Người trẻ học âm nhạc cổ điển

Nói đến âm nhạc, nhiều người sẽ coi đó như là một sở thích thay vì lựa chọn coi nó như một ngành học. Thế nhưng, trên thực tế, vẫn không ít bạn trẻ quyết định chọn con đường đào tạo nghệ thuật chính quy, đặc biệt là với dòng nhạc cổ điển hàn lâm.

Ảnh minh họa (nguồn Anne Ryan).

Ảnh minh họa (nguồn Anne Ryan).

Đối với giới trẻ hiện tại, dòng nhạc cổ điển hàn lâm có lẽ là khái niệm vừa quen thuộc vừa xa lạ. Quen là bởi dòng nhạc này vốn là nguồn gốc của mọi dòng nhạc hiện đại ngày nay, mà lạ là vì các bạn trẻ sẽ chuộng các thể loại nhạc phổ biến hơn như Pop, EDM, Ballad,.. Tuy vậy, vẫn có những nghệ sỹ trẻ tuổi lựa chọn đi trên con đường đào tạo nhạc cổ điển chính quy, một dòng nhạc mang tính hàn lâm cao.

“Người có tình rồi sẽ về bên nhau”

Từng có ý định trở thành một bác sỹ, cũng như là thành viên của đội tuyển Hóa học ở trường THCS được đi thi các cuộc thi Hóa học do Quận hay Thành phố tổ chức, Đặng Khánh (18 tuổi) quyết định rẽ sang hẳn con đường âm nhạc chuyên nghiệp.

Đặng Khánh vừa tốt nghiệp hệ Trung cấp chuyên ngành Piano, đồng thời là thủ khoa tốt nghiệp trong năm vừa rồi với điểm 10 tuyệt đối, được xét tốt nghiệp Trung cấp loại xuất sắc, và sau đó được tuyển thẳng vào hệ Đại học ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Được tiếp xúc với đàn piano từ năm lên bốn tuổi, nhưng đến năm mười bốn tuổi, Đặng Khánh mới theo đuổi âm nhạc nghiêm túc, và bắt đầu học tại trường với Th.S Phan Diệu Linh.

“Mình chọn đi theo con đường âm nhạc bởi vì không chỉ mình có đam mê với nó, mà mình còn tự tin vào khả năng của bản thân rằng mình có thể trở thành một người giỏi trong lĩnh vực này”. Bản thân chàng trai trẻ tự nhận “rất may mắn” khi được gia đình tạo điều kiện để định hướng nghề nghiệp từ rất sớm.

Cùng với việc theo học tại Nhạc viện, Đặng Khánh thường xuyên tham gia các cuộc thi piano cả trong nước và quốc tế, giành được nhiều giải thưởng lớn nhỏ, nổi bật nhất là huy chương Bạc ở Rising Star Piano Competition năm 2022.

Cùng với việc theo học tại Nhạc viện, Đặng Khánh thường xuyên tham gia các cuộc thi piano cả trong nước và quốc tế, giành được nhiều giải thưởng lớn nhỏ, nổi bật nhất là huy chương Bạc ở Rising Star Piano Competition năm 2022.

“Dòng nhạc chính mà mình đang theo đuổi chắc chắn là nhạc cổ điển rồi. Tuy nó chưa phổ biến và nổi bật như các thể loại nhạc mà mọi người hay nghe hiện nay, nhưng chắc chắn nó là nguồn gốc của tất cả các dòng nhạc đang có trên thị trường”. Tình yêu âm nhạc cổ điển của Đặng Khánh cũng hệt như “chiếc hộp nhạc gỗ tuổi thơ” vậy, mộc mạc nhưng đầy cảm xúc. “Âm nhạc cổ điển thật đặc biệt, vì nó có thể diễn tả mọi cung bậc của cảm xúc mà không cần phải dùng lời nói để diễn đạt. Không chỉ riêng mình, âm nhạc luôn có một ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc sống của tất cả mọi người”. Cũng giống với nhiều nghệ sỹ đa cảm, âm nhạc là một liều thuốc tinh thần quý giá và quan trọng. Cây đàn piano chính là thứ sẽ chữa lành cho chàng trai vào những hôm tâm trạng không tốt và mệt mỏi.

Như đã chia sẻ, trước khi đi theo con đường âm nhạc, Đặng Khánh cũng từng muốn trở thành một bác sĩ. Tuy nhiên, khi đứng trên lằn ranh của sự lựa chọn, chàng trai đã quyết định từ bỏ việc đó và đi hẳn theo âm nhạc. “Nhưng, mình không hối hận với sự lựa chọn này”.

Từ khi theo học tại Nhạc viện, cây đàn piano đã mang lại cho Đặng Khánh nhiều thứ. Chàng trai chia sẻ đó chính là những người bạn học dễ thương trong suốt 4 năm qua; đó là cơ hội được tiếp xúc, được tham gia các lớp Masterclass với các giáo sư nước ngoài và cả từ những giáo sư, những giảng viên đầu ngành về piano của Việt Nam. Thời gian qua, cậu có cơ hội được biết đến và kết nối với những trường đào tạo âm nhạc ở nước ngoài, và cơ hội đi du học cũng rộng mở hơn.

Đặng Khánh chia sẻ bản thân có ít cơ hội chơi trong dàn nhạc với tư cách là nghệ sỹ piano vì tính chất của đàn piano là một nhạc cụ thiên về độc tấu. Tuy nhiên, vì có thể chơi được cả đàn violin, nên hiện tại, Đặng Khánh đang là concertmaster của Dàn nhạc Giao hưởng trẻ Việt Nam - vị trí quan trọng nhất trong dàn nhạc chỉ sau người chỉ huy.

Đặng Khánh chia sẻ bản thân có ít cơ hội chơi trong dàn nhạc với tư cách là nghệ sỹ piano vì tính chất của đàn piano là một nhạc cụ thiên về độc tấu. Tuy nhiên, vì có thể chơi được cả đàn violin, nên hiện tại, Đặng Khánh đang là concertmaster của Dàn nhạc Giao hưởng trẻ Việt Nam - vị trí quan trọng nhất trong dàn nhạc chỉ sau người chỉ huy.

Khi được hỏi rằng liệu làm nghệ thuật có khó hay không, Đặng Khánh cho rằng câu trả lời là có và không. Với cậu, khó bởi vì các sản phẩm nghệ thuật không bao giờ có đúng và sai, chỉ quan trọng là sản phẩm đó được đón nhận nhiều hay ít. Để có được thành công khi làm nghệ thuật, nỗ lực nhiều thôi là chưa đủ, có năng khiếu cũng chưa đủ, ta phải biết cách lấy lòng và lấy được sự ủng hộ của những người thưởng thức sản phẩm nghệ thuật của mình, cho dù đó là một bản nhạc, một bức tranh, hay một bức tượng điêu khắc. Còn dễ ở đây là dễ làm ta nản lòng và bỏ cuộc, vì vậy cần một sự đam mê đủ mãnh liệt để đi theo con đường này tới cùng, nếu không thì đó không phải đam mê đâu, đó chỉ đơn giản là sở thích thôi.

“Cái giá của đam mê là xứng đáng”

Cao Hoàng Linh (17 tuổi) hiện đang là sinh viên Đại học năm thứ nhất khoa Dây chuyên ngành Violin tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Hoàng Linh cũng đang là thành viên của Dàn nhạc trẻ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (VNAMYO).

Được tiếp xúc với âm nhạc từ rất sớm, Hoàng Linh đã nung nấu trong mình tình yêu với một trong bảy loại hình nghệ thuật lớn nhất của nhân loại. Thay vì chọn những dòng nhạc giới trẻ ưa chuộng, chàng trai bày tỏ lý do cậu đến với nghệ thuật là vì đam mê với dòng nhạc cổ điển hàn lâm. “Với mình, âm nhạc cổ điển hàn lâm chính là gốc gác của nền âm nhạc hiện nay, chơi được nhạc cổ điển thì chắc chắn sẽ chơi được các dòng nhạc khác trong tương lai”.

Năm 2017, Hoàng Linh từng giành giải Nhất tại cuộc thi âm nhạc quốc tế Ginastera tổ chức tại Thái Lan. Đến năm 2023, chàng trai giành được giải Nhất của cuộc thi Mùa thu do Bộ văn hóa Việt Nam tổ chức, đồng thời là “Gương mặt Nghệ sỹ Tiêu biểu” của Việt Nam năm 2023.

Tính đến nay, Hoàng Linh đã gắn bó với cây vĩ cầm tròn mười năm.

Tính đến nay, Hoàng Linh đã gắn bó với cây vĩ cầm tròn mười năm.

“Âm nhạc nghệ thuật có ý nghĩa vô cùng sâu sắc với mình”. Với Hoàng Linh, nếu thiếu đi âm nhạc, cuộc sống sẽ như món ăn thiếu gia vị; và không có nghệ thuật, mọi thứ sẽ nhạt nhòa, đơn sắc. Kể từ khi lựa chọn bước đi trên con đường này, bản thân Linh cũng có thu hoạch cho mình không ít cơ hội quý giá, cũng như là các mối quan hệ bạn bè, thầy cô trong giới. “Và trên hết, đến với âm nhạc, mình được là chính mình”.

Quả thực, “mình nghĩ con đường nào cũng khó khăn, dù là chọn học ngành gì đi chăng nữa”. Hoàng Linh bày tỏ tính chất môi trường đào tạo Nghệ thuật có thể nói vô cùng khắc nghiệt, đầy rẫy những khó khăn thử thách, và tính cạnh tranh rất cao. Tuy nhiên, chàng trai cũng bày tỏ rằng bản thân phải được tôi luyện qua những trải nghiệm đó thì mới có được sự thành công trong lĩnh vực này. “Cố gắng, kiên trì sẽ thấy cái giá của đam mê là xứng đáng!”

Cơ hội vươn mình ra quốc tế

Đối với nhiều bạn trẻ theo đuổi con đường âm nhạc chính quy, giấc mơ lớn nhất có lẽ là được đứng biểu diễn trên những sân khấu danh giá. Khát khao này với Nguyễn Nguyên Lê (16 tuổi), hiện đang theo học chuyên ngành Violin tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cũng không là ngoại lệ.

“Hồi nhỏ, mình may mắn được tiếp xúc với nhiều môn nghệ thuật như hội họa, khiêu vũ, âm nhạc,..nên bản thân sớm nhận ra niềm đam mê mình dành cho cây vĩ cầm”. Bắt đầu làm quen với chiếc vĩ cầm từ năm 5 tuổi, cô gái dần nuôi ước mơ chinh phục các sân khấu lớn nhỏ. Cho đến hiện tại, Nguyên Lê đã “bỏ túi” cho mình nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Tiêu biểu trong số đó: Giải Nhất cuộc thi Violin Quốc tế Arthur Grumiaux tại Vương quốc Bỉ; giải Nhất cuộc thi Âm nhạc Mùa thu Việt Nam; giải Nhất tuyệt đối cuộc thi Âm nhạc Quốc tế Val Tidone; giải Nhất cuộc thi Âm nhạc Quốc tế Hoa Kỳ lần thứ 28,... Ngoài ra, cô gái nhỏ cũng vinh dự trở thành một trong chín Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2021 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xét tặng.

“Những giai điệu như “người bạn tạo động lực” mang sự cổ vũ mãnh liệt, cả nội và ngoại tại”, Nguyên Lê mở lòng. Những khi, đó là “liều thuốc” cho tâm hồn, vá khép những cảm xúc ngổn ngang khó nói bằng lời. Những khi, đó là “sợi dây kết nối đến với thật nhiều người tuyệt vời có cùng đam mê nghệ thuật giống mình”.

Hiện tại, Nguyên Lê đang là thành viên Dàn nhạc trẻ Học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam (VNAMYO) và là cộng tác viên cho Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội, Dàn nhạc HBSO,...

Hiện tại, Nguyên Lê đang là thành viên Dàn nhạc trẻ Học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam (VNAMYO) và là cộng tác viên cho Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội, Dàn nhạc HBSO,...

Chia sẻ với phóng viên, Nguyên Lê bày tỏ quyết định theo thể loại cổ điển là vì bản thân thực sự bị thu hút bởi những thanh âm, những giai điệu vô cùng tinh tế trong các tác phẩm từ các thời kỳ xưa trước đấy. Bên cạnh đó, nữ sinh tin rằng học Violin cổ điển giúp bản thân trau dồi được nhiều kiến thức và kỹ thuật, “học một biết mười”, “đủ để học thêm các thể loại nhạc khác một cách dễ dàng hơn”.

Chính bản thân Nguyên Lê cũng quan điểm rằng “học nghệ thuật không hề dễ dàng, nhưng luôn giữ ý chí quyết tâm và niềm yêu thích con đường mình đã chọn là chìa khóa giúp chúng ta gắn bó lâu dài”. “Theo học Violin đã giúp mình có nhiều cơ hội sang nước ngoài trình diễn cũng như tham gia các cuộc thi, nhờ đó mình được tìm hiểu và học hỏi thêm về âm nhạc cổ điển tại những quốc gia khác.” Như nữ nghệ sỹ trẻ đã chia sẻ “âm nhạc kéo mọi người lại gần với nhau hơn”, thông qua những lần lưu diễn quốc tế, cô gái được giao lưu và kết bạn với nhiều người bạn nước ngoài thông qua các cuộc thi. “Gặp được những cộng sự tuyệt vời là yếu tố giúp mình có thêm động lực và sự hứng thú để bền bỉ theo đuổi con đường này”.

Có thể cổ điển không phải là sự lựa chọn đầu tiên, nhưng sẽ là đích cuối

Mặc dù không ít các bạn trẻ như Hoàng Linh và Nguyên Lê chọn cổ điển làm dòng nhạc theo đuổi ngay từ ban đầu, nhưng cũng có một số người ngoại lệ như Đặng Gia Thịnh (17 tuổi), năm cuối trung cấp bốn năm chuyên ngành Piano tại nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh; có các lựa chọn khác lúc đầu nhưng cuối cùng vẫn quyết định gắn bó với cổ điển hàn lâm.

“Mình bén duyên với âm nhạc từ năm chín tuổi. Trước đây mình chủ yếu học để phục vụ cho sở thích vui nên thể loại nào cũng chơi. Ban đầu, vì thích nhạc hiện đại hơn nên mình thi vào nhạc nhẹ và đỗ thủ khoa. Tuy nhiên sau này, bản thân mới nhận ra đam mê thật sự mới chính là cổ điển”. Nung nấu quyết định “chọn lại” để về với đúng điều mình yêu thích, sau một thời gian, Gia Thịnh quyết định rút khỏi trường để luyện thi vào cổ điển. May mắn mỉm cười với nỗ lực của bạn trẻ, đúng một năm, Gia Thịnh thi vào nhạc cổ điển và trở thành á khoa.

Nhưng dù lựa chọn dòng nhạc nào, Gia Thịnh luôn biết được rằng tình yêu lớn nhất của đời mình chính là âm nhạc. Những ngày còn nhỏ, khi được tiếp xúc với văn hóa phim hoạt hình Nhật Bản, Gia Thịnh mê mẩn những giai điệu nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, thành ra muốn theo nhạc nhẹ. “Nhưng rồi sau khi mình thử bản thân bằng cách lắng nghe các tác phẩm cổ điển, đặc biệt là bản “Liebestraum” của nhà soạn nhạc Liszt mình mới nhận ra mình yêu nhạc cổ điển mất rồi”.

Khi được hỏi rằng âm nhạc hay nghệ thuật có ý nghĩa như nào đối với bản thân, chàng trai 17 tuổi dí dỏm chia sẻ “Nó như con mèo, con chó cho người cô đơn vậy; hoặc là liều thuốc cho tinh thần. Nếu không có cây piano, thực sự mình không biết làm gì khác, bởi nó là thứ giúp mình có mục tiêu trong đời”.

Gia Thịnh cũng đã có vô số trải nghiệm được đứng trên các sân khấu lớn nhỏ. Năm 2020, cậu trai trẻ đạt giải Nhất hạng mục Nhạc Pop và giải Nhì hạng mục Nhạc cổ điển một năm sau đó tại “Vietnam Central region piano competition”; giải Vàng tại Liên Hoan “Rising Star International Arts Festival & Competition” năm 2020.

Điều đáng giá mà nhiều bạn trẻ như Gia Thịnh có được khi theo đuổi âm nhạc là những cơ hội biểu diễn, cuộc thi quốc tế. Đó cũng là trải nghiệm du lịch khắp nơi trên thế giới, được mở mang tầm mắt, gặp gỡ các nghệ sỹ quốc tế và tạo sự liên lạc với họ. Ngoài ra, Gia Thịnh cũng nhận quỹ học bổng từ thành đoàn ngành nghệ thuật.

Được đi nhiều, biết nhiều, Gia Thịnh từng có dịp được mời làm đại diện quảng cáo cho một số công ty nhạc cụ như Việt Thương và Kawai.

Được đi nhiều, biết nhiều, Gia Thịnh từng có dịp được mời làm đại diện quảng cáo cho một số công ty nhạc cụ như Việt Thương và Kawai.

Khi được trò chuyện với các bạn học sinh ngành nghệ thuật, đặc biệt là với nhạc cổ điển, câu trả lời thường nhận được luôn có một câu nói chung “Mình xác định về việc theo đuổi âm nhạc chuyên nghiệp”. Trên thực tế, đam mê và thực tế luôn là nỗi băn khoăn của nhiều người, và có những người vì cuộc sống hiện thực mà buộc phải giấu vùi ngọn lửa tình yêu ấy. Nhưng bên cạnh đó, vẫn nhiều bạn trẻ như Đặng Khánh, Hoàng Linh, Nguyên Lê và Gia Thịnh tìm thấy được điểm chung giữa đam mê và con đường tương lai của họ. Bản thân những nghệ sỹ trẻ này cũng nhận thức được ở ngành này, sự kiên trì và cạnh tranh luôn được đặt lên trên hàng đầu. “Nhiều người rất giỏi nhưng họ bỏ cuộc vì rất nhiều nguyên nhân”. Suy xét cho cùng, để hóa ước mơ thành hiện thực, dù là ngành nghề nào đi chăng nữa, quan trọng là “luôn phải tự tìm cơ hội cho mình và đừng ngại tìm kiếm cơ hội”.

Minh Ngọc

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nguoi-tre-hoc-am-nhac-co-dien-post1666120.tpo