Người tổ trưởng nguyện dẫn vốn cho người nghèo 'đến chết thì thôi'
Với một chiếc xe đạp cũ kỹ, một chiếc nón lá và một cuốn sổ ghi chép nợ vay của các hộ nghèo. Suốt 20 năm qua, ở thị trấn Trảng Bom (Đồng Nai) có một phụ nữ đã hỗ trợ cho hàng nghìn lượt hộ nghèo vay vốn chính sách. Dù đã đến tuổi 'thất thập cổ lai hy' nhưng bà vẫn nguyện làm 'cánh tay nối dài' cho ngân hàng để dẫn vốn ưu đãi đến người nghèo mà bà cho rằng công việc nghĩa tình này đã gắn bó với cuộc sống của mình như một định mệnh.
Những ngày này, nếu ai đi qua địa bàn thị trấn Trảng Bom, theo con đường nhựa ven Quốc lộ 1 dẫn vào Khu phố 5, gần trụ sở trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam phân hiệu Đồng Nai dễ dàng gặp một người phụ nữ, dáng nhỏ nhắn, trạc 70 tuổi nhưng còn rất khỏe khoắn và nhanh nhẹn.
Bà đạp một chiếc xe đạp cũ kỹ màu xanh, có chiếc giỏ màu đen phía trước, mang theo hồ sơ vay vốn của hàng trăm hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, sinh viên khó khăn… tại thị trấn Trảng Bom và nhiều giấy tờ khác. Có thể bà đang đi thu nợ cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Đồng Nai, hoặc đang đi quyên góp tiền làm từ thiện, cũng có khi bà đang đến thăm một gia đình khó khăn trên địa bàn bà phụ trách mà chưa tiếp cận được vốn vay để tìm cách tháo gỡ và bàn cách giúp đỡ.
Bà là Phạm Thị Mai – Tổ trưởng Khu phố 5 kiêm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của NHCSXH huyện Trảng Bom - một trong những “cán bộ tín dụng” gắn bó lâu đời nhất ở địa bàn, từ khi NHCSXH tỉnh Đồng Nai bắt đầu mở ra Phòng Giao dịch cấp huyện tại địa phương này.
“Tôi bán cơm mà, anh lo gì tôi đói!”
Theo lời kể của bà Mai, bà sinh ra và lớn lên ở Nam Định. Từ những năm trước ngày Thống nhất đất nước bà từng làm Bí thư xã đoàn, làm cán bộ cho Báo Nam Hà, rồi làm việc ở xí nghiệp dành cho cán bộ địa phương và bộ đội ra quân làm kinh tế mới tại huyện Mê Linh, Hà Nội.
Từ năm 1998, sau khi nghỉ hưu, do gia đình gặp nhiều biến cố khó khăn, đồng lương hưu ít ỏi không đủ xoay xở cuộc sống, bà phải “khăn gói” di cư vào Đồng Nai sống gần người em gái ruột tại thị trấn Trảng Bom để làm ăn và dành dụm tiền đóng học phí cho ba đứa con đang học lên Đại học.
Từ miền Bắc chuyển vào Nam, bà Mai mở ra một quán cơm bình dân gần cổng trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam để bán cho sinh viên trong trường và người lao động nghèo thuê trọ gần khu vực thị trấn Trảng Bom. Vốn tính nhanh nhẹn, tháo vát và có lòng trắc ẩn, thương yêu đùm bọc người nghèo, bà Mai được người dân quanh vùng, cả người dân bản địa và các gia đình thuê trọ, ngụ cư rất yêu quý và nể trọng. Chính quyền địa phương thấy bà có uy tín trong dân nên bầu làm Tổ trưởng Khu phố 5 và phụ trách giúp đỡ, hỗ trợ các hộ nghèo trên địa bàn Khu phố 4 và Khu phố 5. Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ thị trấn Trảng Bom cũng mời bà tham gia sinh hoạt để hỗ trợ hội viên nghèo cùng vượt khó, xây dựng kinh tế gia đình.
Thời điểm 2005-2006, NHCSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai bắt đầu mở rộng cho vay hộ nghèo ở khu vực Trảng Bom. Bà Mai được giới thiệu với Phòng Giao dịch cấp huyện tại đây để làm Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm Vay vốn Khu phố 4 và 5, phụ trách cho vay hơn 10 hộ nghèo tại địa bàn. Nhận thấy số gia đình nghèo trong khu vực còn nhiều mà nhiều hộ không đáp ứng được các điều kiện vay vốn, bà Mai bàn bạc với lãnh đạo địa phương và Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Trảng Bom mở rộng đối tượng cho vay đối với hộ cận nghèo và nhất là cho vay đối với sinh viên, học sinh để có tiền trang trải chi phí học tập.
Với sự cố gắng của bà Mai và sự giúp đỡ từ NHCSXH huyện Trảng Bom, trong vòng gần 2 năm, số hộ gia đình tiếp cận được nguồn vốn vay để xóa đói, giảm nghèo và số sinh viên được vay vốn để học tập tăng lên nhanh chóng. Ngoài 14 hộ nghèo ở hai khu phố, hàng trăm lượt sinh viên, học sinh đã tiếp cận được các khoản vay. Đến hiện nay nhiều người từ nguồn vốn vay NHCSXH đã học hành thành tài, có công việc ổn định, gia đình khá giả.
Bà Mai chia sẻ, thời điểm bà nhận làm Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm Vay vốn Khu phố 4 và 5 có một trường hợp vay hộ nghèo có hoàn cảnh vô cùng cá biệt và bất hạnh. Đó là hộ gia đình của chị Đỗ Thị Hoa. Chị và hai đứa con trời sinh đều bất hạnh mắc chứng thần kinh, “ngơ ngơ ngẩn ngẩn”. Trước đó, NHCSXH huyện Trảng Bom đã cho chồng chị Hoa vay vốn 5 triệu đồng để mua xe lôi, làm thuê làm mướn nuôi vợ con. Nhưng một thời gian sau, do không chịu nổi với tình cảnh bi đát của gia đình, anh chồng đã bỏ đi, phó mặc khoản nợ còn lại cả gốc và lãi là 1,48 triệu đồng quá hạn nhiều năm không có cách nào thu hồi được.
“Thời điểm đó, anh Lạc (Giám đốc NHCSXH huyện Trảng Bom – PV) có hỏi tôi: “Trường hợp này chị tính thế nào?”. Tôi bảo: “Tôi chỉ muốn xóa nợ, chứ ba mẹ con nhà nó ngẩn ngơ như thế làm gì ra tiền mà trả”. Rồi tôi bảo với anh Lạc: “Thôi cũng chỉ có gần triệu rưỡi bạc, anh xem ngân hàng ủng hộ được bao nhiêu, tôi về tôi xin thêm ở thị trấn nữa, còn lại bao nhiêu thì tôi chịu hết để xóa nợ cho ba mẹ con nhà nó” – bà Mai kể.
Nói là làm, sau khi NHCSXH huyện Trảng Bom hỗ trợ 300 nghìn đồng, bà Mai về thị trấn Trảng Bom cặm cụi làm đơn xin ủng hộ từ Hội Phụ nữ thị trấn được thêm 300 nghìn đồng nữa. Số còn lại (880 nghìn đồng) bà Mai bỏ tiền túi ra đắp vào để xóa nợ cho gia đình chị Hoa. Không những vậy, sau đó, bà còn trực tiếp lên Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Trảng Bom làm hồ sơ, xin trợ cấp khuyết tật bẩm sinh cho hai đứa con của chị Hoa, mỗi tháng được 600 nghìn đồng/người.
“Lúc đó, một triệu rưỡi cũng khá to chứ không phải ít như bây giờ. Nhưng tôi nghĩ cũng chả còn cách nào. Ngân hàng với bên Hội Phụ nữ ủng hộ 600 rồi, thôi thì mình “bớt ăn bớt tiêu” vài tháng, lấy tiền lương trả nợ cho mẹ con nhà nó, chứ để nợ quá hạn mãi, mẹ con nó cũng không trả được” – bà Mai vui vẻ kể. Với giọng điệu dí dỏm bà nói tiếp: “Tôi mang tiền lên trả cho ngân hàng xong, anh Lạc Giám đốc Ngân hàng còn hỏi tôi: “Lấy tiền nộp hết thế này rồi tháng này chị còn tiền mà ăn không?”. Tôi bảo: “Tôi bán quán cơm mà, anh lo gì tôi đói”.
Còn sức khỏe còn dẫn vốn đến người nghèo
Ở thị trấn Trảng Bom, nhắc đến “bà Mai Khu phố 5” cả lãnh đạo địa phương và hầu như tất cả người dân đều biết và kính trọng. Mặc dù năm nay bà đã bước sang tuổi 70, các con cái của bà đều đã trưởng thành, có gia đình riêng và kinh tế khá giả. Nhưng bà vẫn gắn bó với ngôi nhà cũ ở Khu phố 5, và tiếp tục làm “cán bộ dân vận” cùng lúc cho cả Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ và NHCSXH thị trấn Trảng Bom.
Trong câu chuyện làm Tổ trưởng Tổ Tổ Tiết kiệm Vay vốn của mình, bà Mai tâm sự rằng, cái tâm huyết và tự hào nhất của bà là đã thực hiện được nhiều việc có ích, giúp đỡ được nhiều người nghèo mà không hề tính toán.
Thời điểm những năm 2013-2014, với uy tín của bà ở thị trấn Trảng Bom, bà đã hỗ trợ NHCSXH tỉnh Đồng Nai thu hồi một số khoản nợ quá hạn do người vay tại NHCSXH tỉnh Thanh Hóa gặp khó khăn phải “trốn” vào Nam sinh sống.
“Lúc đó, tôi biết chỗ thuê trọ của chị kia. Thật ra nó cũng khó khăn quá mới phải bỏ vào đây làm công nhân. Nhưng tôi thuyết phục mãi, rồi nó cũng đồng ý trả nợ. Mỗi tuần tôi đều đến thăm hỏi, thu nợ. Dần dần nó cũng trả hết 40 triệu cho ngân hàng” - bà Mai kể lại.
Trong số nhiều hộ vay vốn NHCSXH huyện Trảng Bom, bà Mai cho biết đến hiện nay nhiều gia đình đã vượt qua khó, thoát nghèo và vươn lên làm ăn khá giả. Các dịp lễ tết, nhiều gia đình lúc trước có vay vốn cho con ăn học mua quà đến cảm ơn, lì xì tiền bạc cho bà. Tuy nhiên, bà chưa hề lấy của ai đồng nào cả.
“Nhiều gia đình tôi làm hồ sơ vay vốn học sinh sinh viên cho, khi con cái họ đậu vào Đại học hoặc ra trường, có công ăn việc làm, họ dẫn cả con cái đến biếu quà, biếu tiền. Tôi bảo: “Tôi không nhận đâu. Anh chị có tiền thì trả hết nợ cho ngân hàng, còn thừa thì gửi tiết kiệm để ngân hàng họ có vốn mà cho vay các hộ nghèo và học sinh, sinh viên khác” – bà Mai chia sẻ.
Đối với những hộ có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, bà Mai thường xuyên qua lại, quan tâm, tư vấn và hỗ trợ hồ sơ để vay vốn NHCSXH. Có những hộ gia đình như hộ gia đình chị Vũ Thị Xuân Dung (ngụ tại Khu phố 5) bà Mai là người gắn bó, kết nối để cho vay đến ba thế hệ, từ ông bà đến bố mẹ và các con cháu.
Bà Vũ Thị Xuân Dung cho rằng, đối với “cô Mai” cả gia đình bà nợ một ân tình mà không biết lúc nào mới trả được. Bởi từ những năm 2006-2007 gia đình nghèo, khó khăn bà Mai đã giúp đỡ hai vợ chồng vay vốn học sinh sinh viên, tạo điều kiện cho 4 đứa con của ông bà được ăn học đàng hoàng. Những năm sau đó, chồng bà Dung không may mắc bệnh ung thư. Hai đứa con đang học Đại học dang dở có nguy cơ phải nghỉ ngang. Lúc này bà Mai đã đứng ra vận động, quyên góp từ bà con trong trong thị trấn được hơn 100 triệu đồng để chồng bà trị bệnh, đồng thời tư vấn, làm hồ sơ để gia đình tiếp tục được vay vốn từ NHCSXH.
Khi các con bà Dung học xong Đại học, trả hết nợ cho ngân hàng và những đứa lớn đã lập gia đình riêng, bà Mai lại tiếp tục hỗ trợ cho gia đình vay vốn giải quyết việc làm. Đến hiện nay, cùng lúc nhà bà Dung tiếp cận 3-4 khoản vay từ NHCSXH huyện Trảng Bom cho cả ba thế hệ, bao gồm cho vay hộ nghèo, hộ khó khăn (ông bà), cho vay giải quyết việc làm (bố mẹ) và cho vay học sinh sinh viên (các cháu của bà Dung).
Ghi nhận những đóng góp của bà Mai đối với chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Nai, chị Phạm Thị Huệ Quyên, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Trảng Bom cho rằng, những người Tổ trưởng như “cô Mai” thực sự là những “viên ngọc quý” của NHCSXH. Bởi nếu không có những con người thật thà, tâm huyết, cần mẫn chịu khó, chịu học hỏi, vừa có uy tín trong cộng đồng lại vừa giàu lòng trắc ẩn, yêu thương người nghèo như cô Mai thì các chi nhánh, phòng giao dịch của NHCSXH tại các địa phương sẽ rất khó khăn để tiếp cận và chia sẻ nguồn vốn tín dụng đến các hộ gia đình, cá nhân yếu thế, bất hạnh trong xã hội.
Riêng đối với bà Phạm Thị Mai, với những thành tích và đóng góp cho việc phát triển tín dụng chính sách tại địa phương, NHCSXH tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần vinh danh là cá nhân tiêu biểu trong việc phát triển tín dụng học sinh sinh viên, tín dụng hộ nghèo tại địa bàn Trảng Bom. Tuy nhiên, không chỉ là là những giấy khen, bằng khen mang tính thành tích, đối với NHCSXH huyện Trảng Bom, bà Phạm Thị Mai được các thế hệ cán bộ lãnh đạo, người lao động và công nhân viên tại đơn vị xem như là một “bậc tiền bối”, “người cán bộ tín dụng già” có nhiều năm gắn bó với hành trình đưa vốn đến người nghèo ở phía Bắc tỉnh Đồng Nai.
Nhìn những cuốn sổ ghi chép nợ vay của bà Mai đến thời điểm hiện tại chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, vì dù đã bước sang tuổi 70, bà vẫn minh mẫn, tỉ mỉ ghi chép cụ thể từng trường hợp vay vốn, từng khoản trả nợ và gửi tiết kiệm. Một mình bà, với chiếc xe đạp và chiếc nón lá cũ, mỗi ngày đều dạo quanh các cung đường của thị trấn Trảng Bom, quản lý hàng trăm khoản vay nhỏ lẻ với tổng dư nợ trên 3 tỷ đồng. Ngoài cho vay, thu nợ hầu như tất cả các dịp lễ lạt như: tết Trung thu, tết thiếu nhi, tết Nguyên đán hàng năm bà đều làm “phái viên” cho NHCSXH, Hội Chữ thập đỏ, Hội phụ nữ tại địa phương đi quyên góp tiền bạc để hỗ trợ người nghèo, trẻ em nghèo. Khi chúng tôi hỏi: “Giờ cũng có tuổi rồi, cô đi nhiều như thế liệu có mệt quá không?”. Bà vừa cười vừa trả lời đầy ân tình và hiền hậu: “Trời mà cho còn sức khỏe thì tôi còn làm cho đoàn hội và ngân hàng đến lúc chết thì thôi. Hàng ngày đạp xe đi lại thế này cũng là một cách tập thể dục, tốt cho sức khỏe mà lại giúp được nhiều người thì không việc gì phải nghỉ”.