Người tiêu dùng đang phải thắt chặt chi tiêu

Nhu cầu mua sắm hàng hóa giảm một phần do yếu tố thời điểm, phần lớn là tâm lý thắt chặt chi tiêu tiết kiệm của nhiều người tiêu dùng, khi mức thu nhập của họ bị ảnh hưởng bởi cơ cấu việc làm đang thay đổi mạnh.

Nhu cầu mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ tiêu dùng tháng đầu năm 2025 có tăng so với cùng kỳ năm trước. Số liệu công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2025 ước tăng 9,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, sức mua có giảm.

Mất, giảm thu nhập làm xáo trộn nhiều gia đình

Chị Nguyễn Thu Hồng, 38 tuổi, từng là nhân viên hành chính của một cơ quan nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội vừa phải nghỉ việc sau khi cơ quan thực hiện sáp nhập, sắp xếp tinh gọn bộ máy. Chị Thảo cho biết, nguồn thu nhập của gia đình giờ giảm chỉ còn một nửa so với trước, trong khi các khoản chi cho đời sống sinh hoạt, học hành của con cái ngày càng tăng. Chồng chị dù đang có thu nhập ổn định song ở mức thấp, nên mọi trang trải cho gia đình 3 người giờ chỉ trông chờ vào nguồn thu nhập của chồng, khiến cuộc sống thời gian tới là vô cùng khó khăn.

Lượng cung hàng hóa nhiều, phong phú nhưng nhu cầu mua ít tại các chợ truyền thống

Lượng cung hàng hóa nhiều, phong phú nhưng nhu cầu mua ít tại các chợ truyền thống

“Chồng mình có lương 15 triệu đồng/tháng nhưng quá nhiều khoản cho chi tiêu cấp thiết, nên trước mắt gia đình phải dè xẻn trong chi tiêu. Bây giờ từ việc đi chợ nấu cơm mình cũng phải tính toán chi li, cho đến sử dụng các dịch vụ điện, nước, viễn thông đến lễ hội, du lịch,… đều phải tiết giảm hết, sau này kiếm lại được việc làm, thêm thu nhập mới có hy vọng cải thiện đời sống”, chị Thảo bày tỏ.

Khó khăn hơn chị Thảo là trường hợp vợ chồng anh Trung, chị Trang (tên nhân vật đã được thay đổi), khi đang là nhân viên của một đài truyền hình lớn mới phải nghỉ việc vì quyết định ngừng phát sóng. Trước đây, thu nhập của hai vợ chồng ngoài đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, còn tiết kiệm được một khoản, cộng thêm vay mượn từ người thân để mua được căn nhà ở xã hội nhỏ. Nay số nợ mua nhà vẫn chưa trả hết, hai vợ chồng lại lâm vào cảnh thất nghiệp khiến cuộc sống gia đình đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan”.

“Chồng tôi đã phải xin việc tạm thời làm cộng tác viên cho một công ty truyền thông với thu nhập thấp, còn tôi bắt đầu việc bán hàng online để có thêm tiền trang trải cho các con ăn học. Những năm trước, vào mùa Hè gia đình luôn có kế hoạch cho 1 kỳ nghỉ ở xa, nhưng giờ phải tạm gác lại hết, cầm cự chi tiêu chỉ cho các khoản thiết yếu nhất”, chị Trang nói.

Nhiều gia đình phải hạn chế, tiết kiệm chi tiêu khi thu nhập giảm

Nhiều gia đình phải hạn chế, tiết kiệm chi tiêu khi thu nhập giảm

Thực tế khảo sát từ các chợ truyền thống hay trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi cũng cho thấy, sức mua từ sau Tết Nguyên đán đến nay có giảm. Ngoài yếu tố về giá của một số mặt hàng có tăng nhẹ khiến sức mua hạn chế, nhìn chung người tiêu dùng chỉ chú trọng đến các mặt hàng thực phẩm thiết yếu và lượng mua cũng giảm thấp.

Chị Phan Thúy Liễu, chủ 1 cửa hàng quần áo trên phố Chùa Bộc cho hay, hàng mùa Đông năm nay doanh số rất thấp, doanh thu giảm mạnh so với mọi năm. “Giờ chỗ nào cũng thấy tinh giản với sáp nhập, nên khách hàng chủ yếu của cửa hàng là công chức, viên chức nay giảm hẳn nhu cầu mua sắm thời trang. Nếu những năm trước, doanh thu mỗi ngày của cửa hàng đến hàng chục triệu đồng, nhưng năm nay giảm tới 70%, có ngày cửa hàng không bán được sản phẩm nào”, chị Liễu bày tỏ.

Tương tự với mua sắm tiêu dùng, ở mảng dịch vụ ăn uống từ Tết Nguyên đán đến nay cũng rơi vào tình trạng ế ẩm, nhiều nơi phải thu hẹp quy mô kinh doanh. Anh Hoàng Huynh, chủ quán đặc sản tại phố Cầu Đơ, Hà Đông cho biết, ngay sau Tết, khách cơ quan, đoàn thể tổ chức ăn uống khai Xuân không còn nhiều như những năm trước, số bàn có lượng khách lớn đặt trong tuần chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đặc biệt, trong năm trước còn có nhiều gia đình đặt bàn ăn tổ chức ngày kỷ niệm, ngày sinh nhật nhưng từ đầu năm đến nay tuyệt nhiên không có.

“Quán ở vị trí khá đông đúc nên khách VIP có thể họ ngại xuất hiện, còn khách bình dân do nhiều khả năng thu nhập bị hạn chế nên cắt bỏ việc ăn uống ở nhà hàng. Nhiều khách quen cho biết, giờ họ thường tổ chức nấu ăn uống ngay tại nhà để giảm bớt chi phí. Nếu tình hình kinh doanh năm nay cứ thế này, quán sẽ khó tồn tại”, anh Huy lo lắng.

Người tiêu dùng trẻ cũng phải mua sắm thông minh hơn

Người tiêu dùng trẻ cũng phải mua sắm thông minh hơn

Tạo việc làm, tăng kích cầu tiêu dùng

Từ thực tế nhu cầu mua sắm tiêu dùng giảm có thể thấy, ảnh hưởng chính là bởi thu nhập của người tiêu dùng thay đổi, đặc biệt là từ một bộ phận những người làm công ăn lương khi việc làm có nhiều xáo trộn. Nguồn thu nhập giảm, chính sách kích cầu lại chưa phát huy hiệu quả, các nhà phân phối, các DN còn chưa liên kết với nhau tạo ra chuỗi hoạt động giảm giá, khuyến mãi liên tiếp sẽ càng khiến người tiêu dùng gặp khó.

Do đó, nhà nước cần sớm ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể, chi tiết về tài chính, hỗ trợ những người mất việc tìm việc làm mới thông qua các chương trình đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp. Cùng với đó, cần tạo điều kiện cho người lao động mất việc có vốn và khả năng tự khởi nghiệp thông qua hoạt động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nguoi-tieu-dung-dang-phai-that-chat-chi-tieu-post1156918.vov