Người trẻ giữ hồn Tết cổ truyền

Tết Nguyên đán chứa đựng những giá trị văn hóa tốt đẹp mà ông cha ta đã vun đắp, gìn giữ và trao truyền qua các thế hệ. Ngày nay, nhiều bạn trẻ ở Hải Dương vẫn giữ được nét đẹp bản sắc của ngày Tết truyền thống bên cạnh những cách thức đón Tết hiện đại.

Dù cuộc sống có nhiều thay đổi nhưng nét văn hóa cổ truyền của dân tộc trong dịp Tết vẫn được nhiều bạn trẻ gìn giữ, lưu truyền

Nhiều bạn trẻ hiện vẫn giữ được nét đẹp bản sắc của ngày Tết truyền thống

Nhiều bạn trẻ hiện vẫn giữ được nét đẹp bản sắc của ngày Tết truyền thống

Nét đẹp truyền thống

Tết năm nào, anh Đặng Bá Minh Công (sinh năm 1998, ở TP Hải Dương) cũng dành riêng thời gian đi chùa vào ngày đầu xuân để cầu mong một năm mới bình an. Ngoài ra, anh vẫn giữ nét đẹp “mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy” để chúc Tết ông bà, người thân, thầy cô, bạn bè một năm mới an khang, thịnh vượng.

Mặc áo dài, đi lễ chùa vào ngày đầu xuân là nét đẹp được anh Công duy trì nhiều năm

Mặc áo dài, đi lễ chùa vào ngày đầu xuân là nét đẹp được anh Công duy trì nhiều năm

Và một nét đẹp anh không thể quên trong ngày Tết là mặc áo dài - trang phục truyền thống của dân tộc.

“Sau một năm vất vả, những ngày Tết là dịp mọi người hỏi thăm nhau, chúc mừng những điều tốt đẹp", anh Công nói. Anh muốn góp phần phát huy truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, truyền lửa cho mọi người về tình yêu quê hương, đất nước, để thêm tự hào về những phong tục, nét đẹp Tết xưa.

Anh Công muốn góp phần phát huy truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc

Anh Công muốn góp phần phát huy truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc

Còn anh Trương Tuấn Vinh (sinh năm 2004, ở huyện Tứ Kỳ) thấy hạnh phúc, ấm áp hơn khi được cùng gia đình gói bánh chưng, quây quần bên bếp lửa trong tiết trời giá lạnh của những ngày giáp Tết.

Mỗi dịp Tết đến, anh Vinh thường gói từ 100-200 chiếc bánh chưng

Mỗi dịp Tết đến, anh Vinh thường gói từ 100-200 chiếc bánh chưng

Từ những ngày còn là học sinh cấp 2, anh Vinh đã biết gói bánh chưng nhờ có ông nội hướng dẫn. Không chỉ cùng gia đình gói bánh, anh còn tham gia gói ở Câu lạc bộ Kết nối trái tim (xã Quang Trung, Tứ Kỳ) và tại hội thi của trường.

Thịt được ướp cẩn thận với tiêu và một chút gia vị, đỗ xanh được đồ chín giã nhuyễn cùng tiêu cho dậy mùi

Thịt được ướp cẩn thận với tiêu và một chút gia vị, đỗ xanh được đồ chín giã nhuyễn cùng tiêu cho dậy mùi

“Mỗi năm tôi gói từ 100-200 chiếc bánh chưng vào dịp Tết”, anh Vinh kể. Bắt đầu từ khâu cắt, rửa lá dong đến khi vớt bánh, anh đều có thể làm.

Là một bạn trẻ nhưng với kinh nghiệm gói bánh đã nhiều năm, anh Vinh định lượng mỗi chiếc bánh chưng gồm 0,3 kg gạo nếp, 0,1 kg thịt và 0,1 kg đỗ xanh. Anh thường gói bánh khuôn để chiếc bánh được vuông vức. Anh Vinh chia sẻ bí quyết để có được những chiếc bánh chưng ngon thì ướp thịt cẩn thận với tiêu và một chút gia vị, đỗ xanh được đồ chín, giã nhuyễn cùng tiêu cho dậy mùi.

Trường Đại học Thành Đông vừa tổ chức Hội thi gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả ngày Tết

Trường Đại học Thành Đông vừa tổ chức Hội thi gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả ngày Tết

Và để đem những nét văn hóa cổ truyền ngày Tết đến gần hơn với các sinh viên, Trường Đại học Thành Đông vừa tổ chức Hội thi gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả ngày Tết. Ngay từ sáng sớm, các đội thi đến từ các khoa đã chuẩn bị sẵn sàng nguyên liệu đến trường. Các bạn nam phụ trách gói bánh, các bạn nữ khéo tay trang trí mâm ngũ quả, điểm thêm cành đào nhỏ xinh. Không khí Tết dường như đang đến rất gần trong mỗi sinh viên.

Làm mới Tết

Từ những trang phục áo dài truyền thống, nhiều bạn trẻ có những cách sáng tạo, bắt "trend"

Từ những trang phục áo dài truyền thống, nhiều bạn trẻ có những cách sáng tạo, bắt "trend"

Tết là khoảng thời gian người trẻ được “xả hơi” sau một năm dài bận rộn. Với cá tính năng động, không ngừng tiếp cận những xu hướng mới nhất, giới trẻ luôn có những cách riêng để tạo nên dấu ấn ngày Tết. Các bạn trẻ “khoe” rất nhiều những bức ảnh "sống ảo" trên mạng xã hội dịp đầu xuân mới.

Năm nay, cùng với sự nở rộ của phong trào chụp ảnh cổ phục, trang phục truyền thống, những chiếc áo dài, áo tấc đã được hồi sinh mạnh mẽ mang đậm dấu ấn thuần Việt.

Anh Nguyễn Quang Tùng, thợ ảnh ở huyện Ninh Giang cho biết: “Chụp áo dài Tết đã có nhiều năm nhưng năm nay các bạn trẻ có xu hướng chụp theo phong cách truyền thống, thập niên 80, 90 kèm theo phụ kiện như khăn, kính”.

Để lưu giữ kỷ niệm ngày Tết cùng bạn bè, chị Phạm Thị Thùy Linh (sinh năm 2006, ở TP Hải Dương) đã cùng các bạn đến Bảo tàng Hải Dương để chụp ảnh. Nhóm bạn 6 người cùng thuê áo dài, đi trải nghiệm, chụp ảnh tại các không gian ở bảo tàng.

Nhóm của chị Linh cũng tranh thủ đi trải nghiệm, chụp ảnh tại bảo tàng, quay "trend" TikTok

Nhóm của chị Linh cũng tranh thủ đi trải nghiệm, chụp ảnh tại bảo tàng, quay "trend" TikTok

Ngoài ra, các bạn có sáng tạo quay clip với những bản nhạc Tết “hot trend” trên TikTok. Đây vừa là cách để gắn kết các bạn, vừa để quảng bá hình ảnh Hải Dương khi những clip này được lan tỏa trên mạng xã hội.

Chị Thùy Linh cùng các bạn rủ nhau quay trend TikTok dịp Tết tại Bảo tàng Hải Dương

“Chúng tôi muốn chụp bộ ảnh Tết theo hướng hoài niệm tại không gian xưa cũ. Khi đến Bảo tàng Hải Dương, chúng tôi còn được xem các bạn nhỏ trải nghiệm gói bánh chưng, kéo co nên không khí Tết rộn ràng lắm rồi”, Thùy Linh chia sẻ.

Nếu như Tết cổ truyền mang lại sự ấm áp và quen thuộc với mâm cơm, bánh chưng hay lì xì, bánh mứt thì nhiều bạn trẻ hiện nay đón Tết thú vị hơn, đưa những nét đẹp truyền thống sinh động hơn trên mạng xã hội.

Bảo tàng tỉnh Hải Dương năm nay có nhiều không gian Tết Việt sáng tạo

Bảo tàng tỉnh Hải Dương năm nay có nhiều không gian Tết Việt sáng tạo

Bằng những sáng tạo của của mình, thế hệ trẻ đang tìm cách làm mới những giá trị truyền thống. Những phong tục như đi chùa đầu xuân, cúng bái tổ tiên, dọn dẹp nhà cửa… vẫn được duy trì và làm mới bằng cách livestream, chụp ảnh hay quay video. Điều quan trọng là vẫn giữ được cái hồn của Tết.

“Mình thấy vui vì có thể sáng tạo ra một cái Tết vừa truyền thống mà lại vừa tươi mới”, Thùy Linh nói.

Trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, Tết Nguyên đán luôn là khoảng thời gian được trông đợi nhất trong năm, là dịp để gia đình đoàn tụ, hân hoan đón chào xuân mới bên những người thân yêu. Dù cuộc sống có nhiều thay đổi, nhưng nét văn hóa cổ truyền của dân tộc trong dịp Tết vẫn được gìn giữ, lưu truyền trong mỗi gia đình.

MỘC MIÊN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nguoi-tre-giu-hon-tet-co-truyen-403148.html