Người trẻ ngại sinh con

Cùng với sự phát triển của xã hội, gánh nặng kinh tế, áp lực tinh thần và nhu cầu cuộc sống thay đổi khiến giới trẻ ngày càng có tâm lý ngại kết hôn và sinh con.

Không chỉ sinh con ra và nuôi ăn, lo mặc, cha mẹ cũng phải dành thời gian chăm sóc, dạy con theo từng giai đoạn, tạo điều kiện học hành tốt nhất cho con. Ảnh: THÁI HÀ

Không chỉ sinh con ra và nuôi ăn, lo mặc, cha mẹ cũng phải dành thời gian chăm sóc, dạy con theo từng giai đoạn, tạo điều kiện học hành tốt nhất cho con. Ảnh: THÁI HÀ

Nhiều áp lực

Gia đình bà L.T.L (xã Hòa Tân Đông, TX Đông Hòa) có 4 người con, 3 gái, 1 trai và các con đều có công việc ổn định. Đến giờ, dù con gái út của gia đình đã 32 tuổi nhưng bà L vẫn chỉ có 3 đứa cháu, 1 của con gái đầu, 2 đứa của con gái giữa. Con trai và con gái út đã qua tuổi 30 nhưng cả hai đều không có ý định kết hôn.

Bà L chia sẻ: “Cả hai đứa sau đều tốt nghiệp Trường đại học Ngoại thương (cơ sở TP Hồ Chí Minh), sau đó ra trường làm việc trong các tập đoàn lớn, vài năm là mua được chung cư. Con trai giờ đã 35 tuổi, con gái 32 tuổi nhưng chúng không có ý định lập gia đình. Hỏi thì tụi nó bảo mẹ có cháu trai, cháu gái rồi nên không cần chờ đợi tụi nó. Tụi nó cứ sống vậy, gặp người phù hợp thì tiến tới, không thì thôi và sẽ để dành tiền cho cháu”.

Anh N.V.C, con trai bà L chia sẻ: “Tôi làm quản lý cấp trung cho các tập đoàn của Nga, của Hàn Quốc nên công việc cực kỳ bận rộn và áp lực. Tiền kiếm cũng tốt nhưng thời gian thì không có. Sau một dự án hay một ngày làm việc, tôi chỉ muốn nghỉ ngơi tại nhà. Ngày nghỉ dài vài ngày thì tôi đi du lịch để tái tạo năng lượng. Tôi nghĩ rằng, đến thời gian dành cho bản thân mà còn phải cân nhắc, sắp xếp để tạo được sự quân bình, không để áp lực nhấn chìm thì khi có gia đình với vô số những vấn đề phát sinh, tôi không thể sống như cách mình mong muốn được”.

Chị N.T.H làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Tây Hòa cũng chưa sinh thêm đứa con thứ hai khi con đầu của chị chuẩn bị vào lớp 4. “Nếu hỏi tôi có muốn sinh bé thứ hai không thì câu trả lời là có, vì nhà chồng neo người, công việc của vợ chồng ổn định và con trai rất muốn có em. Tôi cũng suy nghĩ, cân nhắc mãi ý kiến của gia đình, bạn bè nhưng giờ con đã vào lớp 4 rồi, tôi vẫn không dám sinh thêm vì nhận thấy kinh tế không vững vàng, không đủ thời gian cho một đứa trẻ nữa. Hè này, tôi gửi con ở nhà cô giáo nguyên ngày. Ngày nào cô có việc, tôi phải dắt con theo lên cơ quan. Vấn đề bây giờ không phải sinh con ra và nuôi ăn, lo mặc là xong. Cha mẹ còn phải dành thời gian chơi đùa, chăm sóc, dạy con kỹ năng theo từng giai đoạn, tạo điều kiện học hành tốt nhất cho con”, chị H chia sẻ.

Chọn sinh con khi đã sẵn sàng

Theo TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) có trụ sở tại Hà Nội, hiện nay có nhiều trường hợp ngại sinh con thứ hai. Điều này xuất phát từ nguyên nhân nhiều phụ nữ không được chia sẻ việc chăm sóc, giáo dục con; gặp khó khăn trong việc tìm trường hay lo ngại về môi trường giáo dục, phát triển của con. Vì vậy, với nhiều người trẻ, để con có điều kiện chăm sóc, giáo dục tốt nhất, họ phải cố gắng ổn định về mặt sự nghiệp, ổn định cuộc sống rồi mới kết hôn và sinh con.

Lập gia đình ở tuổi 30, sinh con ở tuổi 32 nhưng chị N.T.L (xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa) chưa bao giờ phải vội vàng. “Gia đình tôi không đặt nặng chuyện kết hôn hay sinh con trai, con gái. Tôi chọn kết hôn và sinh con khi bản thân đã thực sự sẵn sàng. Hiện chị gái tôi có 1 con trai đã vào cấp 3, tôi có 1 con gái. Tôi nghĩ nhiêu vậy là đủ rồi. Vì sinh một đứa trẻ ra thì bản thân mỗi người sẽ phải gánh theo rất nhiều trọng trách, từ việc chăm sóc cho đến giáo dục”, chị L chia sẻ.

Có một thực tế, nhiều cặp vợ chồng hiện nay, sau khi có con, xuất hiện những mâu thuẫn không thể hàn gắn hay hòa giải được, dẫn tới việc ly hôn, gây tổn thương cho con trẻ. Trong một cuộc trò chuyện, chị P.T.D, giáo viên Trường cao đẳng Nghề Phú Yên (TP Tuy Hòa) cho biết: Mấy năm nay, các lứa học sinh của chị ra trường và bắt đầu kết hôn. Trong đó có vài em thân thiết đều nhớ và mời cô giáo đi dự đám cưới. Dù vậy, hiện tại đa phần các em này đều đã ly hôn. Nguyên nhân của sự đổ vỡ thì có nhiều, nhưng chủ yếu là các em bước vào hôn nhân và chọn sinh con khi chưa có chuẩn bị về tâm lý, kinh tế. Đứa trẻ xuất hiện tưởng như là sự kết nối, để mang đến niềm vui cho gia đình thì lại trở thành một gánh nặng khiến mâu thuẫn trở nên trầm trọng.

Nuôi con ngày nay đã trở thành vấn đề không đơn giản của các cặp vợ chồng, bởi hàng loạt chi phí và nhiều khoản đầu tư lớn nhỏ cho con. Điều này cũng trở thành một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ sinh cả nước giảm, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong tương lai, già hóa dân số nhanh... Trước thực trạng đó, mới đây, Bộ Y tế đề xuất bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh một hoặc hai con, trao quyền tự quyết thời gian, khoảng cách sinh và số con cho các cặp vợ chồng, đảm bảo phù hợp điều kiện sức khỏe, thu nhập. Dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.

Đề xuất của Bộ Y tế đã nhanh chóng bắt kịp và phù hợp với tình hình đặc điểm xã hội hiện nay. Điều này không chỉ khuyến khích sinh con, tăng tỉ suất sinh mà càng quan tâm đến nguyện vọng của từng gia đình. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền về ý thức trách nhiệm của cha mẹ trong việc sinh và nuôi dưỡng con cái, từ đó hạn chế việc sinh con đông nhưng không đảm bảo chất lượng cuộc sống, lại trở thành gánh nặng cho xã hội.

ThS tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu,

giảng viên Khoa Xã hội và nhân văn (Trường đại học Văn Lang)

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/319186/nguoi-tre-ngai-sinh-con.html