Người trẻ nghèo vì 'ma trận' chi tiêu thẻ tín dụng trên sàn TMĐT

Chuyên gia khuyến nghị người trẻ khi sử dụng thẻ tín dụng cần lên kế hoạch chi tiêu thông minh và tận dụng thẻ tín dụng như một công cụ hỗ trợ tài chính bền vững thay vì gây áp lực nợ nần.

Thẻ tín dụng đã trở thành công cụ thanh toán phổ biến, mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Việc sử dụng thẻ tín dụng không chỉ giúp tiết kiệm thời gian trong việc thanh toán mà còn giúp dễ dàng quản lý các giao dịch mua sắm, đặc biệt là những khoản chi tiêu lớn.

Các chương trình ưu đãi, điểm thưởng và trả góp lãi suất 0% là những yếu tố hấp dẫn khiến nhiều người quyết định sử dụng thẻ tín dụng thay vì thanh toán tiền mặt. Dù vậy, nó chỉ thực sự phát huy hết lợi ích của mình khi được sử dụng đúng cách và chi tiêu cho những thứ thực sự cần thiết.

"Tiêu hôm nay không cần biết ngày mai"

Chị Hải Anh (26 tuổi, nhân viên thiết kế tại Hà Nội) chia sẻ: "Thời điểm mới mở thẻ tín dụng, tôi cảm thấy rất hào hứng vì có thể thoải mái mua sắm mà không cần nghĩ ngay đến tiền trong tài khoản.

Một lần, tôi mua một máy pha cà phê giá gần 8 triệu đồng vì thấy quảng cáo rất đẹp, nhưng từ khi mua đến giờ, tôi chỉ dùng đúng hai lần. Đó là chưa kể đến những món đồ lặt vặt như quần áo, phụ kiện, hay những món giảm giá không mua thì tiếc. Sao kê mỗi tháng khiến tôi sợ hãi nhưng lại chẳng biết làm cách nào để ngừng chi tiêu".

Không chỉ Hải Anh, anh Mạnh Tuấn (28 tuổi, làm việc trong lĩnh vực marketing tại Hà Nội) cũng gặp tình trạng tương tự. "Thú thật, tôi nghiện mua sắm online. Đôi khi chỉ lướt ứng dụng thương mại điện tử, thấy giảm giá là tôi quẹt thẻ mà chẳng suy nghĩ nhiều.

Có lần, tôi mua một bộ dụng cụ sửa chữa xe máy vì thấy giá rẻ, nhưng tôi chưa bao giờ đụng tới vì không biết dùng. Khi sao kê thẻ tín dụng báo nợ gần 60 triệu đồng, tôi mới nhận ra phần lớn số tiền mình bỏ ra để mua sắm là cho những món đồ không hữu dụng", anh Tuấn nói.

Người trẻ hiện nay thường lại có xu hướng tiêu sản nhiều hơn tích sản.

Người trẻ hiện nay thường lại có xu hướng tiêu sản nhiều hơn tích sản.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Khoa Ngân hàng, Đại học Kinh tế Tp.HCM đánh giá, giới trẻ ngày nay thường bị vướng vào việc chi tiêu quá đà, chi tiêu cho những thứ không cần thiết.

Đồng thời, sự phát triển của các nền tảng như mạng xã hội, thương mại điện tử lại đang ngày càng thôi thúc, thúc đẩy hành vi tiêu dùng mua sắm của người trẻ, đánh vào tâm lý tiêu dùng cho những thú vui giải trí của họ.

Đôi khi người trẻ có xu hướng bỏ tiền ra mua những thứ giá trị cao nhưng không hữu ích, trong khi nhập của phần đông vẫn còn hạn chế. Vị chuyên gia này lấy ví dụ về trào lưu mua Labubu hay Baby Three diễn ra trong thời gian gần đây, khi nhiều người sẵn sàng bỏ cả triệu đồng để sưu tầm. Việc chi tiêu vô tội vạ như vậy dễ ảnh hưởng đến sau này, dễ lâm vào cảnh nợ nần.

Đồng thời ông Huân cho rằng, có sự khác biệt về lối sống giữa thế hệ trước và hiện tại. Trong khi thế hệ trước cố gắng tích lũy khi còn trẻ, có xu hướng để dành hơn tiêu sản thì nhiều người trẻ hiện nay thường lại có xu hướng tiêu sản nhiều hơn, chỉ "tiêu hôm nay không cần biết ngày mai".

Nghệ thuật quản lý tài chính cá nhân

Ông Huân cho rằng, người trẻ cần suy nghĩ kỹ lưỡng, cân đối giữa 2 nguồn tiền, 1 phần để dành cho chi tiêu, phần còn lại nên tiết kiệm để đầu tư cho tương lai.

Muốn tiết kiệm được, ông Huân khuyến nghị cần lên kế hoạch chi tiêu hợp lý, xếp hạng mức cụ thể cho từng danh mục, như chi tiêu cho ăn chơi, mua sắm tối đa bao nhiêu. Có thể sử dụng các ứng dụng, phần mềm để quản lý tài chính được hiệu quả hơn.

Sử dụng thẻ tín dụng một cách thông minh là một nghệ thuật quản lý tài chính mà không phải ai cũng có thể làm được. Những người có kinh nghiệm đều khẳng định rằng việc sử dụng thẻ tín dụng không phải chỉ để tiêu xài mà còn phải biết cách kiểm soát, lập kế hoạch chi tiêu và trả nợ đúng hạn.

Người trẻ nên chi tiêu tiết kiệm để đầu tư cho tương lai.

Người trẻ nên chi tiêu tiết kiệm để đầu tư cho tương lai.

Chị Lan Anh (32 tuổi, Đại Mỗ, Hà Nội), một người kinh doanh sử dụng thẻ tín dụng lâu năm nhận thấy rằng, việc phân biệt rõ giữa nhu cầu thiết yếu và những món đồ bản thân mong muốn là vô cùng quan trọng.

"Nhu cầu thiết yếu là những khoản chi tiêu mà bạn cần để duy trì cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như mua thực phẩm, thanh toán tiền điện, nước, học phí, hay chăm sóc sức khỏe. Những món đồ này có tính cấp bách và là điều kiện để bạn duy trì cuộc sống bình thường.

Trong khi đó, chi tiêu theo mong muốn là mua những món đồ đôi khi có thể giúp bạn cảm thấy hài lòng nhưng không phải là điều bắt buộc, chẳng hạn như quần áo mới, đồ điện tử cao cấp hay những kỳ nghỉ đắt tiền.

Việc chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu giúp bạn duy trì sự ổn định tài chính, trong khi đó việc mua sắm theo mong muốn có thể làm bạn lâm vào tình trạng tài chính thiếu hụt, đặc biệt khi sử dụng thẻ tín dụng mà không có kế hoạch rõ ràng.

Anh Phú (35 tuổi, kinh doanh nhỏ tại Hà Nội) cho biết một trong những điều quan trọng khi sử dụng thẻ tín dụng là hạn chế mua sắm theo cảm xúc.

Anh Phú cho biết, trước đây, mỗi khi cảm thấy stress, buồn bã, hay quá vui vẻ, anh đều dễ dàng có xu hướng mua sắm để giải tỏa cảm xúc.

Tuy nhiên, khi chi tiêu theo cảm xúc, anh nhận thấy bản thân dễ mắc phải sai lầm và tạo ra những khoản nợ không đáng có.

"Tôi đã từng rơi vào tình trạng mua sắm chỉ vì thấy món đồ đẹp mắt hay cảm thấy có thể mua được. Nhưng sau một thời gian, tôi nhận ra mình đã chi tiêu quá mức cho những món đồ không cần thiết. Từ đó, tôi quyết định tự tạo ra nguyên tắc cho mình là 'chỉ mua khi thật sự cần' và phải suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi quyết định."

Nguyễn Thị Thu Hương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nguoi-tre-ngheo-vi-ma-tran-chi-tieu-the-tin-dung-tren-san-tmdt-204241212210113603.htm