Người tổng chỉ huy công trình trùng tu Văn Miếu là ông Phạm Nhữ Dực
Qua thơ của Phạm Nhữ Dực, chúng ta biết ông từng được vua giao quản lý công việc đại trùng tu Văn Miếu Thăng Long. Nghĩa là, Phạm Nhữ Dực là Tổng chỉ huy công trình đại tu Văn Miếu Quốc Tử Giám Thăng Long. Đây có lẽ là thời điểm Phạm Nhữ Dực vừa đỗ Tiến sĩ, làm việc ở HÀN LÂM VIỆN. Vì thế, ông được giao chức này.
Ảnh do tác giả (ngoài cùng bên phải) cung cấp: Văn Miếu Nguyên Tiêu mấy năm trước.
Văn Miếu Thăng Long được xây dựng từ đời Lý. Đây là trường Đại học Quốc Gia lớn nhất và duy nhất ở nước ta ở đời Lý-Trần và cả thời kỳ phong kiến, quân chủ chuyên chế. Thời kỳ này, nước ta chưa có Văn Miếu ở các địa phương và khu vực, như Văn Miếu Mao Điền ở Hải Dương (Xây dựng ở thời Hậu Lê (Lê Sơ) và Văn Miếu Xích Đằng (Xây dựng năm 1701) ở Hưng Yên. Ở đây, Phạm Nhữ Dực có 2 bài thơ viết về công việc đại trùng tu Văn Miếu Thăng Long, sau nhiều thăng trầm biến thiên lịch sử, đã thành ra hoang phế.
Bài thơ GIỤC CHÂU ĐÔNG TRIỀU NỘP GỖ (Thôi Đông Triều Châu xuất mộc đầu), tác giả viết:
Nhà Văn Miếu ngạo nghễ cao vút trong sương mai,
Nhưng bốn phía hành lang vẫn hoang tàn như cũ.
Và ông đã thẳng thắn khiển trách Châu Đông Triều, rằng các địa phương khác đã nộp đủ rồi, “Tại sao châu Đông Triều này vẫn để thiếu như thế”? Vậy, Phạm tiên sinh đã thay mặt triều đình khiển khách quan chức châu Đông Triều chưa hoàn thành tốt chức phận nộp gỗ quý đúng quy định.
Bài thứ 2 là bài TẠ HOA CHỈ HUY TỐNG THỦ ĐẦU THÔNG TÍCH (Tạ ơn quan Chỉ Huy họ Hoa cho đầu thú và ngói úp nóc). Đây là ông quan võ, họ Hoa, giữ chức Chỉ Huy (sứ), một chức quan võ cao cấp ở đời Trần. Có lẽ, do có nhiều công tích, cho nên ông tướng họ Hoa được triều đình ban thưởng nhiều tiền bạc. Ông dùng số tiền này cung tiến vào việc trùng tu Văn Miếu. Cụ thể là ông cung tiến đầu linh thú bằng gốm sứ và cả ngói úp nóc cho nhà Thái Học ở Văn Miếu. Quả là một cách hành xử rất đáng khen.
Mở đầu, tác giả ngợi khen “Đức giáo hóa lừng lẫy khắp nơi xa gần” của ông quan võ họ Hoa. Cũng nhờ sự nhiệt tâm của ông quan họ Hoa một phần, mà “Trước mắt, nhà Văn Miếu trở nên nguy nga”
Kìa như:
Trên ngọn rừng Nho, đầu rồng cao bổng,
Sóng dòng Phán Thủy, ngói uyên sa in.
Ở đây, tác giả tả ngôi nhà thờ ở Văn Miếu thật nguy nga tráng lệ. Đầu rồng trên ngọn rừng Nho ngạo nghễ cao vút. Mái ngói uyên sa lợp dày, hàng hàng nối nhau như muôn đợt sóng dập dờn trên dòng sông Phán Thủy. Thế là sao? Chả là, ở đời nhà Chu, có trường Bích Ung (như trường Quốc Tử Giám về sau). Bên trường Bích Ung có dòng sông Phán (Phán Thủy). Dùng điển này, tác giả nói về Văn Miếu-Quốc Tử Giám ở nước ta đấy.
Quả là một so sánh rất tuyệt vời, vừa hợp với không gian văn hóa, lịch sử của đạo Nho, vừa trang nhã về kiến trúc. Hình ảnh này, chỉ có ở Văn Miếu Thăng Long sau khi đã được trùng tu mà thôi.
Xem kỹ hai bài thơ viết về Văn Miếu của Phạm Nhữ Dực, đủ thấy vị thế và tài năng văn chương của ông như thế nào rồi.
Sách THƠ VĂN LÝ TRẦN nói rằng Phạm Nhữ Dực sống cùng thời với Nguyễn Phi Khanh. Nếu vậy, có thể Phạm Nhữ Dực đỗ Tiến sĩ năm Long Khánh thứ 2 (1374), đời vua Trần Duệ Tông. Nếu vậy, Phạm Nhữ Dực đi sử cùng Phạm Nhân Khanh và Đào Sư Tích. Bạn rất thân của Phạm Nhữ Dực là ông Tri Phủ Tuyên Hóa Đào Sư Tích đỗ Trạng Nguyên khoa này.
Phạm Tiên sinh nói rằng ông từng làm quan trải ba đời vua. Có thể là các đời vua cuối đời Trần hay chăng? Hình như ông không làm quan cho nhà Hồ, mà chỉ làm nghề dậy học. Bạn ông là Phạm Nhân Khanh thì giả điếc trốn vào trong núi. Một người bạn khác rất thân là ông Tiến sĩ Lý Tử Cấu cũng bỏ đi, giang hồ nay đây mai đó. Ông không chịu hợp tác với giặc Minh.
Được biết, Phạm Nhữ Dực quê làng Đa Dực, huyện Phụ Dực, tỉnh Thái Bình. Các quan chức tỉnh Thái Bình liệu có biết danh nhân Phạm Nhữ Dực hay chăng?
Rất mong các cơ quan quản lý văn hóa và lịch sử tìm kiếm trong kho Hán Nôm, để minh định hành trạng của một danh nhân văn hóa nước Đại Việt.
V.B.L