Người trẻ vượt qua nỗi buồn như thế nào?

Ai trong chúng ta cũng sẽ có lúc cảm thấy buồn, có lúc vui vẻ, tức giận. Chúng ta thường có thói quen nâng niu những cảm xúc tích cực: hạnh phúc, vui vẻ, phấn chấn…nhưng lại có xu hướng né tránh nỗi buồn. Nhưng nỗi buồn là một trạng thái tâm lý mà ai cũng có lúc trải qua. Nó có thể xuất hiện vì nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm mất mát, thất bại, cảm giác cô đơn, căng thẳng hoặc sự thay đổi tiêu cực trong cuộc sống.

Ngày hôm qua, có một bạn trẻ chia sẻ với Hường về khoảng thời gian mà bạn ấy phải đối mặt với nỗi buồn và sự thất bại. Và dưới đây là câu chuyện của bạn ấy.

Mình không biết các bạn từng gặp những vấp ngã nào khó vượt qua không, nhưng mình thì có. Một người sống trong một gia đình có bố là giáo sư tiến sĩ một trong những đại học danh tiếng nhất Việt Nam - Đại học Bách Khoa và mẹ là giáo viên cấp hai của một trường có tiếng ở quận Hai Bà Trưng, thế nhưng đứa con của họ lại trượt đại học. Ngày biết điểm thi, mình thật sự suy sụp, thế giới như chìm vào bóng tối. Cả ngày cả tuần cả tháng mình ở lì trong phòng, không giao tiếp, không muốn ăn, không muốn uống. Người bị sốc hơn cả mình là bố. Ngày ấy, bố nhìn điểm số trên màn hình điện thoại mà ngỡ ngàng. Bố cứ ngồi nhìn chằm chằm vào điện thoại. Lúc ấy mình thấy sợ, thật sự rất sợ.

Lần đầu tiên trong đời mình cảm nhận được sự thất bại. Học trường cấp 3 trọng điểm tại Hà Nội nhưng trượt đại học. Chỉ có một từ để nói lên tâm trạng lúc ấy của mình là sự tuyệt vọng. Mình chọn cách quay lưng với bạn bè và người thân. Mình sợ ánh mắt khinh bỉ, sự nhạo báng hay những lời động viên giả tạo của mọi người nên mình chọn cách trốn tránh. Trốn tránh chính là vỏ bọc hoàn hảo cho những vết thương chưa được chữa lành. Lúc đấy, những đam mê với mình đều trở nên vô nghĩa. Mình không còn động lực để cố gắng.

Có những nỗi buồn mà nếu không tìm cách vượt qua thì có thể dẫn đến bế tắc và không có lối thoát. Mình đã cố gắng thoát ra khỏi cảm xúc tiêu cực và chán nản ấy nhưng thật là khó. Nghĩ đến ánh mắt đầy sự thất vọng của bố, mình lại nhụt chí. Trượt đại học đã khiến mình thấy bất lực và chẳng muốn chia sẻ cùng ai. Cứ âm thầm chịu đựng. Rồi mình thả trôi, để những buồn chán đeo bám bản thân mỗi ngày. Cú sốc trượt đại học đã khiến mình mất tinh thần và sự tự tin. Cho đến một ngày, mẹ nói với mình rằng: “Dù mọi thứ có tồi tệ đến đâu đi nữa, thì con hãy cứ an tâm rằng mọi chuyện rồi cũng sẽ ổn”. Mình đã chấp nhận và chia sẻ cảm xúc với mẹ. Đầu tiên, mình cho phép bản thân trải qua cảm xúc của nỗi buồn và thất bại. Sau đó mình đã chia sẻ với người thân, bạn bè, những người tin tưởng mình. Sự đồng cảm và lắng nghe từ người khác đã giúp mình giảm bớt cảm giác cô đơn. Mình cũng nghĩ rằng nếu giờ ngồi không để thời gian chết thì chi bằng quyết tâm ôn thi lại để vào được ngôi trường mình mong muốn.

Mình đã viết ra mục tiêu và những gì mình muốn đạt được trong thời gian tới. Có thể trượt đại học là một cơ hội để mình cân nhắc lại định hướng và quyết định về con đường tương lai. Mình tự vạch ra kế hoạch bao gồm việc tìm hiểu về các chương trình đào tạo khác, các khóa học trực tuyến, tìm kiếm việc làm hoặc thực tập để tích lũy kinh nghiệm. Có một điều quan trọng nhất mà mình đã làm để vượt qua nỗi buồn, đó là tìm những hoạt động và việc làm mà mình yêu thích có thể mang lại niềm vui cho bản thân. Mình đã dành thời gian một tháng cho những hoạt động này để giải tỏa căng thẳng và tìm lại cảm giác hạnh phúc trong cuộc sống hàng ngày. Thậm chí, nó chỉ là những hoạt động đơn giản như nghe nhạc, đi dạo, đọc sách, gọi điện cho bạn bè…

Mình nghĩ mỗi người sẽ có những cách khác nhau để vượt qua nỗi buồn của bản thân, nhưng mình tin rằng mọi người sẽ vượt qua được nó và ngày càng mạnh mẽ hơn. Đôi khi, những thất bại hay trở ngại trong cuộc sống có thể giúp chúng ta trưởng thành hơn./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/nguoi-tre-vuot-qua-noi-buon-nhu-the-nao-212764.htm