Người trẻ thời đại 4.0 có để cho văn chương 'chết mòn'
Văn chương trẻ trong thời đại 4.0 này sẽ viết những gì? Hoặc thiết thực hơn, những người viết trẻ hiện nay quan niệm như thế nào về văn chương?
Trong hai năm trở lại đây, văn chương trẻ luôn được Hội nghề nghiệp đặc biệt quan tâm. Vào 2021, Hội Nhà văn Việt Nam đã có cơ cấu chính thức trong giải thưởng thường niên của Hội là giải Tác giả Trẻ. Giải được quy hoạch cho những tác phẩm thuộc 4 thể loại: Văn xuôi, Thơ, Lý luận phê bình, Văn học dịch. Thể hiện sự quan tâm cho tầng lớp kế thừa trong văn chương sau này, vì có thể nói thời đại ngày càng phát triển vượt bậc về công nghệ thì càng có nhiều hệ giá trị bị xói mòn.
Một điều rất đáng băn khoăn trong thời đại 4.0 là các giá trị văn hóa có khả năng lung lay vì tác động của các sự kiện, sự xâm lấn của các nền văn hóa ngoại lại. Ngày nay, thế giới phẳng vươn rộng, tất cả xu hướng, văn hóa đều được "du nhập" qua Internet một cách tràn lan, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thế giới quan của giới trẻ nói chung. Đã có rất nhiều cuộc tọa đàm về văn chương thời đại 4.0 hay sự đi xuống của văn hóa đọc.
Nhà thơ trẻ Trần Đức Tín cho rằng, các bạn trẻ hiện nay đang đánh đồng giữa văn chương với các trò chơi giải trí. Nhìn nhận theo hướng nào đó, rõ ràng sự đánh đồng văn chương và giải trí là một điều nguy hại. Trong bối cảnh trên, những người viết trẻ hiện nay sẽ đối mặt và giải quyết nó như thế nào? "Khuynh hướng trẻ" nào sẽ được sàng lọc để đưa vào trang viết của họ? Vì không thể khác hơn, chính họ là những người phải có trách nhiệm với thời đại họ đang sống và viết.
Nhà thơ Lý Hữu Lương (Giải thưởng Tác giả Trẻ 2021): Trẻ là thể nghiệm và thử sức
Ngay trong từ "trẻ" đã bao hàm ngữ nghĩa của nó. Trẻ, nghĩa là quỹ thời gian sống còn nhiều, nhiều cơ hội để trải nghiệm, thử sức và bứt phá mình trong lĩnh vực mình yêu thích, đam mê. Nếu cứ yêu văn chương một cách chân chính, không vụ lợi thì chắc chắn anh sẽ thành công dù ít, dù nhiều trên con đường anh chọn.
Nói cụ thể rằng khuynh hướng trẻ hiện tại như thế nào thì rất khó, mỗi người viết thì mỗi người một vẻ, vẫn có bạn thích viết theo lối xưa, thơ có vần có điệu, có niêm luật; văn có cốt truyện, rành mạch… lại có bạn tìm thấy cảm hứng và trải nghiệm ở thể phi hư cấu hay văn học sinh thái, văn học siêu thực hay huyễn tưởng… nhưng tựu trung, tất cả trên con đường khám phá, thử nghiệm bản thân để kiến tạo cho giọng điệu, cốt cách, thể tài văn chương của mình, phải chăng đó chính là khuynh hướng?
Dù khiêm tốn hay không tôi cũng cho rằng, với sức vóc của mình thì sự đóng góp cho nền văn học bao la, rộng lớn này sẽ luôn nhỏ bé; hay chăng chỉ thêm một vài nhận định của bạn đọc, của giới chuyên môn khi đề cập đến thể loại mình theo đuổi.
Không tự phát mà có thành tựu, văn chương cũng như vòng đời một cái cây; từ hạt mầm, phải ươm giống, tưới tắm cho nó để lên mầm cây; rồi lại chăm bẵm, tưới tắm từng ngày cho nó mọc thành cây. Khi thành cây đến tuổi có nở hoa, có đậu quả? mà hoa có thơm quả có ngọt không thì lại là vấn đề khác… cho nên không thể vội vàng, nóng ruột được. Chúng ta có quyền kỳ vọng, chờ đợi và kiên định. Đó không phải một sự bào chữa của người viết, là quan điểm "biết người biết ta" trong thiên binh pháp của đức Tôn Tử vậy.
Nhà văn Tống Phước Bảo: Chấp nhận đi vào ngách nhỏ
Tôi đọc nhiều bạn trẻ bây giờ viết và thấy thích họ ở tư duy rất hiện đại, năng động và sáng tạo. Trữ lượng yêu thương trong người trẻ chuyển tải đến độc giả qua sáng tác của họ cũng đa dạng thể loại, chiều kích và cực kì mới mẻ.
Họ khai phá những con đường mới, hoặc chấp nhận đi vào một ngách nhỏ, một dòng văn kén độc giả. Từ đó họ xây thành đường, đặt dấu ấn, định danh mình. Họ cũng nắm bắt xu hướng sáng tác thế giới tốt hơn xưa bởi nhờ vận dụng tốt sự phát triển công nghệ thông tin.
Và chính họ, tạo ra một làn sóng trẻ lan tỏa thứ văn chương hừng hực tiếng nói thời đại không chỉ trên sách báo in, mà đặc biệt là trên mạng xã hội. Họ đi đầu trong xu hướng thế giới phẳng.
Kỳ thực nói tôi sẽ làm gì thì tôi không biết cụ thể và không dám nói. Vì văn chương là hành trình cảm xúc. Tôi viết rất bản năng. Bản năng thì lại phần lớn phụ thuộc cảm xúc. Nên, tôi không thể đoán định được điều mình sẽ làm với văn chương của mình, hoặc cho làng văn.
Chỉ có thể biết, ngay chính tôi, tôi ủng hộ những khuynh hướng sáng tạo mới, trước tiên như mầm xanh mới nhú, tôi đồng hành cùng nó, và theo dõi sự trưởng thành của mầm xanh ấy. Tôi tin văn chương của người trẻ cần sự chấp nhận đồng hành trước tiên, sau đó mới chăm chút và uốn nắn để vẫn có những mùa văn chương gặt hái trái ngọt, xanh cành, ngát hương nhưng vẫn là thứ văn chương chinh phục được các nhà chuyên môn lẫn độc giả.
Tác giả Vĩ Hạ (Giải thưởng Tác giả Trẻ 2022): Ca lên bài ca riêng biệt
Theo những gì tôi đã quan sát được thì khó có thể tóm gọn theo một đường thẳng. Bởi lẽ, những người trẻ hiện nay đã khoác lên rất nhiều gương mặt, chân thành, cay độc, bỡn cợt,… đều có cả. Văn xuôi có những người như Triều Dương, Phạm Giai Quỳnh, Đinh Phương,… chọn sự đối thoại với triết học, với thần thoại, làm điểm tựa để viết, cố gắng cách tân những lối viết văn xuôi đã hơi… sáo mòn của thế hệ cũ, tìm ra một giọng văn phù hợp hơn cho thời đại này.
Về thơ thì có những người như nhóm "tôi viết/tiếng Việt", những cái tên như Nam Thi, Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Người - ngồi - chơi - xếp - chữ, Ngạo Thuyên… vẫn đang tìm cho ra cách để "trình bày" mình ra thơ, bằng những lối viết có phần… "phá hoại" những quan niệm mỹ học đã cũ, những tiếng - Việt - cũ, quay trở về điều gì đó có tính riêng tư hơn.
Hoặc, cũng có những người không đi bằng những cách tân, mà chỉ đơn giản là nói ra (mà thường tôi thấy những người này được biết đến rất nhiều, và rất dễ chạm vào phần đông độc giả) - trường hợp này thì có thể kể đến sự giản dị, không gian ấm áp trong giọng thơ của Nhược Lạc chẳng hạn. Và, không thể không kể đến những người viết ngoại biên, những người âm thầm sáng tác, tìm tòi, thậm chí là khước từ công chúng chỉ để chìm thật sâu vào chữ nghĩa…
Nhưng tựu trung, tôi đều thấy rằng, những người viết trẻ đa số đều đang suy nghĩ về làm sao để chữ mình có tiếng nói, có một sức nặng nếu có ai đọc được,… Đó là một điều rất đáng mừng, và cũng đáng suy nghĩ. Bởi lẽ, việc sáng tác văn chương là một thử thách khó khăn cho những ai muốn có được tiếng nói riêng biệt của chính mình, để ca lên, mặc cho họ có vô danh đi nữa thì chữ của họ cũng có cơ hội in dấu chân ở đâu đó trong đời.
Nhà thơ Ngô Bá Hòa (Lạng Sơn - Dân tộc Tày): Đi vào văn hóa dân tộc mình
Chữ "trẻ" trong văn chương luôn bao hàm nhiều ngữ nghĩa và sắc thái vậy nên "khuynh hướng trẻ" trong văn chương cũng vậy. Khuynh hướng trẻ trong văn chương hiện tại họ đào sâu vào những giá trị bản thân nhiều hơn, từ đó tạo ra một góc nhìn về xã hội, những chia sẻ mang tính cá nhân đó có thể thấy toát lên những toan tính cho tương lai.
Người viết trẻ hiện nay đang sống trong một xã hội đủ đầy vật chất và được hỗ trợ tối đa về công nghệ nên khuynh hướng sáng tác của họ cũng có phần mở hơn với góc nhìn đa chiều cuộc sống. Khuynh hướng trẻ hiện nay cũng đang thiên về thử nghiệm, họ tìm cách đổi mới và tạo ra những xu hướng (trend) bằng những lập ngôn dị biệt và điều đó giúp họ nhanh chóng tạo ra tiếng vang nhưng điều đó cũng ẩn chứa những tác dụng ngược.
Điểm nhìn của người viết trẻ ngày nay thật sự rất khác biệt. Mỗi người một cách thể hiện. Với sức trẻ của mình, tôi muốn mượn ngôn ngữ văn chương để làm nổi bật lên những nét văn hóa đang mai một của dân tộc mình.
Những nền văn chương rực rỡ nhất đều không tách rời văn hóa. Văn hóa và văn chương tồn tại song song bằng sự tương hỗ lẫn nhau. Tôi không dám nói mình sẽ làm được điều gì đó lớn lao, nhưng nhất định sẽ làm cho vùng đất của tôi, dân tộc của tôi đi vào trong văn chương một cách công bằng và sòng phẳng nhất. Hay chí ít, sẽ đưa đến với độc giả những thú vị riêng có của dân tộc mình.
Kỳ Sơn/Dân Việt