Người tị nạn đấu tranh để sinh tồn ở Nam Sudan đầy khủng hoảng
Sau khi chạy trốn chiến tranh ở quê nhà, hàng nghìn người tị nạn Sudan thấy mình không có viện trợ cơ bản ở nước láng giềng phía Nam. Họ đang phải đối mặt với một cuộc sống, tương lai mịt mờ với nguy cơ dịch bệnh sẽ bùng phát và một thảm họa sức khỏe có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của hàng ngàn người.
Ác mộng chiến tranh
Dưới tấm nhựa mỏng, anh Yasir Yousuf Araman ngủ trên sàn nhà cùng hàng chục người tị nạn Sudan. Bị nhồi nhét trong một trại tạm thời quá đông đúc và thiếu trang bị ở nước láng giềng Nam Sudan, anh và hàng ngàn người như anh đã chuyển từ cơn ác mộng này sang cơn ác mộng khác.
Chiến tranh ở Sudan giữa Lực lượng vũ trang Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự đã khiến 2,5 triệu người phải di dời. Đã có ít nhất 122.000 người chạy trốn sang Nam Sudan - một quốc gia đang phải chịu các điều kiện nhân đạo nghiêm trọng và tình hình an ninh mong manh.
Trung tâm tị nạn Wadwil ở bang Bắc Bahr el Ghazal từ vùng Darfur, nơi đã chứng kiến một số cuộc giao tranh bạo lực nhất trong cuộc chiến Sudan. Nơi đây không đầy đủ, thiếu thực phẩm và dịch vụ y tế, vệ sinh kém và tình trạng quá tải tại trại tạm thời. Anh Araman, người đàn ông 43 tuổi gần đây đã trốn khỏi thành phố el-Geneina ở Tây Darfur, nơi có 1.500 người đã thiệt mạng kể từ khi chiến tranh nổ ra vào ngày 15/4, trong đó có ít nhất 1.000 phụ nữ và trẻ em, nói rằng “Tấm nhựa được dựng lên như một cái lều, và chúng tôi ngủ trên sàn, và trời mưa thì càng tồi tệ hơn”. Anh cũng cảnh báo rằng, những người tị nạn có quá nhiều rủi ro mà họ phải đối mặt, trong đó, khả năng bị viêm phổi là rất cao. Và có thể sẽ có những trạng thái khó khăn, bởi ai biết được tâm trí con người có thể quyết định được điều gì vào ban đêm khi con trai và con gái, phụ nữ và đàn ông ở chung một phòng. Những trường hợp quan hệ tình dục không mong muốn có thể xảy ra.
“Chúng tôi không có thức ăn”, Anyr Mathok Deng, người đang ngủ trong một nhà kho gần sông ở thị trấn Renk, sau khi trở về nước sau 40 năm sống ở Sudan, nói. “Hầu như không có bất kỳ vật phẩm cứu trợ nào cần thiết để sinh tồn. Rắn và bọ cạp đang đến từ sông. Không có đủ nước sạch. Mọi người không muốn ở lại đây. Họ khao khát ra đi đến mức sẵn sàng bán quần áo và thậm chí khỏa thân nếu cần để có tiền trả phí đi lại”.
Các tài xế xe tải địa phương đang tính phí khoảng 25.000 bảng Nam Sudan (khoảng 600 nghìn đồng Việt Nam) mỗi người để đưa mọi người từ Renk đến Palouch, một thị trấn cách xa 150 km, từ đó hầu hết trong số họ hy vọng bắt được chuyến bay đến Greater Bahr El Ghazal. Những người không có khả năng đi đang chờ đợi sự giúp đỡ khác đến họ. Mặc dù họ có nguồn gốc từ Nam Sudan, nhưng đó không phải là sự trở về quê hương. Những người trở về này đã sống ở Sudan cả đời hoặc trong nhiều năm; do đó, cần có sự hỗ trợ để di chuyển và tồn tại với những thứ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, thực phẩm, chỗ ở và những thứ khác. Chính quyền địa phương ở Renk đã công bố kế hoạch chuyển những người trở về đến một trung tâm trung chuyển thứ hai ở thị trấn Malakal, nơi đã tổ chức một trại dành cho những người phải sơ tán. Tuy nhiên, tất cả các chuyến đi giữa Renk và Malakal đã tạm thời bị đình chỉ sau khi bạo lực giữa các cộng đồng nổ ra tại trại ở Malakal hồi đầu tháng 6, khiến ít nhất 17 người thiệt mạng.
Ở Aweil, thuộc bang Bắc Bahr El Ghazal, cũng là một bức tranh tương tự. Trong khi các công dân Sudan đang ở trong một trung tâm trung chuyển tị nạn, nhiều người Nam Sudan trở về vẫn đang sống dưới tán cây mà không có thức ăn, nước sạch hoặc điều kiện vệ sinh phù hợp. Nhu cầu nhân đạo đã cao ở bang Bắc Bahr El Ghazal trước cuộc khủng hoảng hiện nay và việc cắt giảm tài trợ đã làm xói mòn các dịch vụ y tế.
Không có viện trợ
Theo Dut Majokdit, chủ tịch Ủy ban Cứu trợ và Phục hồi (RRC) ở Bắc Bahr el Ghazal, trại tạm trú Wadwil đã tiếp nhận 4.401 người tị nạn tính đến ngày 27 tháng 6, với những người tiếp tục đến từ Darfur mỗi ngày.Theo số liệu của Liên hợp quốc, nhìn chung, có khoảng 9.500 công dân Sudan đã trốn sang Nam Sudan trong số 122.000 người vượt biên từ đất nước bị chiến tranh tàn phá. Số còn lại là công dân Nam Sudan trở về.Băng qua Nam Sudan, hầu hết những người trở về không nhận ra rằng một cuộc khủng hoảng khác đang chờ đợi họ.
Bà Charlotte Hallqvist, người phát ngôn tại Nam Sudan của cơ quan tị nạn Liên hợp quốc, UNHCR, cho biết mọi người đã đến đây sau những hành trình đường bộ khó khăn, thường xuyên phải đối mặt với các cuộc tấn công và cướp bóc trên đường đi của họ.Việc cung cấp viện trợ cho họ khi họ đến nơi cũng gặp nhiều khó khăn vì hoạt động ứng phó nhân đạo bị “vượt quá mức” và mùa mưa bắt đầu khiến các hoạt động càng thêm phức tạp. “Việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo ở các khu vực biên giới xa xôi vừa tốn kém vừa phức tạp. Khi giao tranh ở Sudan tiếp diễn, lượng người đến dự kiến sẽ càng tăng lên và nhu cầu khẩn cấp là phải mở rộng quy mô ứng phó nhân đạo”, Hallqvist cho biết.
Ăn lá rừng
Các điều kiện đã chạm đáy đối với nhiều người ở Wadwil. Nejuma Ali Khalid Khadija, người đã quen với ba bữa một ngày trước chiến tranh, giờ đây phải dựa vào lá cây dại để nuôi sống bản thân và các con. “Tôi theo những người phụ nữ khác đến bụi rậm gần đó để hái lá dại, chỉ để kiếm sống. Các con tôi không chịu ăn những chiếc lá này trong những ngày đầu tiên sau khi chúng tôi đến, nhưng giờ chúng đã quen với nó”. Cô nói. Trong khi đó, Fathna Abdullah đang phải đối mặt với những thách thức tương tự trong việc chu cấp cho 12 đứa trẻ do cô chăm sóc. “Tôi không có thùng để dự trữ nước, tôi không có dụng cụ nấu ăn và gia đình chúng tôi ăn chung từ một cái đĩa”, Abdullah nói.
Việc thiếu nhà vệ sinh sạch sẽ buộc mọi người phải đợi đến đêm mới đi tiêu được trong bóng tối. Sheik Abdullah Mohammed, một người tị nạn khác cho biết “Nhà vệ sinh được xây dựng rất ít so với dân số. Chúng tôi đấu tranh với việc giữ mình cho đến ban đêm vì việc đi vệ sinh trong bụi rậm nơi mọi người có thể nhìn thấy bạn vào ban ngày là trái với văn hóa ở đây”. Người tị nạn Babikir Hamed Hamdan cho biết việc thiết lập các công trình kiên cố như nơi trú ẩn và nhà vệ sinh là một thách thức do thiếu các vật liệu hỗ trợ.
Nam Sudan chật vật
Nam Sudan đã và đang đối phó với vấn đề di dời của riêng mình, với gần 2,2 triệu người di cư trong nước (IDP) sau nhiều năm xung đột, mất an ninh và tác động của biến đổi khí hậu. Theo Liên hợp quốc, trong số 11 triệu dân của đất nước, 9,4 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo vào năm 2023. Bà Hallqvist cho biết, mặc dầu tình trạng như vậy nhưng nhu cầu trong nước đã “không được chú trọng” dẫn đến tình trạng thiếu vốn trầm trọng. Điều này có nghĩa là dòng người đến từ Sudan sẽ làm phức tạp thêm các nỗ lực viện trợ, Edmund Yakani, giám đốc điều hành của Tổ chức phi chính phủ Trao quyền cho Cộng đồng vì Tiến bộ, cảnh báo.
Yakani nói rằng cuộc khủng hoảng ở Sudan gây thêm áp lực cho các bên tham gia hoạt động nhân đạo, những người vốn đã quá căng thẳng. Và khả năng xảy ra xích mích giữa IDP Nam Sudan và người tị nạn Sudan về không gian, đất đai hạn chế và các nguồn tài nguyên khác là rất có thể xảy ra.
Theo Majokdit của RRC, Wadwil là trung tâm trung chuyển người tị nạn lớn nhất trong một khu vực đang phải vật lộn để cung cấp cho 17.000 người di tản trong nước. Ông cho biết lũ lụt lớn năm ngoái đã khiến 70% dân số của bang phải di dời và phá hủy hơn 80% mùa màng, khiến các cộng đồng chủ nhà cần được hỗ trợ. “Nói chung, chúng tôi đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu về thực phẩm, chỗ ở và sức khỏe cho những người đến từ Sudan hiện nay”, ông nói.
Hiện tại, các nhà chức trách đang cố gắng phân phối các mặt hàng lương thực cơ bản như gạo, bột mì và đậu. Nhưng với số lượng lớn người tị nạn và người hồi hương, sẽ rất khó để đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người. Trừ khi Wadwil trở thành trại tị nạn chính thức, “chúng tôi không thể cung cấp những thứ như dịch vụ y tế, giáo dục và nhu cầu khác”.
Jocelyn Yapi, giám đốc quốc gia của MSF (tổ chức Thầy thuốc không biên giới) tại Nam Sudan nói rằng “Các nhóm của chúng tôi đã điều trị cho những bệnh nhân mắc các bệnh có thể ngăn ngừa được bằng điều kiện sống tốt hơn. Tuy nhiên, với mùa mưa sắp tới, nếu những nhu cầu này không được giải quyết kịp thời, chúng tôi lo ngại dịch bệnh sẽ bùng phát và một thảm họa sức khỏe có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của hàng ngàn người”.
MSF đã triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp ở các bang Thượng Nile và Bắc Bahr El Ghazal, điều hành ba phòng khám di động ở Renk và một ở Aweil. Tại Renk, các nhóm vệ sinh và nước của MSF đang xử lý nước sông để cung cấp nước uống an toàn cho những người phải di dời, trong khi các nhóm y tế đang sàng lọc trẻ em bị suy dinh dưỡng và đã thiết lập một khu cách ly bệnh sởi. Các nhóm của MSF cũng đang cung cấp giấy giới thiệu cho những người cần được chăm sóc y tế chuyên khoa, cũng như hỗ trợ sức khỏe tâm thần và giáo dục sức khỏe.
Margot Grelet, điều phối viên dự án MSF ở Aweil cho biết: “Sự xuất hiện của những người trở về và người tị nạn sẽ có tác động rất lớn đến tình hình nhân đạo ở bang Bắc Bahr El Ghazal. “Chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng các trường hợp suy dinh dưỡng. Do việc cắt giảm tài trợ nhân đạo trong những năm gần đây, đặc biệt là cho các cơ sở y tế, hệ thống hiện tại đã không đủ cho cộng đồng địa phương và không thể đáp ứng các nhu cầu bổ sung”.
Dawai Apayi, y tá cấp cứu của MSF ở Renk, cho biết: “Chúng tôi đang điều trị cho bệnh nhân bị tiêu chảy cấp tính, sốt rét, nhiễm trùng đường hô hấp và nhiễm trùng mắt. Tình trạng đại tiện lộ thiên diễn ra tràn lan trong khu vực. Kho bãi, lán tạm có nguy cơ bị ngập úng; một khi mùa mưa đến, chúng cũng sẽ dễ bùng phát dịch bệnh như dịch tả. Để ngăn chặn điều này, điều quan trọng là phải đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người dân bằng cách cung cấp cho họ nơi trú ẩn, nước sạch và các phương tiện vệ sinh”.
Do cuộc xung đột ở Sudan chưa có hồi kết, dự kiến sẽ có thêm nhiều người vượt biên sang Nam Sudan. Nếu quá trình vận chuyển không được đẩy nhanh, MSF cảnh báo rằng nhu cầu chưa được đáp ứng của mọi người ở Aweil và Renk có khả năng tăng cao, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe. Và sẽ lại thêm một cuộc chiến mới đối với dịch bệnh bùng phát chưa biết lúc nào sẽ kết thúc.