Người trẻ nhớ nhớ quên quên, coi chừng suy giảm nhận thức

Suy giảm nhận thức chủ quan khiến người trẻ bị giảm trí nhớ, khó tập trung.

Chia sẻ tại hội thảo “Chẩn đoán và điều trị suy giảm nhận thức” diễn ra ngày 29-6, ThS-BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh (Bệnh viện Quân y 175), cho biết gần đây đơn vị Sa sút trí tuệ của khoa có tiếp nhận ca bệnh là sinh viên đại học năm 3 bị suy giảm nhận thức.

Nam sinh này đến thăm khám vì trí nhớ giảm, rất khó tập trung học hành. Bác sĩ thực hiện một bài kiểm tra thần kinh nhận thức, đánh giá thấy điểm số bài kiểm tra này của nam sinh bình thường, không mắc các bệnh lý về sa sút trí tuệ.

Tuy nhiên khai thác kĩ, bác sĩ nhận thấy nam sinh có nhiều căng thẳng, stress, mất ngủ. Bác sĩ chẩn đoán nam sinh bị hội chứng suy giảm nhận thức chủ quan do các yếu tố trên.

 ThS-BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh (Bệnh viện Quân y 175), chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: BVCC

ThS-BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh (Bệnh viện Quân y 175), chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân được hướng dẫn điều chỉnh giấc ngủ, điều trị bằng các phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc.

Sau ba tuần điều trị, khi tái khám, khả năng tập trung chú ý và trí nhớ của bệnh nhân cải thiện đáng kể.

Bác sĩ Nghĩa cho hay, khoa còn tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân suy giảm nhận thức chủ quan do lạm dụng rượu bia, sử dụng bóng cười, các chất kích thích... Có bệnh nhân phải điều trị nội trú dài ngày, bắt buộc cai rượu bia.

Theo bác sĩ Nghĩa, suy giảm nhận thức thường gặp ở người lớn tuổi, nhóm người mắc sa sút trí tuệ hay alzheimer. Tuy nhiên hiện nay người trẻ đến bệnh viện khám với các triệu chứng hay quên ngày càng tăng

Suy giảm nhận thức ở người trẻ thường là suy giảm nhận thức có thể điều chỉnh được. Đây là suy giảm nhận thức chủ quan, không có bệnh lý alzheimer.

Khai thác kĩ, bác sĩ thấy được yếu tố chung của bệnh nhân suy giảm nhận thức chủ quan là có stress, căng thẳng, rối loạn lo âu, mất ngủ, lạm dụng thuốc hay chất kích thích. Những yếu tố này làm ảnh hưởng đến trí nhớ, tình trạng nhận thức của người trẻ.

“Hầu hết người trẻ tới bệnh viện than phiền về trí nhớ kém. Điều chỉnh các yếu này có thể giúp họ cải thiện được vấn đề" - bác sĩ Nghĩa chia sẻ.

Theo đó, nếu để tình trạng căng thẳng, lo âu dẫn đến nhớ nhớ quên quên kéo dài, bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng bởi các bệnh lý nền. Ví dụ khi có dấu hiệu trầm cảm nhưng không điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng sức khỏe tim mạch, hệ thống miễn dịch.

“Nếu bạn cảm thấy bị giảm trí nhớ và giảm tập trung, hãy nghĩ ngay đến khả năng suy giảm nhận thức chủ quan. Cần đến cơ sở y tế để thăm khám, tìm ra nguyên nhân và phương pháp điều trị thích hợp” - bác sĩ khuyến cáo.

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nguoi-tre-nho-nho-quen-quen-coi-chung-suy-giam-nhan-thuc-post798070.html