Người tiêu dùng Mỹ lo ngại làn sóng tăng giá do thuế quan
Khảo sát tâm lý người tiêu dùng gần đây của Đại học Michigan ghi nhận kỳ vọng lạm phát trong vòng một năm tới đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1981, trong bối cảnh Tổng thống Trump đẩy mạnh các chính sách thuế quan quy mô lớn.
Một phân tích mới từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Boston xác nhận rằng kỳ vọng của người dân là hợp lý, khi chi phí do thuế quan gây ra đang dần hiện hữu trong giá thành sản phẩm.

Người tiêu dùng Mỹ lo ngại làn sóng tăng giá do thuế quan
Kết quả này dựa trên khảo sát của Morning Consult tiến hành với sự tham gia của hơn 400 doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Mỹ. Khảo sát tập trung vào kỳ vọng và chiến lược ứng phó của các doanh nghiệp trước tác động của thuế quan. Các doanh nghiệp đều cho rằng chi phí sẽ tăng do thuế suất cao hơn áp dụng với phần lớn các đối tác thương mại của Mỹ, và họ có kế hoạch chuyển phần chi phí phát sinh này sang người tiêu dùng thông qua việc điều chỉnh giá bán.
"Các doanh nghiệp có kế hoạch chuyển phần chi phí tăng thêm do thuế quan gây ra vào giá bán sản phẩm. Mức độ chuyển giao chi phí này sẽ khác nhau, tùy thuộc vào từng kịch bản thuế quan cụ thể”, phân tích kết luận.
Điều đáng chú ý là các doanh nghiệp lại dự báo mức tăng giá cao nhất trong kịch bản thuế suất thấp (10%), so với kịch bản thuế cao (25%) hoặc kịch bản không chắc chắn (thuế suất 10% nhưng có thể thay đổi).
Cần lưu ý rằng thuế quan là loại thuế mà doanh nghiệp nhập khẩu phải nộp khi hàng hóa được thông quan tại các cửa khẩu, và không phải do quốc gia hay doanh nghiệp xuất khẩu chi trả. Trước chi phí phát sinh này, doanh nghiệp có thể lựa chọn hấp thụ chi phí, thương lượng lại với nhà cung cấp, hoặc phổ biến nhất là chuyển gánh nặng sang người tiêu dùng.
Khảo sát của Đại học Michigan cho thấy người tiêu dùng hiện kỳ vọng lạm phát sẽ tăng 6,7% trong vòng 12 tháng tới, tăng mạnh so với mức 4,9% của tháng trước. Trong khi đó, kỳ vọng lạm phát trung - dài hạn (5 - 10 năm) cũng tăng lên 4,4% trong tháng 4 từ mức 4,1% của tháng 3. Một khảo sát tương tự của Fed New York cũng ghi nhận xu hướng tăng, nhưng ở mức độ thấp hơn.
Cuối tuần qua, sau khi Tổng thống Trump công bố nới lỏng một số mức thuế và miễn trừ cho một số mặt hàng công nghệ, Capital Economics ước tính mức thuế hiệu dụng trung bình trên hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ đã giảm xuống còn khoảng 22%, từ mức 27% của tuần trước.
Tuy vậy, các chính sách thương mại của Tổng thống Trump vẫn đang đẩy mức thuế trung bình lên cao nhất trong hơn một thế kỷ, qua đó làm tăng kỳ vọng lạm phát và kéo giảm kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Theo Fed Boston, các nhà nhập khẩu dự kiến chi phí phát sinh do thuế quan sẽ mất khoảng hai năm để phản ánh đầy đủ vào giá hàng hóa. Một yếu tố vẫn chưa được hiểu rõ là tác động của thuế nhập khẩu đối với giá bán của các doanh nghiệp nội địa, điều có thể ảnh hưởng lớn tới triển vọng lạm phát chung.
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng người tiêu dùng nên chuẩn bị cho một làn sóng lạm phát mới, đặc biệt là đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, hiện đang phải chịu mức thuế "khủng" lên tới 145%.
“Nếu trong ngắn hạn, nguồn cung hàng hóa bị thu hẹp, điều này sẽ khiến giá tiêu dùng tăng cao”, bà Claudia Sahm, cựu chuyên gia kinh tế tại Hội đồng Thống đốc Fed, nhận định trong buổi phỏng vấn với Yahoo Finance hôm thứ Năm và thêm rằng: “Áo thun có thể sẽ trở thành mặt hàng ‘trứng gà mới’ - biểu tượng cho cú sốc giá tiếp theo”.
Hôm thứ Sáu, hai Chủ tịch Fed khu vực là bà Susan Collins và ông John Williams cũng nói với Yahoo Finance rằng họ dự báo lạm phát sẽ vượt ngưỡng 3% trong năm nay, phần lớn do ảnh hưởng từ thuế quan của Tổng thống Trump.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu điều chỉnh hoặc chuẩn bị tâm lý cho khách hàng trước việc tăng giá, dù họ vẫn đang cố gắng giảm thiểu cú sốc giá thông qua việc tối ưu tồn kho và làm việc lại với chuỗi cung ứng.
Ví dụ, hãng xe Volkswagen (VWAGY) của Đức mới đây đã áp dụng khoản “phí nhập khẩu” đối với toàn bộ các mẫu xe chịu ảnh hưởng bởi mức thuế 25% dành cho ô tô.
Trong buổi họp công bố kết quả kinh doanh tháng 3, CEO Best Buy (BBY), bà Corie Barry, chia sẻ: “Chúng tôi kỳ vọng các nhà cung cấp trên toàn bộ danh mục sản phẩm sẽ chuyển một phần chi phí thuế quan sang cho nhà bán lẻ. Điều này khiến việc tăng giá đối với người tiêu dùng Mỹ gần như là chắc chắn”.