Người trẻ số hóa di sản tư liệu: 'Nhịp cầu' nối từ quá khứ đến hiện tại

Thời đại công nghệ phát triển, người trẻ có nhiều cách lựa chọn để gìn giữ di sản văn hóa của ông cha ngàn đời. Sử dụng công nghệ để lưu trữ, quản lý, bảo tồn di sản tư liệu đang là một hướng đi được người trẻ tích cực lựa chọn tham gia.

Nhiều người trẻ đã “thổi hồn” cho di sản tư liệu bằng số hóa. (Nguồn: Sen Heritage)

Nhiều người trẻ đã “thổi hồn” cho di sản tư liệu bằng số hóa. (Nguồn: Sen Heritage)

“Thổi hồn” cho di sản tư liệu

Việt Nam là một đất nước có bốn nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, tạo nên một bề dày văn hóa. Hiện tại, trách nhiệm quan trọng dành cho những người trẻ là bảo tồn và phát huy truyền thống, gìn giữ di sản của dân tộc. Có nhiều cách đã được thế hệ trẻ thực hiện như phục dựng, gìn giữ tư liệu, sử sách.

Với sự phát triển của công nghệ, việc số hóa di sản là một cách làm hiệu quả, mới mẻ, hấp dẫn phù hợp với xu thế hiện nay. Nhờ số hóa di sản, không ít tư liệu lịch sử... đã được thế hệ 9x, 10x biết đến, yêu mến và lan tỏa cho cộng đồng.

Lấy ví dụ hiện nay, người trẻ đã áp dụng công nghệ 2D, 3D,... để số hóa di sản, “thổi hồn”, tạo cầu nối giữa hiện tại và quá khứ, đem đến sức sống mới cho các di tích, bảo vật vốn đã có tuổi đời lên đến cả trăm, ngàn năm tuổi. Nhóm Đình làng Việt nổi lên trên mạng xã hội, được giới trẻ biết đến nhờ những bài viết tìm hiểu các tư liệu tâm huyết với lịch sử, văn hóa Việt Nam như lễ hội đình làng, thôn miếu, phong tục tập quán được lưu lại trong sử sách,... Nhóm quy tụ được những người trẻ tài năng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đình làng Việt từng tổ chức buổi triển lãm vào vài năm trước đây tại Hà Nội mang tên “Đình làng Việt Nam” thu hút hàng trăm bạn trẻ, hàng chục diễn giả thuộc những lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, mỹ thuật,... đến tham dự. Trong buổi triển lãm, các sản phẩm văn hóa, lịch sử tâm huyết của nhóm cũng được “thần đồng” di sản 3D là Nguyễn Trí Quang số hóa và phát trên mạng Internet để những người ở xa có thể cùng đồng hành tham gia, chiêm ngưỡng các di sản được tái hiện, phục dựng.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 (Quyết định số 2026/QĐ-TTg). Chương trình đặt mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.

Mục tiêu cụ thể là: 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, 100% các di tích quốc gia đặc biệt, 100% các bảo vật quốc gia, các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số...

Ngoài ra, còn nhóm Sen Heritage, một dự án nghiên cứu, đề xuất và ứng dụng, quảng bá di sản Việt Nam vào đời sống xã hội hiện đại đã từng gây sốt trước những mô hình được phục dựng bằng công nghệ 2D, 3D và VR3D. Nhóm được thành lập từ năm 2020, với đội ngũ có nhiều nhà nghiên cứu, kiến trúc sư, thanh, thiếu niên tâm huyết với lịch sử Việt Nam. Sen Heritage đã dựa trên tài liệu của văn bia Sùng Thiện Diên Linh, để tái hiện lại quần thể kiến trúc của chùa Diên Hiệu, với tháp một cột ở trung tâm, bao quanh những vòng ao, hồ. Công trình được “phục dựng” lại hoàn toàn bằng công nghệ thực tế ảo, với đồ họa, màu sắc được nghiên cứu tỉ mỉ, tạo nên không gian sống động, thu hút người xem.

Nhiều tỉnh, địa phương hiện tại cũng đã tích cực ủng hộ thanh, thiếu niên tham gia việc số hóa di sản địa phương, nhằm lưu trữ, bảo tồn di sản, đồng thời giúp người đến tham quan dễ dàng tìm hiểu về văn hóa, địa danh tại nơi đây. Ở Chùa Thầy, huyện Quốc Oai, công trình “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá du lịch huyện Quốc Oai” được ví như một cuốn “cẩm nang du lịch số”. Được biết, đây là sản phẩm do thanh, thiếu niên của huyện kết hợp với đoàn và các đơn vị liên quan như Phòng Văn hóa thông tin huyện, Chi nhánh Tổng Công ty Dịch vụ viễn thông VNPT, Trung tâm kinh doanh VNPT Hà Nội phối hợp để triển khai thực hiện. Công nghệ này đã được đưa vào ứng dụng từ năm 2023 và nhận được những đánh giá tích cực từ người dân cũng như khách tham quan.

Khi đến Chùa Thầy, du khách không cần mất thời gian để lên mạng đọc thông tin về bia đá, văn tự hay thuê hướng dẫn viên du lịch thuyết minh. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, quét mã QR, du khách có thể nắm được đầy đủ thông tin về di tích, di sản tư liệu với hình ảnh 360 độ, video quay toàn cảnh, cận cảnh… lời thoại được thực hiện tự động (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) giới thiệu về di tích.

Định hướng giúp người trẻ phát triển số hóa di sản tư liệu

Số hóa di sản tư liệu là một xu hướng phát triển tất yếu trong tương lai. (Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế)

Số hóa di sản tư liệu là một xu hướng phát triển tất yếu trong tương lai. (Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế)

Trên thế giới, việc số hóa các di sản văn hóa, tác phẩm nghệ thuật đã được ứng dụng tương đối phổ biến, đem lại nhiều lợi ích. Đầu tiên đó là bảo vệ, lưu giữ các di sản tránh mất mát do thiên tai, bão lũ, dịch bệnh,... Tiếp theo đó, ở một số bảo tàng lớn trên thế giới, những tác phẩm nghệ thuật đương đại đã được số hóa để “xuất khẩu” văn hóa trên toàn cầu đây được đánh giá là một cách vừa rẻ, vừa phù hợp với thời đại công nghệ thông tin.

Ở Việt Nam, với một số lượng di sản tư liệu đa dạng, phong phú về lịch sử, gia phả, văn tự thì việc số hóa là một cách để bảo tồn, gìn giữ. Ngoài ra, việc sử dụng công nghệ 2D, 3D, VR3D hay chuyển thể thành game, thành phim đang được thực hiện. Nhờ đó, các di sản văn hóa trở nên hấp dẫn, sinh động, gần gũi với mọi người, đặc biệt là với giới trẻ.

Chia sẻ với truyền thông, TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh từng nhận định trưng bày trực tuyến đã và đang là một xu thế của tương lai, tuy nhiên để kết hợp một cách hài hòa giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến là một vấn đề cần được cân nhắc và xem xét. Trưng bày trực tuyến đem đến một giải pháp có tính khả thi, hiệu quả về chi phí và khắc phục những hạn chế của trưng bày trực tiếp. Người đến tham quan không còn bị giới hạn về thời gian và không gian, trí tưởng tượng.

Mặc dù số hóa di sản là một xu thế tất yếu phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, thực tế, áp dụng công nghệ để bảo tồn, lưu giữ di sản không phải là một cuộc chơi nhất thời mà cần có định hướng lâu dài. TS. Nguyễn Tô Lan - Viện Nghiên cứu Hán Nôm chia sẻ công nghệ và di sản cần có mối liên kết chặt chẽ. Những người sử dụng công nghệ để số hóa di sản, đồng thời phải tìm hiểu, nắm thật kỹ, sâu sắc di sản dân tộc. Lấy ví dụ như các kiến trúc sư, họ vừa có kiến thức về văn hóa, nghệ thuật, lại có thể áp dụng được công nghệ mới, đây là điều mà những nhà nghiên cứu đơn thuần không bằng được.

Có thể thấy, người trẻ hiện nay đang ngày càng dành nhiều tình cảm cho di sản tư liệu của dân tộc. Tuy nhiên, chỉ có sức trẻ không thôi chưa đủ, cần có định hướng giúp thanh, thiếu niên phát huy thế mạnh, nâng cao sức sáng tạo cho công cuộc số hóa di sản. Theo giới chuyên môn về di sản văn hóa, khó khăn trong quá trình số hóa di sản nhiều khi lại không nằm ở khía cạnh chuyên môn. Nhiều địa phương tâm huyết hoặc các dự án, hội nhóm của người trẻ mong muốn được làm nhưng vẫn chưa có đủ kinh phí, ngân sách, hỗ trợ. Lấy ví dụ, còn đó các dự án của những người trẻ thuộc thế hệ 8x, 9x như Đình làng Việt, Sen Heritage, Ỷ Lan Viên, Đại Việt Cổ Phong,... cần sự giúp đỡ mạnh mẽ hơn của Nhà nước để tiếp tục đào sâu về công nghệ, kiến thức chuyên môn, nhằm đem đến những sản phẩm chất lượng cho mọi người.

Theo thống kê, Việt Nam hiện nay có khoảng 40 nghìn di tích, với 200 bảo tàng, cùng hàng trăm hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Trong đó có những di sản tư liệu quý như Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận ngày 31 tháng 7 năm 2009, gồm 34.618 tấm. Bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám được UNESCO công nhận vào năm 2011... Việc gìn giữ, bảo vệ một di sản tư liệu như vậy không hề dễ dàng. Số hóa di sản là một giải pháp cách mạng trong ngành văn hóa.

Đặc biệt, các di sản văn hóa là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Tiếp cận kho tàng văn hóa dồi dào, chất liệu phong phú, loại hình đa dạng, dùng hệ thống công cụ số hóa phù hợp, sự kết hợp giữa cách tiếp cận truyền thống và hiện đại đang góp phần nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần và trải nghiệm, thúc đẩy sự sáng tạo.

Như tại các bảo tàng, triển lãm dù được số hóa với hình ảnh 360 độ, các video, lời thuyết minh đa ngôn ngữ. Nhưng một vấn đề vẫn được rất nhiều người đặt câu hỏi đó là làm sao để đem đến những trải nghiệm chân thật, tạo “rung động” mãnh liệt cho người xem.

Cuối cùng, hành trình số hóa của người trẻ không những chỉ có ý tưởng, nhiệt huyết mà phải duy trì và lan tỏa điều này. Vì vậy, từ dự án nhỏ lẻ, cần tạo một sân chơi rộng hơn để thu hút hơn nữa sự nhập cuộc của người trẻ, sáng tác những sản phẩm văn hóa mang hơi thở của nghệ thuật truyền thống. Khi ấy, di sản sẽ sống trong dòng chảy văn hóa đương đại.

Hương Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nguoi-tre-so-hoa-di-san-tu-lieu-nhip-cau-noi-tu-qua-khu-den-hien-tai-post514310.html