Người tình thủy chung của cái đẹp

VHĐS - Không tài hoa, tinh tế thì sao có thể đi đến tận cùng của cái đẹp và biểu đạt nó một cách ấn tượng, hấp dẫn như những bài tùy bút được tuyển chọn, giới thiệu trong 'Tự tình cùng cái đẹp' của Chu Văn Sơn.

Tập tùy bút “Tự tình cùng cái đẹp” là cuốn sách được xuất bản sau khi TS, nhà lý luận - phê bình văn học Chu Văn Sơn rời xa “cõi tạm”.

Xuyên suốt hành trình sáng tạo nghệ thuật của Tiến sĩ (TS), nhà lý luận - phê bình văn học Chu Văn Sơn, cái đẹp không đơn thuần là phạm trù mỹ học. Hơn hết, với Chu Văn Sơn, cái đẹp tựa như “người tình” thủy chung, son sắt, hấp dẫn vô cùng trong “cuộc yêu” mê đắm. Cả đời ông dùng tài năng, tâm huyết của mình phụng sự cái đẹp, thăng hoa, tự tình cùng cái đẹp.

Chu Văn Sơn được biết đến với tư cách là một nhà phê bình sắc sảo của nền thơ Việt Nam hiện đại và một nhà giáo tha thiết với việc cải thiện cách dạy - học văn qua góc nhìn cảm thụ cái đẹp. Nhiều tác phẩm của ông đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều thế hệ độc giả như: Tinh hoa Thơ mới, thẩm bình và suy ngẫm (in chung, NXB Giáo dục, 1997. Tái bản 4 lần); Ba đỉnh cao thơ mới: Xuân Diệu - Nguyễn Bính - Hàn Mặc Tử (NXB Giáo dục, 2003. Tái bản 5 lần); Thơ, điệu hồn và cấu trúc (NXB Giáo dục, 2007. Tái bản 2 lần). Ngoài ra, ông cũng là tác giả của một số giáo trình đại học, sách giáo khoa và sách tham khảo cho bộ môn văn ở bậc THCS, THPT. “Tự tình cùng cái đẹp” (NXB Hội Nhà văn, 2019) là cuốn sách được xuất bản sau khi ông qua đời. Một cuốn sách mỏng mảnh, nhỏ nhắn nhưng chau chuốt, chỉn chu từ trang bìa cho đến nội dung với 11 bài viết như lời tạ từ gửi tới các thế hệ độc giả đã hết lòng yêu mến, dõi theo Chu Văn Sơn trong suốt hành trình sáng tạo nghệ thuật. Đồng thời, cuốn sách góp phần phác họa chân dung tinh thần, tài năng Chu Văn Sơn ở mảng tùy bút.

Tùy bút là một thể thuộc loại hình ký, rất gần với bút ký, ký sự. Nét nổi bật của tùy bút là qua việc ghi chép những con người, sự vật, hiện tượng, sự kiện cụ thể, tác giả đặc biệt chú trọng đến việc bộc lộ cảm xúc, suy tư và nhận thức, đánh giá của mình về con người và cuộc sống. Các yếu tố chính luận và chất suy tưởng, triết lý vẫn được “ưu ái” trong thể loại này. Hơn hết, cấu trúc của tùy bút không chịu ràng buộc, câu thúc bởi một cốt truyện cụ thể nên thể loại này cho phép người viết phóng khoáng, phiêu du biểu đạt về mặt cảm xúc và suy tưởng. Vì lẽ đó, tùy bút dễ viết nhưng lại khó hay. Nó đòi hỏi kho tàng ngôn ngữ, từ vựng phong phú, hấp dẫn, sự quan sát, trải nghiệm và chiêm nghiệm cuộc sống sâu sắc, tinh tế và khả năng diễn đạt, làm chủ cảm xúc trên từng trang viết. Chu Văn Sơn khi viết tùy bút đã thỏa mãn được những yếu tố ấy. Sự lôi cuốn, hấp dẫn và những ấn tượng đẹp đẽ, khắc sâu trong tâm hồn bạn đọc khi đằm mình vào từng trang viết là minh chứng sinh động, thuyết phục về một Chu Văn Sơn tài hoa, nhạy cảm, tinh tế - “người tình” thủy chung nhất mực của cái đẹp nơi trần thế. Nhưng thế đối cực ấy không triệt tiêu nhau, cạnh tranh nhau mà rất hòa thuận chung sống, hòa quyện vào nhau trong một bản thể, góp phần làm nên cái đẹp sinh động, hấp dẫn và thăm thẳm chiều kích.

Không tài hoa, tinh tế thì sao có thể đi đến tận cùng của cái đẹp và biểu đạt nó một cách ấn tượng, hấp dẫn như những bài tùy bút được tuyển chọn, giới thiệu trong “Tự tình cùng cái đẹp”. Không chỉ đơn thuần là xúc cảm trước những công trình kỳ vĩ, nổi tiếng trong nước và thế giới như: Angkor, Đà Lạt, Sơn Đoòng... mà Chu Văn Sơn đặc biệt nhạy cảm, ấn tượng với những cái đẹp bình dị, dễ bị lãng quên, trượt đi giữa cuộc sống đời thường như: “Ở Đầm Vạc, viết cho cò”, “Kiếp tượng nhà mồ”, “Viết cho rặng bằng lăng trước nhà”, “Phận hoa bên lề”... Quả thực, chẳng cần phải nói nhiều, chính sự sâu sắc trong cái nhìn, trong sự chiêm nghiệm, suy tưởng đã đủ làm nên sức hấp dẫn cho những trang tùy bút của Chu Văn Sơn. Cũng là con người, sự vật, hiện tượng ấy nhưng Chu Văn Sơn nhìn, cảm nhận thấy những điều mà nhiều người khác, dẫu đã gặp gỡ, đã đến và đi nhiều lần cũng khó lòng nhìn nhận ra được.

Cái đẹp trong cảm thức của Chu Văn Sơn cũng có nhiều nét riêng biệt. Ấy là cái đẹp của những đối cực. Ví như khi tác giả bàng hoàng trước vẻ đẹp nguy nga siêu việt của Angkor (Campuchia) vậy để rồi tinh tế nhận ra ở đó một “sự hài hòa kỳ dị của những cặp đối cực riêng chỉ xứ sở này mới có”. Đó là đối cực giữa “con người và thần linh”, “kỳ vĩ và tinh xảo”, “giáo gươm và điệu múa”, “đá và cây”, “khoảnh khắc và vĩnh cửu” (Angkor những đối cực của cái đẹp). Tất cả những đối cực ấy nói lên điều gì về Angkor và cả người đã dụng công viết nên bài tùy bút hay, hấp dẫn về nó? Ngay từ khi gặp gỡ cho đến khi hiện diện cùng nhau trên trang viết, Angkor và Chu Văn Sơn cũng chính là hai đối cực của cái đẹp đang song hành. Hay như khi ông viết “Kiếp tượng nhà mồ”, tính đối cực của cái đẹp vượt thoát ra khỏi thế giới thực tại mà đọng kết ở thế giới tâm linh, siêu hình. Đó là thế giới của sự sống và cái chết mà những bức tượng nhà mồ ấy là một ngôn ngữ - “ngôn ngữ của sự sống nói vọng sang cõi chết”.

Mà cũng chẳng riêng nơi nào, ở bất kỳ nơi đâu đặt chân đến, ông cũng luôn khao khát săn tìm cho được và luôn hòa mình vào cái đẹp được lắng nghe, thấu hiểu và chìm vào suy tưởng, từ đó lẩy lên cho được những hạt ngọc sáng lấp lánh, độc đáo, hấp dẫn. Thế nên, Đà Lạt được khắc họa trong tùy bút của Chu Văn Sơn vừa như quen đấy nhưng cũng mới lạ vô cùng - xứ ôn đới gần, một ôn đới nằm gọn trong vòng tay nhiệt đới, xứ tình yêu, chốn bình yên sâu khuất: “Tôi đồ rằng, do bất bình trước cái việc tạo hóa đã ném mình vào nắng nung khiến thân nhiệt lúc nào cũng nồng nã vã sáng, xứ nhiệt đới này đã gồng mình cướp lại bằng được một phần ôn đới rồi đem về cất giấu tận trên cao nguyên Di Linh làm của để dành. Vì thế mà có Đà Lạt” (Đà Lạt và tôi). Với hoa lau, người đời chỉ nhìn thấy nó, nghĩ về nó như loài hoa dại, có cũng được không có cũng chẳng sao. Nhưng Chu Văn Sơn gọi tên nó là phận hoa bên lề, phận hoa lưu đày, Chu Văn Sơn mang niềm cảm thương mà nhận thấy trong thân phận bọt bèo ấy những thiền ý sâu xa, minh triết: “Thiền ý về cái lẽ sắc không của tồn sinh. Không màu mè, không hình nét. Có sắc mà vô sắc. Là hoa mà như không phải hoa. Có mà như không có. Hoa lau nhắc ta nhiều nhất về sự chập chờn mong manh của phận người. Cũng là nhắc về cái bạc lý bạc nghĩa của sự tồn sinh” (Phận hoa bên lề).

Đọc tập tùy bút “Tự tình cùng cái đẹp”, độc giả không chỉ bị chinh phục bởi chiều sâu tư tưởng, sự tinh tế, sắc sảo của tác giả trong cách tiếp cận, nhìn nhận cái đẹp. Nét đẹp của văn phong, ngôn ngữ đã làm nên “thương hiệu” của tùy bút Chu Văn Sơn. Vẫn là sự khúc chiết, chỉn chu, chải chuốt câu, nắn nót chữ - nét mô phạm thường thấy nhưng với “Tự tình cùng cái đẹp”, người đọc như bị dẫn dụ, chiêu hồn, đằm sâu vào nét trầm mặc rất riêng, thoáng chút phong vị thiền và đậm tính triết lý. Vì “yêu quá đời này” nên sự yêu của Chu Văn Sơn bao giờ cũng đi liền với sự thương. Đừng nhầm lẫn đó là việc đương nhiên. Bởi lẽ, trên đời này, có nhiều người lao vào cuộc yêu mà chưa hẳn đã đủ thương. Yêu là cái ban đầu, thương là “cảnh giới” cao hơn cả yêu. Sau khi tình yêu trải qua, nếm đủ chiều kích, cung bậc cảm xúc mới chạm đến niềm thương. Thương nhiều nên trăn trở nhiều. Thương nhiều nên bao dung, rộng lượng. Thương nhiều nên nhìn xa hơn, trông rộng hơn, hiểu cặn kẽ hơn bản chất, tinh hoa của sự vật, hiện tượng. Dẫu đã vĩnh viễn rời xa “cõi tạm” nhưng những trang viết tài hoa của ông còn lại mãi với đời. Độc giả nhiều thế hệ vẫn mãi da diết nhớ thương Chu Văn Sơn - người tình thủy chung nhất mực, tri âm, tri kỷ của cái đẹp.

Nguyên Linh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoc-nghe-thuat/nguoi-tinh-thuy-chung-cua-cai-dep/19218.htm