Người trẻ cần lưu ý gì để hồ sơ xin việc lọt mắt nhà tuyển dụng?
Tại tọa đàm 'Nâng cao năng lực thanh niên, sinh viên tiếp cận việc làm trong bối cảnh hậu COVID-19', nhiều ý kiến bày tỏ cần chuẩn bị tốt từ vòng hồ sơ xin việc. Tuy nhiên, cần phải thay đơn xin việc bằng thư ứng tuyển vì quan hệ tương tác hai bên cần nhau, chứ không phải là xin và cho.
Ngày 7/6, tại Trường ĐH Thủy Lợi (Hà Nội) diễn ra tọa đàm “Nâng cao năng lực thanh niên, sinh viên tiếp cận việc làm trong bối cảnh hậu COVID-19”.
Chương trình do Trung tâm Tình yêu, Hôn nhân, Gia đình (trực thuộc T.Ư Hội LHTN Việt Nam) phối hợp Viện Tư vấn và Phát triển kinh tế xã hội nông thôn miền núi, ĐH Thủy Lợi tổ chức.
Anh Trần Linh Sơn, Giám đốc Trung tâm Tình yêu, Hôn nhân, Gia đình cho biết, vấn đề việc làm hậu COVID-19 đang là mối quan tâm hiện nay của rất nhiều công ty, tổ chức và người lao động. Theo dự đoán trong 10 năm tới, việc làm trong một số ngành nghề có thể sẽ tăng lên đáng kể, nhưng các kỹ năng mà người lao động cần có cũng sẽ khác nhiều trong 10 năm tới.
Tọa đàm được tổ chức nhằm hỗ trợ thanh niên, sinh viên có thêm kiến thức và kỹ năng để nâng cao hiệu quả công việc, thích ứng với xu hướng việc làm trong tương lai, người lao động cũng cần phải trau dồi các kỹ năng và học tập không ngừng nghỉ mới có thể đáp ứng được sự thay đổi.
“Thông qua chương trình, ban tổ chức mong muốn các bạn thanh niên, sinh viên sẽ có cái nhìn mới hơn về xu hướng nghề trong tương lai, từ đó sẽ có những quyết định đúng đắn hơn trong lựa chọn nghề”, anh Sơn chia sẻ.
Ông Nguyễn Trung Việt, Phó hiệu trưởng ĐH Thủy Lợi cho biết, ĐH Thủy Lợi đã có nhiều thay đổi trong đào tạo để sinh viên thích ứng nhanh với thị trường lao động. Trường đã quan tâm tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên trong suốt nhiều năm qua và đưa các môn học kỹ năng thành môn học sâu vào chương trình đào tạo, cũng như tăng thời lượng làm đồ án tốt nghiệp.
“Đặc biệt, trường đã đưa môn khởi nghiệp sáng tạo vào chương trình đào tạo, là môn bắt buộc với khối ngành kinh tế và công nghệ thông tin. Sắp tới, môn học này sẽ là môn bắt buộc với tất cả các ngành vì đây là môn học rất quan trọng. Mục tiêu học không phải để xin việc mà học để khởi nghiệp, để tạo việc làm cho người khác”, ông Việt nói.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đã trao đổi kinh nghiệm hữu ích cho sinh viên khi tìm ứng tuyển.
Ông Đào Ngọc Linh (Phó viện trưởng Viện tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn - miền núi) cho rằng, ngay từ vòng hồ sơ xin việc cần phải chuẩn bị tốt thì mới có cơ hội vào các vòng tiếp theo. Trong đó, phải có thư ứng tuyển, thay cho đơn xin việc.
“Tôi không muốn dùng đơn xin việc vì đây là quan hệ tương tác hai bên cần nhau, chứ không phải là xin và cho. Các bạn cần việc nhưng các nhà tuyển dụng cũng cần các bạn vì họ cần người làm”, ông Ninh nói.
Ông Ninh chia sẻ kỹ năng thể hiện để hồ sơ không bị gạt sang một bên như: thư ứng tuyển không quá 1 trang A4, khoảng 350 từ; CV cần thể hiện các thông tin về bản thân, trong đó phần kinh nghiệm công việc là phần quan trọng nhất, hấp dẫn nhà tuyển dụng.
Ông Trần Tiến Đạt chia sẻ kinh nghiệm khi khởi nghiệp và xin việc.
Ông Trần Tiến Đạt (Tổng giám đốc Học viện thông tin quốc tế hàng không Skyleadcho) cho rằng những giá trị bất biến mà người tuyển dụng luôn cần là sự chuyên nghiệp của người lao động.
Trong đó, có 3 yếu tố mà người lao động cần có, gồm: Sự chính trực (biết nhận trách nhiệm); sự cam kết (hàn thành công việc hoàn hảo nhất); sự kiên nhẫn (không tự mãn với bản thân, luôn kiên trì học hỏi).