chú đã làm việc này trong 25 năm ròng rã, anh chị em trong gia đình chỉ biết có vậy, còn cụ thể là những việc gì, chúng tôi hoàn toàn không biết".

Khi trả lời câu hỏi "ông có ý định viết hồi ký về những năm tháng làm thư ký cho Tổng Bí thư Lê Duẩn không" của phóng viên Báo An ninh Thế giới (1998), ông Ngạc nói: "Tôi chỉ là một người bình thường như nhiều người khác nên tôi chưa nghĩ đến điều đó".

Tuy thời gian ở gần cha rất ít, những kỷ niệm về cha lại rời rạc, chẳng mấy sâu sắc như lời tự nhận, nhưng ông Đống Hoài Nam vẫn cố gắng đi tìm để trả lời câu hỏi: "Ông Đống Ngạc là ai?". Khi soạn các bức ảnh cha mình chụp với Tổng Bí thư để đưa vào sách, ông Nam nhận ra một điều: Mỗi khi chụp ảnh lưu niệm cùng Tổng Bí thư Lê Duẩn, nếu đứng một hàng thì hầu hết cha mình không đứng cạnh bác Lê Duẩn; nếu đứng nhiều hàng thì ông Đống Ngạc thường đứng hàng sau. Chỉ những bức ảnh chụp nhanh mang tính thời sự thì mới thấy ông Đống Ngạc đứng cạnh Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Đó là tính cách của một con người "không lộ liễu phô phang", "Khiêm tốn, nhún nhường, thậm chí nhiều khi nép mình lại, dành vị trí nổi bật cho người khác, chứ không giành giật vị trí ấy" như nhận xét của ông Trần Việt Phương - người có 53 năm giúp việc cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Qua cuốn sách "Tâm sự với tim" (về ba tôi - Đống Ngạc)" bạn đọc sẽ thấy phác thảo chân dung người có 25 năm giúp việc Tổng Bí thư Lê Duẩn ở 3 nét chính:

Đó là Đống Ngạc - người có 25 năm làm trợ lý Tổng Bí thư Lê Duẩn. Tính 25 năm là từ khi có quyết định điều động ông về làm thư ký riêng cho Tổng bí thư (4-1962) đến tháng 5-1987 khi có quyết định cử ông về làm Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Sự thật (nay là Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật). Thực tế, thời gian giúp việc Tổng Bí thư Lê Duẩn là 24 năm 3 tháng. Sau khi đồng chí Lê Duẩn qua đời (10-7-1986), ông Đống Ngạc còn sắp xếp lại các tài liệu rồi mới rời cương vị "trợ lý Tổng Bí thư". Sẽ có nhiều người muốn biết, suốt ¼ thế kỷ bên cạnh Tổng Bí thư, ông Đống Ngạc có vai trò như thế nào, đã làm những công việc gì?

Câu hỏi này phần nào được giải đáp trong bản Sơ yếu lý lịch tự tay ông Đống Ngạc viết. Trải qua những cố gắng vượt bậc, khắc phục khó khăn, yếu kém, vừa học vừa làm, để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, ông Đống Ngạc đã phối hợp với các bộ phận bảo vệ "tạo điều kiện để lãnh đạo sâu sát với thực tế, giữ được liên hệ với cơ sở, địa phương và dễ dàng tiếp xúc với quần chúng".

Ở một góc độ khác, ông "tôn trọng cuộc sống riêng tư của gia đình thủ trưởng, góp phần giữ gìn quan hệ thân thiết và tình đoàn kết giữa Tổng Bí thư với các thành viên khác trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Trung ương Quân ủy, giữa Tổng Bí thư và các cơ quan chức năng của Đảng và Chính phủ trong quá trình lãnh đạo, điều hành công việc chung giữa Đảng, Nhà nước và Quân đội".

Theo ông Đống Ngạc, thành tựu đáng kể nhất của Văn phòng Tổng Bí thư là trong lĩnh vực biên soạn. Có thể kể đến tác phẩm "Hăng hái tiến lên dưới ngọn cờ của Cách mạng Tháng Mười" viết cho báo Đảng Cộng sản Liên Xô nhân dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Mười (1967). Hoặc tác phẩm "Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới" viết năm 1970 nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Một văn kiện quan trọng khác là bản Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đọc trong Lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9/9/1969. Bản điếu văn này được viết trong đêm 6/9/1969 tại nhà số 6 phố Hoàng Diệu (Hà Nội) do ông Đống Ngạc khởi thảo dưới sự chỉ đạo trực tiếp và sự hướng dẫn cặn kẽ của đồng chí Lê Duẩn.

 Sách "Tâm sự với tim" (về ba tôi - Đống Ngạc)" NXB Hội Nhà văn (2020).

Sách "Tâm sự với tim" (về ba tôi - Đống Ngạc)" NXB Hội Nhà văn (2020).

Các tài liệu liên quan đến bản điếu văn được gia đình ông Đống Ngạc lưu trong một tủ nhỏ trang trọng. Là người chấp bút khởi thảo bản điếu văn trong đêm 6/9/1969 và sau đó được Bộ Chính trị phân công cùng các ông Tố Hữu, Hoàng Tùng và Đậu Ngọc Xuân hoàn chỉnh bản điếu văn trong ngày 7/9 nên ông Đống Ngạc biết khá rõ từng bản thảo trong bộ tài liệu lưu trữ ở Văn phòng Trung ương Đảng.

Từ năm 1995, ông Đống Ngạc đến Cục Lưu trữ của Văn phòng Trung ương Đảng sưu tầm lại toàn bộ bản thảo điếu văn qua các lần sửa chữa cho đến bản hoàn thiện. Và cũng chính ông Đống Ngạc đã viết chú giải cho các bản thảo điếu văn: ai sửa, thời gian sửa, nội dung sửa… để đi đến bản điếu văn cuối cùng. Công việc này có lẽ chỉ một mình ông làm được. Ông Đống Ngạc coi khởi thảo điếu văn là một "sự nghiệp" đáng nhớ trong cuộc đời mình.

Đưa cha đến gần mọi người

Bạn đọc sẽ không tìm được những chuyện thâm cung bí sử song lại hiểu thêm về một người trợ lý đặc biệt của Tổng Bí thư Lê Duẩn, cả về đời riêng, tâm hồn và cốt cách như chia sẻ của tác giả Đống Hoài Nam: "Tôi nghĩ việc hiểu được tâm hồn, cốt cách của một con người có ý nghĩa, có giá trị hơn việc kể lể công trạng, sự nghiệp của người đó. Chí ít điều này đúng với ba tôi".

Đó là Đống Ngạc - người có tâm hồn thơ. Với khoảng 30 bài thơ (gồm cả sáng tác, họa thơ và dịch thơ) của ông Đống Ngạc trong cuốn sách còn cho thấy một người cộng sản trăn trở về cuộc đời, về con người trong những đổi thay thế sự, đặc biệt là trước mỗi khúc cua lịch sử "Thời tiết chuyển đột ngột/ Hay lịch sử đổi dòng" (Đột ngột). Trong thơ trữ tình, có 2 bài mang màu sắc chính trị, người chiến sĩ cộng sản đặt câu hỏi "Bạn ơi Đông Đức về đâu nhỉ?/ Cuộc thế vần xoay, bạn nghĩ gì?" và "Bao nhiêu máu đổ mồ hôi chảy/ Chẳng lẽ bây giờ để trắng tay" (Bài học lớn).

Trong sách, ông Đống Hoài Nam cũng nêu câu hỏi: "Trước ba tôi có nhiều người làm thư ký cho Tổng Bí thư, nhưng không ai làm quá 10 năm. Có thể nói ba tôi là người làm lâu nhất. Liệu ông đã là "tri kỷ" của Tổng Bí thư chưa?". Biên soạn cuốn sách bằng nỗ lực của mình, ông Nam cố gắng đưa cha mình đến gần để mọi người nhìn rõ hơn. Đồng thời, ông cũng hy vọng, cuốn sách này như là sự bắt đầu cho một cuốn sách khác sẽ nói rõ hơn, nói rộng hơn và sâu sắc hơn về ông Đống Ngạc.

Tri kỷ của Tổng Bí thư Lê Duẩn

"Tôi nhớ ba tôi kể rằng, năm 1972 (sau 10 năm làm cho bác Duẩn), ba tôi xin phép cho chuyển công tác khác. Bác Duẩn có nói (đại ý): 'Chú đừng đi đâu. Tôi với chú tri kỷ'. Thế là ba tôi ở lại làm cho đến ngày Tổng Bí thư mất (1986)" (Đống Hoài Nam).

"Rất coi trọng góp phần giữ gìn và nâng cao uy tín về nhân cách và đạo đức vốn nhiều nét đẹp của Tổng Bí thư" (Nhận xét của ông Trần Việt Phương về ông Đống Ngạc).

Khải Mông

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nguoi-thuong-dung-hang-sau-603146/