Người trẻ Đức đọc nhiều hơn nhưng mua ít sách hơn

Kết quả một nghiên cứu mới cho thấy giới trẻ Đức đọc nhiều hơn nhưng mua ít sách hơn, một phần do giá cả tăng cao, theo Publishing Perspectives.

Công ty nghiên cứu thị trường lớn nhất nước Đức GfK, Börsenverein des Deutschen Buchhandels (Hiệp hội các nhà xuất bản và bán sách của Đức), với sự hỗ trợ của Arbeitsgemeinschaft von Jugendbuchverlagen (AVJ - Hiệp hội các nhà xuất bản sách dành cho người lớn trẻ Đức), đã xem xét ý kiến đóng góp từ độc giả trẻ trong độ tuổi 10-29 và các bậc cha mẹ từ 30 tuổi trở lên về sự quan tâm tới sách của con cái họ.

 Giá sách tại Đức cũng đang tăng giống với một số thị trường trên thế giới. Ảnh: Publishing Perspectives.

Giá sách tại Đức cũng đang tăng giống với một số thị trường trên thế giới. Ảnh: Publishing Perspectives.

Một số kết quả đáng chú ý từ báo cáo này là: Từ năm 2019-2023, chi tiêu cho sách dành cho trẻ em và thanh thiếu niên ở Đức đã tăng 7,4% lên 672 triệu euro (728 triệu USD). Chi phí trung bình độc giả dành cho sách thể loại này cũng tăng 22,8%, từ 9,4 euro (10,19 USD)/cuốn lên 11,53 euro (12,5 USD)/cuốn. Đây là một dấu hiệu cho thấy xu hướng tăng giá sách ở Đức cũng tương đồng với một số thị trường trên thế giới.

Ảnh hưởng từ gia đình và trường học đến giới trẻ

Tuy nhiên, trong cùng kỳ, doanh thu từ sách bán cho trẻ em và thanh thiếu niên đã giảm từ 66,6 triệu euro (72,17 triệu USD) xuống 58,3 triệu euro (63,18 triệu USD), tương đương 12,6%.

Khi giá sách tăng lên, số lượng người mua sách dành cho trẻ em và thanh thiếu niên giảm 1,5% từ 11,7 xuống 11,5 triệu người. Số lượng ấn bản mỗi người mua cũng giảm nhẹ từ 5,7 xuống 5,1 cuốn/người.

Một nghiên cứu khác tập trung vào nhóm khách hàng 19 tuổi cho thấy mức chi tiêu của họ và của những lứa tuổi khác dành cho họ đã tăng khoảng 32% từ năm 2019 - 2023, từ 601 triệu euro (651 triệu USD) lên 793 triệu euro (859 triệu USD).

“Gia đình và trường học có ảnh hưởng lớn nhất đến việc tự đọc sách của giới trẻ. Tuy nhiên, đang có nhiều dấu hiệu mới. Trong khi thói quen đọc cho cha mẹ hoặc ông bà nghe là một nguồn cảm hứng cho 77% giới trẻ, từ 20 đến 29 tuổi, tiếp cận với sách, thì con số này chỉ là 67% đối với độc giả 10-15 tuổi. Đối với lứa tuổi này, trong khi ảnh hưởng từ gia đình giảm đi, thì ảnh hưởng từ trường học lại tăng lên. Có đến 70% trẻ 10-15 tuổi được truyền cảm hứng từ việc đọc sách ở trường”.

Về định dạng sách, sách in cho đến nay vẫn là hình thức phổ biến nhất ở mọi lứa tuổi, bất kể họ tự đọc hay được đọc cho nghe. Khoảng 97% người trẻ từ 10-19 tuổi và 96% người trẻ từ 20-29 tuổi cho biết họ đọc sách in, trong khi 97% phụ huynh cho biết họ cũng chủ yếu để con nhỏ tiếp cận sách giấy. Sách điện tử và sách nói cũng được sử dụng nhưng có sự khác biệt rõ ràng hơn giữa các nhóm tuổi.

Đọc sách bằng ngôn ngữ gốc

Khoảng 14% độc giả từ 10-15 tuổi chia sẻ với các nhà nghiên cứu rằng họ thường xuyên đọc các tác phẩm bằng ngôn ngữ gốc. Con số này thậm chí còn cao gấp đôi đối với nhóm 16-19 tuổi, ở mức 30%. Những lý do chính là để cải thiện kỹ năng ngôn ngữ (82%) và để hiểu được những câu chuyện cười, cách chơi chữ hoặc nhiều nội dung khác, những điều thường bị thay đổi trong quá trình dịch thuật (73%).

Có một lý do khác nữa là toàn bộ 41% thanh thiếu niên từ 16-19 tuổi đọc sách gốc vì tác phẩm đó chưa được chuyển ngữ sang các thứ tiếng khác.

Với đối tượng từ 20-29 tuổi, khoảng 1/5 (18%) cho biết họ cũng thường xuyên đọc bản gốc và 14% phụ huynh Đức cho biết họ rất thường xuyên đọc to cho con nghe sách bằng ngôn ngữ gốc nước ngoài.

Những số liệu này là tín hiệu tốt đối với các chuyên gia xuất bản của Đức, những người trước đây bày tỏ lo ngại về các kết quả khảo sát tiêu cực trong nhiều năm về kỹ năng đọc của công dân trẻ.

Tổng giám đốc Börsenverein Peter Kraus vom Cleff đã chia sẻ: “Sách rất quan trọng đối với giới trẻ. Sách vẫn được coi là nguồn thông tin đáng tin cậy và có uy tín, dù lượng thông tin có sẵn trực tuyến hiện cũng rất lớn”.

“Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy rõ cần phải hành động: Việc giới trẻ ngày nay bắt đầu đọc sách muộn hơn cho thấy chúng ta cần những chiến lược mạnh mẽ để thúc đẩy việc đọc sách. Ngoài ra, cần có một chiến lược chính trị tổng thể. Trong bối cảnh các hiệu sách vẫn là điểm đầu tiên độc giả trẻ và phụ huynh tiếp cận khi có sách mới, nên các chính quyền thành phố cũng phải tập trung vào việc hồi sinh hiệu sách ở các khu vực nội thành”, ông Cleff cho hay.

Ông Bernd Herzog, đại diện nhà xuất bản Cheek, cũng nhận định: “Cách người trẻ nhận thức về nội dung thông tin và sách đang thay đổi. Các nhà xuất bản và ngành kinh doanh sách cũng đang tìm cách thích ứng với những phát triển này”.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguoi-tre-duc-doc-nhieu-hon-nhung-mua-it-sach-hon-post1467541.html