Tranh luận tuần làm việc 4 ngày ở quốc gia nghiện việc top thế giới

Các đảng tại Hàn Quốc đang đề xuất kế hoạch giảm giờ làm trong một tuần cho người lao động, song nhiều ý kiến cho rằng không dễ hiện thực hóa ý tưởng này.

 Trước thềm bầu cử tổng thống, hai đảng lớn Quyền lực Nhân dân (PPP) và Dân chủ đang hứa hẹn về tuần làm việc ngắn hơn. Ảnh: Reuters.

Trước thềm bầu cử tổng thống, hai đảng lớn Quyền lực Nhân dân (PPP) và Dân chủ đang hứa hẹn về tuần làm việc ngắn hơn. Ảnh: Reuters.

Wang Sung-jun - nghiên cứu viên 29 tuổi tại Viện nghiên cứu điện tử và viễn thông Hàn Quốc - chỉ làm việc 4 ngày/tuần trong hai tuần qua, tận dung chính sách làm việc linh hoạt của viện.

“Tôi làm việc muộn hầu hết ngày, vì tôi vẫn phải hoàn thành yêu cầu 80 giờ trong hai tuần”, anh chia sẻ. “Nhưng chỉ đi làm 4 ngày/tuần cho phép tôi dành nhiều thời gian hơn cho bản thân. Tôi cảm thấy khỏe mạnh hơn về mặt thể chất và tự do làm những gì mình muốn”.

Theo Korea Times, nhiều người Hàn Quốc khác có thể sớm trải nghiệm lợi ích từ chính sách làm việc 4 ngày/tuần giống anh Wang, trong bối cảnh các chính trị gia cân nhắc và cam kết áp dụng rộng rãi hình thức này trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

Các đảng đang hứa hẹn những gì?

Hôm 14/4, đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) theo đường lối bảo thủ đề xuất làm việc 4,5 ngày/tuần, trong khi đảng Dân chủ (DPK) theo đường lối tự do cam kết sẽ đưa ra chính sách làm việc 4 ngày/tuần.

Hồi tháng 2, ông Lee Jae Myung - ứng viên tổng thống hàng đầu của DPK - đã nêu chủ đề tuần làm việc 4 ngày trong bài phát biểu trước Quốc hội. “AI và công nghệ tiên tiến giúp cải thiện năng suất, do đó cần giảm số giờ làm việc”, ông Lee nói.

Trung bình người Hàn Quốc làm việc 1.915 giờ/năm, cao thứ 5 trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Để so sánh, người Mỹ làm việc 1.791 giờ/năm, trong khi mức trung bình ở Pháp là 1.490 giờ và ở Đức là 1.349 giờ, theo dữ liệu của OECD. Người Hàn Quốc cũng làm việc nhiều hơn 140 giờ so với trung bình 1.752 giờ/năm của OECD, tương đương hơn một tháng làm thêm.

 Trung bình người Hàn Quốc làm việc 1.915 giờ/năm, cao thứ 5 trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Ảnh: Vox.

Trung bình người Hàn Quốc làm việc 1.915 giờ/năm, cao thứ 5 trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Ảnh: Vox.

Ngoài ra, người lao động Hàn Quốc trải qua văn hóa làm việc khắc nghiệt, tình trạng làm thêm giờ phổ biến ở hầu hết công ty. Họ phải tham gia các buổi liên hoan, ăn nhậu sau giờ làm và cảm thấy không thể đi về trước sếp, bất kể đã hoàn thành công việc hay chưa. Mặc dù người lao động Hàn Quốc được hưởng 15 ngày nghỉ phép/năm, theo báo cáo, trung bình họ chỉ sử dụng khoảng 10 ngày.

Vào thời điểm đó, các nhà lập pháp PPP chỉ trích những phát biểu của ông Lee, nhưng chỉ hai tháng sau, PPP trở thành đảng bảo thủ đầu tiên đề xuất ý tưởng tương tự.

Kwon Young Se - lãnh đạo tạm thời của PPP - cho biết đảng sẽ đưa các kế hoạch về tuần làm việc 4,5 ngày vào cương lĩnh tranh cử tổng thống. Ông Kwon đề cập tới mô hình đi làm trong 9 tiếng từ thứ hai tới thứ năm - tăng một giờ so với tiêu chuẩn hiện tại - và 4 tiếng trong ngày thứ sáu.

Sự khác biệt chính giữa hai đảng nằm ở cách tiếp cận giờ làm việc. DPK tập trung vào giảm tổng giờ làm việc, trong khi PPP nhấn mạnh tính linh hoạt trong giới hạn pháp lý hiện hành, quy định một tuần người lao động làm trong 52 tiếng.

Những thách thức

Tại Hàn Quốc, tuần làm việc 4 ngày chủ yếu áp dụng ở các công ty lớn, công ty công nghệ thông tin, tổ chức công và văn phòng chính phủ. Với các doanh nghiệp nhỏ, viễn cảnh này vẫn còn xa vời.

"Tuần làm việc ngắn hơn là rào cản với chúng tôi", một quan chức tại Liên đoàn doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc nhấn mạnh. "Chúng tôi vốn thiếu lao động, nên giảm giờ làm đồng nghĩa thời gian sản xuất ít hơn trong khi khối lượng công việc thực tế vẫn y nguyên. Công việc thì vẫn cần được hoàn thành, nên cần thuê lao động ngoài giờ, dẫn tới tăng chi phí”.

Mối quan tâm của các tập đoàn lớn cũng tương tự. "Nếu chính sách này được thực hiện, các doanh nghiệp nhỏ sẽ phải vật lộn để đáp ứng thời hạn giao hàng, làm dấy lên lo ngại về cách chúng tôi có thể duy trì hoạt động", một nhân viên từ tập đoàn lớn giấu tên chia sẻ.

 Chuyên gia cho rằng thay vì chú tâm tới cắt giảm giờ làm, chính phủ nên xây dựng hệ thống làm việc linh hoạt. Ảnh: Reuters.

Chuyên gia cho rằng thay vì chú tâm tới cắt giảm giờ làm, chính phủ nên xây dựng hệ thống làm việc linh hoạt. Ảnh: Reuters.

Lee Jeong-hee - người đứng đầu Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc, một trong hai liên đoàn lớn nhất cả nước - đồng tình với những bận tậm này. Trong khi các công ty lớn và khu vực công có thể cắt giờ làm và không giảm lương, ông chỉ ra các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó đáp ứng được.

"Chúng ta có thể cân nhắc chương trình thí điểm tuần làm việc 4 ngày trước với các ngành thâm dụng lao động với tỷ lệ luân chuyển cao, như y tá bệnh viện", ông nói.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, trọng tâm nên đặt ở việc thiết lập hệ thống cho phép sắp xếp công việc linh hoạt vì mỗi ngành có đặc thù khác nhau.

"Quy định bắt buộc số ngày làm việc cố định chưa hoàn toàn tối ưu. Câu hỏi cần giải quyết là làm thế nào để cải thiện năng suất”, Lim Woon-taek - giáo sư xã hội học tại Đại học Keimyung - nói.

Ông nói thêm Hàn Quốc cần có các quy định về giờ làm việc quá mức, đặc biệt với những nhân viên thường xuyên làm thêm giờ.

"Trong các ngành như dịch vụ hoặc nghiên cứu công nghệ thông tin, cắt giảm giờ làm việc không phải giải pháp tốt nhất. Chúng ta cần thiết kế hiệu quả hệ thống giờ làm việc linh hoạt", ông nói. "Mọi người liên tục tranh luận về tuần làm việc ngắn hơn vì chúng ta dựa vào giờ làm việc để tăng năng suất, thay vì tìm ra cách làm việc thông minh".

Trí Ân

Nguồn Znews: https://znews.vn/tranh-luan-tuan-lam-viec-4-ngay-o-quoc-gia-nghien-viec-top-the-gioi-post1546682.html