Người tiêu dùng không nên 'quay lưng' với thịt lợn

Trước những thông tin không chính xác về bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), nhiều người dân tỏ ra lo lắng, không dám sử dụng thịt lợn và các sản phẩm từ lợn. Một số tư thương cũng đã lợi dụng việc này để ép giá thu mua, gây khó khăn cho người chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, bệnh DTLCP chỉ gây bệnh trên lợn và không lây truyền sang người.

Thịt lợn vẫn là một trong những món ăn truyền thống, thông dụng nhất trong bữa cơm của nhiều gia đình - Ảnh: P.V

Thịt lợn vẫn là một trong những món ăn truyền thống, thông dụng nhất trong bữa cơm của nhiều gia đình - Ảnh: P.V

Sau một thời gian dài được kiểm soát, từ cuối tháng 10/2023 đến nay, bệnh DTLCP đã tái phát tại 79 hộ chăn nuôi, ở 23 thôn của 12 xã, thị trấn thuộc huyện Triệu Phong và thị xã Quảng Trị. Đã có 336 con lợn các loại gồm: 72 lợn nái, 132 lợn thịt và 132 lợn sữa bị bệnh, chết buộc phải chôn hủy với trọng lượng tiêu hủy trên 15,6 tấn.

Hiện nay, dịch bệnh đang có chiều hướng diễn biến phức tạp tại huyện Triệu Phong với 11 xã, thị trấn có dịch, phải tiêu hủy 332 con lợn các loại. Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, cùng với việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) đã cấp 2.650 lít hóa chất cho các địa phương thực hiện tiêu độc khử trùng chuồng trại và môi trường chăn nuôi. Các địa phương cũng đã mua hàng chục tấn vôi để hỗ trợ cho người dân xử lý chuồng trại.

Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện tại đang lan truyền những thông tin không chính xác về bệnh DTLCP dẫn đến việc người dân hoang mang, thậm chí dừng tiêu thụ thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn. Điều này khiến sức mua thịt lợn trên thị trường giảm hẳn. Trong khi theo các kết quả nghiên cứu của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), bệnh DTLCP chỉ lây truyền cho lợn, không lây cho người.

Theo khẳng định của lãnh đạo Chi cục CN&TY, kể cả trước khi có dịch cũng như hiện nay, việc kiểm tra, giám sát gia súc, gia cầm đưa vào tại các lò mổ đều được cơ quan thú y thực hiện nghiêm túc. Chi cục CN&TY cũng thường xuyên thành lập các đoàn kiểm tra định kỳ, đột xuất việc thực hiện quy trình kiểm soát giết mổ (KSGM) tại các lò mổ trên địa bàn toàn tỉnh nên không có hiện tượng làm ẩu, làm dối trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Cụ thể, lợn trước khi nhập vào lò mổ đều được cán bộ thú y kiểm tra chặt chẽ; lợn phải khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng; lợn nhập từ các tỉnh khác về phải có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định. Lợn chờ giết mổ cũng được theo dõi sức khỏe định kỳ để kịp thời xử lý những con không đảm bảo tiêu chuẩn.

Lợn sau khi giết mổ được kiểm tra kỹ từng bộ phận để kịp thời phát hiện các dấu hiệu dịch bệnh hoặc các dấu hiệu không đảm bảo an toàn thực phẩm thông qua việc quan sát hình dáng, màu sắc thân thịt và phủ tạng; kiểm tra các hạch ở hàm, cổ, màng treo ruột; mổ khám các cơ quan nội tạng như phổi, gan, thận, lá lách... để phát hiện dịch bệnh.

Do vậy, các loại thịt gia súc, gia cầm nói chung và thịt lợn nói riêng khi được cán bộ thú y kiểm soát đều đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Do vậy, người dân cần bình tĩnh, yên tâm khi sử dụng thịt lợn và sản phẩm từ lợn đã được cơ quan thú y kiểm định. Không nên quá hoang mang, dừng tiêu thụ thịt lợn và các sản phẩm từ lợn.

Về phía người buôn bán phải đề cao trách nhiệm với cộng đồng và lương tâm nghề nghiệp với khách hàng, chỉ mua lợn khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng; lợn ngoại tỉnh phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Lợn phải được giết mổ tại các cơ sở giết mổ đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và được cơ quan thú y kiểm soát.

Đối với người mua, tiêu thụ thịt lợn phải là người tiêu dùng thông minh, chỉ mua thịt lợn và các sản phẩm từ lợn tại các quầy hàng có uy tín, thịt lợn phải được cơ quan thú y kiểm soát (có dấu KSGM trên thân thịt). Không mua thịt trôi nổi, thịt không có dấu KSGM của cơ quan thú y.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/nguoi-tieu-dung-khong-nen-quay-lung-voi-thit-lon/181476.htm