'Người trong cuộc' nêu áp lực của giáo viên chấm thi giáo viên giỏi cấp huyện

Căng thẳng không chỉ đối với những giáo viên dự thi mà ngay cả giám khảo cũng chịu nhiều áp lực khi đến chấm thi tại đơn vị người dự thi.

Theo hướng dẫn hiện hành, Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện thì 2 năm tổ chức 1 lần; Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh 4 năm tổ chức 1 lần. Đối với Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường thường tổ chức khá nhẹ nhàng và giáo viên chấm qua, chấm lại cho nhau nên gần như ai dự thi cũng đậu.

Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh có phần căng thẳng và áp lực hơn. Căng thẳng không chỉ đối với người dự thi mà ngay cả giám khảo cũng chịu nhiều áp lực khi đến chấm thi tại đơn vị người dự thi.

Những giáo viên giỏi thực sự, chuẩn bị chu đáo thì khá đơn giản khi đánh giá, xếp loại nhưng những giáo viên không có sự chuẩn bị tốt, chuyên môn và phương pháp còn hạn chế thì khâu xếp loại thường phải được phân tích cẩn thận. Nhưng, sau mỗi hội thi cũng rất khó tránh khỏi những thị phi, ai oán từ người dự thi.

Nhưng, hội thi không thể tất cả đều xếp loại A được mà có nhiều loại khác nhau, tùy vào năng lực, cách truyền đạt, tổ chức các hoạt động của giáo viên dự thi.

 Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Chấm thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện cũng chịu nhiều áp lực

Những giám khảo của Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện thường được phòng giáo dục và đào tạo lựa chọn là những thành viên hội đồng cốt cán; một số thầy cô là phó hiệu trưởng chuyên môn ở các nhà trường; một số thầy cô không kiêm nhiệm chức vụ nhưng họ có kinh nghiệm trong giảng dạy và đã dự thi giáo viên giỏi nhiều lần và đạt giải.

Mỗi nhóm giám khảo sẽ có 3 người. Nhóm trưởng thường là 1 thành viên cốt cán của bộ môn hoặc 1 phó hiệu trưởng chuyên môn. Nhóm trưởng sẽ là người lên lịch chấm thi, thông báo lịch thi cho Ban giám hiệu nhà trường có giáo viên dự thi.

Đồng thời, sẽ là người tổng hợp, làm báo cáo về ưu điểm, hạn chế trong hội thi để báo cho phòng giáo dục và đào tạo sau khi hoàn thiện việc chấm thi của nhóm.

Đối với giáo viên dự thi hiện nay sẽ thực hiện báo cáo 1 biện pháp góp phần nâng cao chất lượng và dạy thực hành 1 tiết tại đơn vị mình công tác. Chính vì thế, giám khảo sẽ đến đơn vị người dự thi để chấm.

Cái khó hiện nay là những giám khảo và người dự thi biết về nhau khá rõ, thậm chí là thân nhau vì công tác trong 1 địa bàn và thường xuyên tham gia dự thao giảng chuyên đề; tập huấn với nhau, một số người còn học chung với nhau thời đại học, cao đẳng sư phạm.

Trong số những thầy cô dự thi, có nhiều thầy cô là tổ trưởng, tổ phó chuyên môn ở các nhà trường nên những ảnh hưởng, mức độ thân thiết, quen biết với giám khảo càng khăng khít hơn.

Vậy nên, khi chấm thi bao giờ cũng có những khó khăn nhất định. Những thầy cô thực hiện biện pháp góp phần nâng cao chất lượng tốt, đầu tư công phu, thể hiện rõ thực trạng, các bước tiến hành, có kết quả cụ thể và giải pháp đó gắn với tiết dạy sẽ dễ dàng được xếp loại Đạt.

Bên cạnh đó, tiết thực hành nếu giáo viên chuẩn bị tốt kế hoạch bài dạy (giáo án); tổ chức tốt các hoạt động trên lớp; học sinh có sự chuẩn bị tốt về nhiệm vụ được giao- báo cáo sản phẩm- trao đổi, thảo luận với nhau- giáo viên nhận xét, chốt vấn đề từng hoạt động cụ thể sẽ dễ dàng được xếp loại Giỏi.

Một khi biện pháp góp phần nâng cao chất lượng được 3 giám khảo xếp loại Đạt; tiết thực hành được 3 giám khảo xếp loại Giỏi thì xếp loại chung sẽ là loại A.

Những tiết loại A được giám khảo thống nhất rất nhanh vì giáo viên thực hiện tốt các phần thi xếp loại A đơn giản vô cùng, không có gì bàn cãi.

Những giáo viên có thể hạn chế một chỗ nào đó, được 1 giám khảo xếp tiết dạy loại Khá, hoặc có 1 giám khảo xếp biện pháp góp phần nâng cao chất lượng xếp mức “không đạt” thì ra kết quả loại B.

Cái khó nhất là xếp giải ở loại C và “không xếp loại”. Vì ở các mức này khá nhạy cảm. Nếu rơi vào trường hợp những giáo viên dự thi đang kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn thường được giám khảo phân tích, đắn đo rất kĩ khi xếp loại. Bởi, giải C hoặc “không xếp loại” sẽ để lại rất nhiều phiền toái, oán trách sau khi phòng giáo dục và đào tạo chính thức công bố kết quả.

Dù người dự thi thực hiện không tốt, họ thừa nhận những hạn chế của mình sau khi báo cáo biện pháp góp phần nâng cao chất lượng và tiết thực hành nhưng năm nào sau khi công bố kết quả vẫn có những lời đàm tiếu, trách móc ban giám khảo.

Cũng vì vậy, rất ít khi ban giám khảo xếp loại chung là “không xếp loại”, nói nôm na là rớt, không đạt giải. Vì họ cũng không muốn phải nhận những lời lẽ khó nghe từ người dự thi và một phần cũng vì danh dự cho người dự thi.

Tuy nhiên, trong thực tế mỗi Hội thi đi qua, gần như đều có một vài trường hợp không đạt giải vì có nhiều hạn chế mà các thành viên trong ban giám khảo không thể nương tay nổi.

Cần có cái nhìn cảm thông với Ban giám khảo Hội thi giáo viên dạy giỏi

Thực tế, không mấy ai muốn đi chấm thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh- nhất là giám khảo cấp huyện vì nó có nhiều áp lực, tiềm ẩn rất nhiều điều nhạy cảm và có muôn vàn áp lực. Bởi, họ cũng đang phải dạy số tiết theo định mức tại đơn vị. Khi đi chấm thi, phải đổi tiết, hoặc phải né tiết dạy của mình ở trường để tham gia theo lệnh điều động.

Chế độ chấm thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện hiện nay ở một số địa phương dao động khoảng 100 ngàn đồng/ giáo viên dự thi cho chấm giải pháp và tiết thực hành.

Mỗi buổi chấm được thi 1 hoặc 2 giáo viên nên điểm chấm xa nhà cũng chỉ đủ trang trải tiền xăng, nước nôi. Nhưng, một khi được cấp trên điều động, họ sẽ phải chấp hành, thực hiện nhiệm vụ được phân công và đương nhiên là những giám khảo phải đánh giá khách quan kết quả của người dự thi.

Dù biết rằng người dự thi là đồng nghiệp, bạn bè và có thể tổ trưởng chuyên môn ở các nhà trường- những người thường xuyên gặp mặt, tiếp xúc với nhau nhưng nếu làm không khách quan sẽ ảnh hưởng đến kết quả chung của hội thi và quyền lợi chung của tất cả giáo viên dự thi.

Không thể giáo viên này dạy tốt mà vì họ không phải là người quen, không kiêm nhiệm chức vụ mà xếp loại B hoặc C. Ngược lại, có giáo viên dự thi dạy không tốt; biện pháp góp phần nâng cao chất lượng thực hiện sơ sài nhưng vì họ là tổ trưởng chuyên môn hoặc người thân quen của giám khảo mà xếp loại A được.

Những giám khảo Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh họ phải lấy tiêu chí của hội thi làm trọng. Có thể chưa được tuyệt đối nhưng cũng phải cố gắng làm sao để chấm một cách công tâm, khách quan nhất có thể.

Để khi phòng giáo dục và đào tạo chính thức công bố kết quả hội thi, những thầy cô đạt loại A, loại B cảm thấy mình xứng đáng. Những thầy cô xếp loại C hoặc không xếp loại nhận thấy những hạn chế của mình để hội thi sau khắc phục và thực hiện tốt hơn.

Thực ra, Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện hay cấp tỉnh cũng chỉ là một hoạt động thoáng qua trong một thời gian rất ngắn và giáo viên xếp loại nào cũng chỉ mang tính tương đối vì giám khảo chỉ dự 1 tiết thực hành.

Vì vậy, giám khảo hay người dự thi cũng cần cố gắng hết mình để có thể làm tốt nhất nhiệm vụ của mình. Họ chỉ mong rằng những giáo viên dự thi nếu không được ban giám khảo xếp loại cao cũng cần có cái nhìn tích cực. Tất cả vì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục ở các nhà trường và góp phần vào nhiệm vụ chung của ngành, của địa phương mình đang công tác.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG GIANG

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nguoi-trong-cuoc-neu-ap-luc-cua-giao-vien-cham-thi-giao-vien-gioi-cap-huyen-post247841.gd