Người trẻ chủ quan trước nguy cơ đột quỵ

Trong vài năm gần đây, tỷ lệ người trẻ từ 45 tuổi trở xuống đột quỵ có xu hướng tăng hơn, chiếm khoảng 15% trên tổng số ca mà các bệnh viện tiếp nhận điều trị.

Điều trị cho bệnh nhân mắc đột quỵ. Ảnh: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Điều trị cho bệnh nhân mắc đột quỵ. Ảnh: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Theo thống kê từ Trung tâm Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai, trung bình một ngày Trung tâm tiếp nhận 50 - 60 ca đột quỵ nặng và phức tạp từ bệnh viện vệ tinh chuyển đến do tuyến cơ sở vượt quá khả năng điều trị, tiên lượng khó khăn. Trong đó, đáng lưu ý, đột quỵ ở người trẻ (từ 45 tuổi trở xuống) có xu hướng tăng hơn trong vài năm gần đây, chiếm khoảng 15% trên tổng số ca mà Trung tâm tiếp nhận.

BSCKII Nguyễn Tiến Dũng - Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ nặng và trẻ hóa có xu hướng tăng hơn trong thời gian gần đây. Có tới 70% bệnh nhân sau đột quỵ bị ảnh hưởng sức lao động. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng may mắn đến viện vào giờ vàng cấp cứu. Mới đây, có trường hợp trẻ tuổi, có tiền sử cao huyết áp nhiều năm, nhưng không điều trị, không uống thuốc vì cảm thấy người hoàn toàn bình thường. Tới khi bệnh nhân đột quỵ vào cấp cứu thì quá muộn, bệnh nhân phải thở máy, liệt nửa người khó hồi phục.

Theo BS Dũng, đáng chú ý gần đây Trung tâm đã tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ còn rất trẻ, chỉ 15 - 16 tuổi, thậm chí có trường hợp 6 tuổi đã mắc đột quỵ. Bệnh nhân này được vào cấp cứu trong tình trạng chảy máu não do dị dạng mạch thông động tĩnh mạch não. Sau khi được cấp cứu ổn định, đã được chuyển sang hồi sức Nhi.

BS Phạm Văn Cường – Khoa Can thiệp mạch thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng cho hay, hiện nay số lượng người bị đột quỵ ngày càng gia tăng, đáng nói là số người trẻ tuổi mắc bệnh chiếm tỷ lệ không hề nhỏ. Nhiều người vẫn nghĩ đột quỵ là căn bệnh ở người già trên 60 tuổi, nhưng thực tế thời gian gần đây số người trẻ nhập viện vì đột quỵ ngày càng tăng. Tại Khoa Can thiệp mạch thần kinh, số bệnh nhân trẻ chiếm khoảng 20 - 30% (bệnh nhân dưới 50 tuổi), có những bệnh nhân 12 tuổi đã nhập viện vì đột quỵ do dị dạng mạch máu não.

BS Cường, với đột quỵ não có 2 nhóm nguyên nhân chính, thứ nhất là những yếu tố nguy cơ không thay đổi được đó là bệnh lý tim mạch, tiểu đường, huyết áp, rối loạn chuyển hóa. Thứ hai là nhóm có thể thay đổi được đó là liên quan đến lối sống, cách sinh hoạt như hút thuốc, uống rượu, ăn quá nhiều chất béo, đồ ăn nhanh, thức khuya, lười vận động. Nhóm này các bạn trẻ mắc rất nhiều, do vậy cần phải thay đổi để phòng tránh đột quỵ não nói riêng và các bệnh lý khác nói chung.

Cùng đó, người trẻ thường chủ quan hoặc rất ít theo dõi chỉ số huyết áp, nghĩ rằng còn trẻ sức chịu đựng tốt. Đặc biệt, nhiều người nghĩ mình còn trẻ, khỏe nên không khám sức khỏe, chỉ tới khi đột quỵ vào viện mới phát hiện mình mắc các bệnh nền huyết áp, tim mạch… Những bệnh nền này không được phát hiện sớm, thăm khám và điều trị đúng, đến lúc nào đó bùng phát, kết hợp với các yếu tố khác sẽ dẫn tới đột quỵ. Bên cạnh đó, hiện có rất nhiều những quan điểm chưa đúng về đột quỵ, từ đó dẫn đến người bệnh mất cơ hội vàng điều trị và hệ lụy để lại là vô cùng nặng nề, thậm chí là tử vong.

Ghi nhận thực tế điều trị cho thấy, đột quỵ có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi hay đối tượng nào. Tuy nhiên, 80% các ca đột quỵ có thể phòng ngừa được thông qua việc chủ động tầm soát đột quỵ từ sớm. Theo các chuyên gia, khung “giờ vàng” trong đột quỵ thường được hiểu là thời gian để thực hiện tái thông cho các trường hợp nhồi máu não kể từ khi bệnh nhân khởi phát đột quỵ.

Theo các bác sĩ, khi người bệnh xuất hiệu các dấu hiệu đột quỵ, tuyệt đối không tự ý cho người bệnh đột quỵ sử dụng thuốc hạ huyết áp tại nhà; không thực hiện trói tay, chân hoặc sử dụng ngáng miệng người bệnh khi bị co giật; không cạo gió và đặc biệt không được dùng các biện pháp dân gian như chích máu, ấn nhân trung, xoa dầu, bóp cao không được uống bất cứ thuốc gì, kể cả nước vì nguy cơ cao bị sặc, gây nghẹt đường thở.

Khi xuất hiện bất kỳ các triệu chứng đột quỵ một cách đột ngột hãy nhanh chóng gọi cấp cứu, đưa bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất. Người bệnh được đưa đến cấp cứu đột quỵ trong “giờ vàng”, tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng các kỹ thuật hiệu quả, hiện đại, gồm: Dùng thuốc tiêu sợi huyết bằng đường tĩnh mạch, can thiệp mạch lấy huyết khối, nút tắc mạch máu não bị vỡ, phẫu thuật.

Thời gian vàng cho cấp cứu điều trị đột quỵ là nằm trong khoảng từ 3 - 4,5 tiếng kể từ khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Các dấu hiệu cảnh báo sớm đột quỵ bao gồm yếu liệt chi, nói đớ, nói ngọng, khó nói, méo miệng, lệch một bên mặt, đau đầu, choáng váng. Người nhà cần ghi nhớ thời điểm này để thông tin cho bác sĩ.

An Thái

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nguoi-tre-chu-quan-truoc-nguy-co-dot-quy-10286909.html