Người tiêu dùng tự bảo vệ khi nghi ngờ chất lượng hàng hóa

Liên quan đến vụ quảng cáo sai sự thật về chất lượng kẹo rau củ Kera, Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục đã có hành vi sản xuất hàng giả và lừa dối khách hàng khiến dư luận hết sức bức xúc.

Việc những người nổi tiếng lợi dụng lòng tin của người khác, nhất là lừa bán các sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người nhằm trục lợi bị pháp luật xử lý là không có gì phải bàn, phải xử lý nghiêm .

Bát nháo nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo bao giờ chấm dứt

Bát nháo nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo bao giờ chấm dứt

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là, nếu không có người tự lấy hàng đi kiểm định và tố giác với cơ quan chức năng thì vụ việc có thể không bị phanh phui nhanh đến như vậy và những kẻ vì hám lợi vẫn tiếp tục lừa dối khách hàng, mặc sức bán sản phẩm gây hại cho sức khỏe người dân, cộng đồng.

Từ vụ việc trên, có thể thấy rằng người tiêu dùng nên có giải pháp để tự bảo vệ mình khi có nghi ngờ về hàng hóa, sản phẩm kém chất lượng hoặc bị làm hàng giả...

Bởi hiện nay, theo quy định tại Điều 19 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì tổ chức có quyền cung cấp kết quả thử nghiệm cho đối tượng được đánh giá sự phù hợp tương ứng. Đồng thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp theo quy định của pháp luật.

Do đó, khi nhận thấy sản phẩm, hàng hóa mình mua không an toàn, có thể gây nguy hiểm tính mạng, sức khỏe, quyền lợi chính đáng, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền yêu cầu tổ chức có chức năng thử nghiệm, giám định, kiểm định chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở hợp đồng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng được khuyến khích phản ánh kịp thời các vi phạm về chất lượng hàng hóa như buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng… để cơ quan chức năng xử lý.

Thông thường cơ quan chức năng thường chỉ kiểm tra về mẫu mã, hạn sử dụng, nguồn gốc, xuất xứ...; chỉ kiểm định bằng máy móc khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng hoặc nhận được tố giác.

Còn hàng hóa, sản phẩm có đảm bảo chất lượng hay không, đúng quảng cáo hay không thường chỉ người tiêu dùng, người sử dụng trực tiếp sản phẩm mới biết rõ, chính xác được.

Vì vậy, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức, tạo thói quen tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp khi sử dụng hàng hóa, sản phẩm mà mình lựa chọn. Theo đó, khi có nghi ngờ, có căn cứ hàng hóa, sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không đúng như quảng cáo, công bố cần chủ động phản ánh, tố giác đến cơ quan chức năng để xem xét, vào cuộc xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm.

Mặc dù, pháp luật không quy định trực tiếp quyền yêu cầu kiểm định, giám định chất lượng đối với sản phẩm hàng hóa, nhưng người tiêu dùng có thể tự mình lấy mẫu, sản phẩm hàng hóa để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền kiểm định, giám định chất lượng sản phẩm hàng hóa khi có nghi ngờ, có căn cứ.

Trên cơ sở kết quả giám định, kiểm định, người tiêu dùng thực hiện nghĩa vụ của mình theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là: “Thông tin kịp thời, chính xác cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng”.

Như vậy, người tiêu dùng vừa chủ động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, vừa góp phần vào việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, đúng pháp luật.

Đồng thời, khi người tiêu dùng kịp thời thông tin, tố giác hành vi sai trái, sản phẩm không đảm bảo chất lượng có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các tổ chức, cá nhân, nhất là những người nổi tiếng, có ảnh hưởng trong xã hội thì sẽ ngăn chặn được tác hại, hậu quả lớn vì nhiều người rất cả tin vào quảng cáo của người nổi tiếng.

ThS, luật gia PHẠM VĂN CHUNG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/nguoi-tieu-dung-tu-bao-ve-khi-nghi-ngo-chat-luong-hang-hoa-129141.html