Người tiêu dùng phải làm gì để bảo vệ mình trước vấn nạn thuốc giả?
Thuốc giả, hiểm họa 'giết người thầm lặng' vẫn hiện diện trên thị trường dưới nhiều hình thức tinh vi gây hại đến sức khỏe. Người tiêu dùng phải làm gì để tự bảo vệ mình trước vấn nạn này?
Vì sao thuốc giả có đất lộng hành?
Khi khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, ngành y tế cũng gặt hái được nhiều thành tựu trong việc cứu chữa và cải thiện chất lượng cuộc sống con người. Tuy nhiên, một nghịch lý đau lòng đang tồn tại song hành, đó là tình trạng thuốc giả len lỏi trong hệ thống phân phối, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của hàng triệu người.
Thuốc giả không chỉ là một sản phẩm y tế không đạt chuẩn, mà còn là “kẻ giết người thầm lặng” âm thầm, tinh vi và nguy hiểm. Chúng có thể không gây hậu quả ngay lập tức, nhưng lại làm chậm tiến trình điều trị, dẫn đến biến chứng khó lường, kháng thuốc, hoặc trong nhiều trường hợp nghiêm trọng, tử vong.
Người bệnh đặt trọn niềm tin vào thuốc men và hệ thống y tế. Nhưng khi “phao cứu sinh” lại là hàng giả, họ chẳng những bị tước mất cơ hội chữa trị mà còn bị đẩy sâu hơn vào hiểm cảnh.
Chị Nguyễn Thị Định, 53 tuổi, ở Thường Tín (Hà Nội), là một trong hàng ngàn nạn nhân. Mắc bệnh tiểu đường suốt nhiều năm, chị tuân thủ việc điều trị và dùng thuốc đầy đủ. Thế nhưng, sau một thời gian sử dụng, sức khỏe chị đột ngột giảm sút. Khi đem thuốc đi kiểm tra, chị bàng hoàng phát hiện lô thuốc không có tên nhà sản xuất chính thức, không mã số lưu hành, bao bì mờ nhạt và không có nhãn phụ tiếng Việt, đây là những dấu hiệu đặc trưng của thuốc giả.
Từ thuốc kháng sinh, thuốc trị cao huyết áp, tiểu đường đến thực phẩm chức năng, tất cả đều có thể trở thành mục tiêu của các đối tượng làm giả. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, tâm lý chủ quan của người tiêu dùng và lỗ hổng trong kiểm soát thị trường, thuốc giả xuất hiện ngày càng nhiều với mức độ tinh vi ngày càng cao: Làm giả tem chống hàng giả, nhái mã QR, bắt chước mẫu mã thuốc thật đến mức khó phân biệt nếu không có chuyên môn.
Một trong những lý do chính khiến thuốc giả có “đất sống” chính là sự chủ quan của người tiêu dùng. Không ít người vẫn giữ thói quen mua thuốc tùy tiện mà không cần đơn bác sĩ, không kiểm tra bao bì, không yêu cầu hóa đơn, thậm chí không hề quan tâm thuốc mình đang sử dụng có nguồn gốc từ đâu.
Một khảo sát nhỏ tại các nhà thuốc ở Hà Nội cho thấy, đa phần người được hỏi không kiểm tra kỹ thông tin trên bao bì thuốc; Không biết cách phân biệt thuốc thật thuốc giả và rất ít người giữ lại hóa đơn sau khi mua. Điều này khiến cho việc truy xuất nguồn gốc khi có sự cố gần như không thể thực hiện được.
Anh Nguyễn Minh Tú, quận Thanh Xuân, chia sẻ: “Tôi bị viêm họng mãn tính, cứ ra hiệu thuốc gần nhà là mua. Không cần đơn, không cần biết là thuốc gì, chỉ cần uống vài hôm thấy đỡ là được.”.

Kiểm tra kỹ nhãn mác khi mua thuốc/ Hình minh họa
Với sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử, các kênh bán hàng online trở thành mảnh đất màu mỡ cho việc tiêu thụ thuốc giả. Mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, các website “trá hình” liên tục xuất hiện những lời quảng cáo có cánh như “thuốc giảm cân siêu tốc”, “thuốc tăng cường sức khỏe nhập khẩu chính hãng”, “không cần đơn – hiệu quả trong 3 ngày”… Nhưng thực tế, nguồn gốc những loại thuốc này mập mờ, không được Bộ Y tế cấp phép và thậm chí không rõ thành phần.
Chị Phạm Thị Hằng (Quận Hà Đông, Hà Nội) từng gặp trường hợp tương tự khi mua thuốc giảm cân trên mạng. Sản phẩm không có nhãn phụ tiếng Việt, bao bì in chữ nước ngoài, và sau vài ngày sử dụng, chị gặp các triệu chứng mất ngủ, tim đập nhanh. Khi kiểm tra tại bệnh viện, bác sĩ cảnh báo thuốc không được cấp phép lưu hành tại Việt Nam và có chứa chất kích thích bị cấm.
Tỉnh táo để không “ sập bẫy” mua thuốc giả
Hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam đã có những quy định khá đầy đủ về quyền lợi người tiêu dùng. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (2010) quy định rõ ràng về quyền được đảm bảo an toàn sức khỏe, được cung cấp thông tin chính xác, được bồi thường thiệt hại nếu quyền lợi bị xâm phạm. Đồng thời, Luật Dược (2016) và các văn bản hướng dẫn thi hành nêu rõ điều kiện sản xuất, phân phối, lưu hành thuốc. Đặc biệt, Điều 194 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định rõ, sản xuất, buôn bán thuốc giả có thể bị phạt tù từ 2 năm đến tù chung thân hoặc tử hình nếu gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng người khác.
Tuy nhiên, hiệu quả của pháp luật chỉ phát huy tối đa khi người tiêu dùng biết cách thực thi quyền của mình. Để tự bảo vệ mình trước tình trạng thuốc giả ngày càng tinh vi, người tiêu dùng cần chủ động trang bị kiến thức và thực hiện các biện pháp thiết thực. Trước hết, chỉ nên mua thuốc tại các nhà thuốc đạt chuẩn GPP, nơi có biển hiệu rõ ràng, dược sĩ có chuyên môn tư vấn và giấy phép hoạt động hợp pháp.
Khi mua thuốc, cần kiểm tra kỹ lưỡng bao bì, bao gồm thông tin về nhà sản xuất, hạn sử dụng, số đăng ký, tem chống giả, mã QR… Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, tuyệt đối không nên sử dụng và nên tham khảo ý kiến chuyên gia y tế. Người tiêu dùng cũng cần yêu cầu hóa đơn mua hàng và lưu giữ cẩn thận để đảm bảo quyền lợi khi cần khiếu nại hoặc phản ánh.
Bên cạnh đó, không nên tự ý mua thuốc qua mạng, đặc biệt là các loại “thần dược” không rõ nguồn gốc, không có nhãn bằng tiếng Việt. Việc sử dụng thuốc cần tuân theo đơn và chỉ định của bác sĩ, tránh tin vào các lời khuyên không chính thống hoặc những bài viết “chia sẻ kinh nghiệm” thiếu cơ sở khoa học.
Cuối cùng, người tiêu dùng nên thường xuyên cập nhật kiến thức y tế, học cách đọc và hiểu nhãn thuốc, nắm rõ tác dụng và tác dụng phụ để có thể bảo vệ sức khỏe cho bản thân và người thân một cách chủ động, hiệu quả.
Thị trường dược phẩm ngày càng trở nên phức tạp với nhiều rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt là sự len lỏi của thuốc giả, người tiêu dùng không thể thụ động phó mặc hoàn toàn cho các cơ quan chức năng. Hệ thống quản lý dù có chặt chẽ đến đâu cũng khó lòng bao phủ hết mọi ngóc ngách nếu thiếu sự hợp tác từ chính cộng đồng. Vì thế, sự cảnh giác, hiểu biết và chủ động kiểm tra thông tin của mỗi cá nhân chính là tuyến phòng thủ đầu tiên và cũng là hiệu quả nhất trong việc bảo vệ bản thân và người thân khỏi những hiểm họa đến từ thuốc giả.