Người trẻ ở Trung Quốc muốn ngừng mua sắm xa hoa
Đại dịch và những khó khăn kinh tế khiến nhiều người trẻ ở xứ tỷ dân quay lưng với chủ nghĩa tiêu dùng, theo VICE.
Lần đầu tiên Anita Sun mua sắm trực tuyến là khi cô mới vào đại học. Bị thu hút bởi bài viết về loại sữa rửa mặt dành cho da dầu, cô nhấn nút mua hàng và hồi hộp chờ đợi bưu kiện được chuyển đến.
Thời niên thiếu, Sun theo học trường Hengshui ở tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc), nơi nổi tiếng quản chế học sinh nghiêm ngặt nhằm chuẩn bị cho kỳ thi đại học khắc nghiệt. Khi đến Bắc Kinh học đại học, cô gái trẻ được tự do và nhanh chóng hòa nhập cuộc sống thành thị.
Dù lần mua sữa rửa mặt không được như ý, cô gái 21 tuổi tiếp tục đặt thêm hàng trăm đơn khác nhau. Có thời gian, cô dành một giờ mỗi ngày để lướt web mua sắm. Cô tiêu sạch số tiền bố mẹ gửi và chịu thêm khoản nợ nhỏ trên dịch vụ tín dụng.
Tuy nhiên, 2 năm sau, Sun nhìn lại và nhận ra mình từng bị tẩy não bởi chủ nghĩa tiêu dùng. Cô xóa ứng dụng mua sắm khỏi điện thoại, thanh lý quần áo ít mặc đến trên chợ đồ cũ online, ngừng đi xem phim và chơi game mỗi cuối tuần.
"Tôi đã thức tỉnh khỏi những chiêu trò lừa đảo ấy. Tôi muốn dành năng lượng vào những điều quan trọng và có thể kiếm ra tiền", cô nói với VICE World News.
Quay lưng với mua sắm xa hoa
Sun là thành viên của phong trào chống chủ nghĩa tiêu dùng tại Trung Quốc. Xu hướng này thu hút nhiều sự chú ý khi người trẻ suy ngẫm lại về văn hóa mua sắm trong bối cảnh kinh tế chậm phát triển và sự cạnh tranh gia tăng.
Trước khi Trung Quốc mở cửa vào thập niên 80, người dân ít có của để dành, lựa chọn về ăn uống, thời trang và giải trí cũng giới hạn. Với thế hệ lớn tuổi sống trong những năm tháng nghèo khó, tiết kiệm là cách để sinh tồn.
Sun lớn lên trong bối cảnh kinh tế thị trường đang nở rộ tại Trung Quốc. Doanh nghiệp trong và ngoài nước tạo ra đủ loại sản phẩm để thu hút tầng lớp trung lưu ngày càng giàu có. Các quảng cáo và chiến dịch marketing ngập tràn mọi ngõ ngách của xã hội.
Một số người như Sun đang chọn quay lưng với sự dư thừa vật chất. Họ tin rằng việc có quá nhiều lựa chọn mua sắm sẽ giam cầm người tiêu dùng trong gánh nặng tài chính và nỗi lo âu không hồi kết.
Lễ độc thân 11/11, ngày Black Friday phiên bản Trung Quốc, là dịp để người dân vung tiền mua sắm khi các nền tảng thương mại điện tử và nhà bán lẻ đồng loạt giảm giá. Sự kiện đáng lẽ chỉ diễn ra trong một ngày biến thành cuộc shopping xa hoa kéo dài 3 tuần. Hàng tỷ đơn hàng sẽ được vận chuyển vào cuối đợt.
Thế hệ trẻ, phải đối mặt sự bất ổn kinh tế, đang phản kháng trước tình trạng tiếp thị tràn lan của và gọi đó là sự bóc lột tư bản. Trên mạng xã hội Douban của Trung Quốc, các nhóm chống chủ nghĩa tiêu dùng đang thu nạp nhiều thành viên.
Trong "Nhóm Siêu Tiết Kiệm” với hơn 580.000 thành viên, người dùng chia sẻ thử thách tiết kiệm như “sống qua một tuần với 100 nhân dân tệ (15,6 USD)”, “Bạn Đã Hạ Mức Tiêu Dùng Hôm Nay?” để mọi người thảo luận cách thay thế những sản phẩm đắt tiền bằng đồ giá rẻ.
Một số thành viên của nhóm nói với VICE World News rằng họ bắt đầu tự vấn về thói quen mua sắm trong thời gian đại dịch. Họ nhận mình có thể sống tốt mà không cần những sản phẩm mình từng mua thường xuyên.
Susu (29 tuổi), chủ cửa hàng đồ ngọt ở Bắc Kinh, cho biết việc kinh doanh sa sút trong đại dịch đã khiến cô cải tổ thói quen mua sắm. Giờ đây, cô theo đuổi chủ nghĩa tối giản và tự làm cơm trưa từ hàng tạp hóa giảm giá.
Gong Yu, một phụ nữ 28 tuổi đến từ thành phố Thành Đô (Trung Quốc), cho biết thu nhập của cô giảm do đại dịch tấn công ngành xuất khẩu. Khi cân nhắc việc chăm sóc cha mẹ già và trả phí khám bệnh trong tương lai, Gong nhận ra mình phải tiết kiệm hơn.
“Thực sự thì cuộc sống của chúng tôi không tốt đẹp như mọi người tưởng tượng. Dù thu nhập không cao, chúng tôi tiêu xài quá nhiều", cô nói.
Từ bỏ cuộc đua
Nhiều người trẻ Trung Quốc cảm thấy bi quan về tình hình tài chính của bản thân. Dù phải cạnh tranh khốc liệt với những người cùng tầng lớp, họ vẫn không thể nâng cao địa vị xã hội.
Với những người trẻ hoài nghi, cách duy nhất để thoát khỏi cuộc đua bất tận này là từ bỏ hoàn toàn hay "nằm im". Nhóm ủng hộ việc "nằm thẳng" chống lại giá trị được ca tụng của sự chăm chỉ và muốn nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt.
Ác cảm với việc mua sắm có thể trở thành một vấn đề với chính quyền xứ tỷ dân nếu nhiều người bị thu hút bởi phong trào này. Để biến Trung Quốc trở thành một cường quốc về kinh tế và chính trị, chính quyền muốn người dân làm việc chăm chỉ, sinh thêm con và tiêu nhiều tiền.
Dù vậy, trước những ưu đãi của lễ độc thân, người tiêu dùng khó thoát khỏi cám dỗ. Hai ngôi sao bán hàng livestream đã bán trước tổng số sản phẩm trị giá 19 tỷ nhân dân tệ (3 tỷ USD) vào ngày đầu tiên của chiến dịch lễ độc thân năm nay, bắt đầu từ 20/10.
Trong các cộng đồng tiết kiệm, một số thành viên dự định tránh xa khu mua sắm xa hoa. Những người khác đang phải vật lộn giữa ưu đãi hấp dẫn và cam kết chống chủ nghĩa tiêu dùng của chính mình.
“Tôi bị nguyền rủa và muốn mua một chiếc xe đạp tập thể dục", một người viết trong bài đăng gần đây.
“Tôi đã chi gần 4.000 nhân dân tệ (625 USD) vào lễ độc thân. Đó là tiền lương cả tháng của tôi. Tôi phải làm gì?”, một người khác nói.
Sun, sinh viên đại học ở Bắc Kinh, cho biết cô quyết tâm không mua bất cứ thứ gì ngoài khăn giấy và băng vệ sinh. Gần đây, cô sửa lại đôi dép đi trong nhà bằng keo và khâu lại cúc cho bộ đồ ngủ của mình. Dù màn hình điện thoại bị nứt, Sun dự định sẽ tiếp tục sử dụng nó trong 2 năm nữa.
"Tôi đơn giản nhận ra mình có đủ rồi. Chủ nghĩa tiêu dùng tạo ra nhu cầu mua sắm để kích thích chi tiêu, còn tôi thực sự không cần những thứ đó", cô nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-tre-o-trung-quoc-muon-ngung-mua-sam-xa-hoa-post1275495.html