Người trồng đào phai Cổ Đạm tất bật vào vụ tết

Để phục vụ thị trường tết Nguyên đán, người trồng đào phai ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tích cực cắt tỉa cành, vun gốc... giúp cây ra hoa đúng dịp, mang lại giá trị kinh tế cao.

Gia đình ông Hoàng Ngọc Trà ở thôn Xuân Sơn có gần 1.300 gốc đào phai.

Gia đình ông Hoàng Ngọc Trà ở thôn Xuân Sơn có gần 1.300 gốc đào phai.

Vườn đào gần 1.300 gốc được gia đình ông Hoàng Ngọc Trà (thôn Xuân Sơn) chăm sóc kỹ lưỡng sẽ cho thu hoạch vào dịp tết năm nay, dự kiến mang về cho gia đình ông từ 600 – 700 triệu đồng.

Với kinh nghiệm trồng đào lâu năm, ông Trà cho biết: Thông thường cứ vào giữa tháng 11 âm lịch, người trồng sẽ tiến hành tuốt lá cho cây đào nhưng tuy vào tình hình thực tế để căn chỉnh phù hợp. Năm nay rét muộn, dự báo thời tiết sẽ ấm hơn nên việc “thay áo mới” để đào nở đúng dịp sẽ chậm hơn một tuần. Chúng tôi đang tập trung tỉa bớt lá già, loại bỏ cành khô và chăm sóc cây. Việc tuốt lá cũng khác nhau tùy vào độ tuổi của cây; trên từng cây cũng phải lựa chọn tuốt cành non, yếu trước, cành già, khỏe sau".

Người dân tích cực chăm sóc với hy vọng hoa đào nở đúng dịp, mang lại thu nhập cao

Người dân tích cực chăm sóc với hy vọng hoa đào nở đúng dịp, mang lại thu nhập cao

Những ngày này, bà Phan Thị Lan (thôn Xuân Sơn) tích cực ra vườn làm cỏ, chăm sóc 300 gốc đào của gia đình với hy vọng đào sẽ ra hoa đẹp, đúng dịp tết. “Do nhiều nguyên nhân, vụ đào năm trước hoa không được đẹp, giá thấp nên gia đình quyết định không bán mà tiếp tục chăm sóc phục vụ nhu cầu dịp tết Nguyên đán 2024. Trồng đào không vất vả, tốt kém như cây cảnh khác nhưng người trồng phải theo dõi thời tiết, xác định tuổi đào, loại đào để quyết định thời gian thực hiện mỗi công đoạn. Đối với những cây có dấu hiệu phát triển chậm, tôi tập trung bón thúc, còn những cây tốt vượt ngưỡng thì phải hãm lại bằng cách không bón phân” – bà Lan chia sẻ.

Xã Cổ Đạm được gọi là “thủ phủ” trồng đào của huyện Nghi Xuân với gần 100 hộ dân trồng từ 40 - 1.300 cây/hộ, tập trung chủ yếu ở thôn Xuân Sơn. Nghề trồng đào gắn bó lâu đời với người dân địa phương, mang lại giá trị kinh tế khá cao và tạo nên thương hiệu “đào phai Cổ Đạm” được nhiều người biết đến.

Đào phai ở xã Cổ Đạm được khách hàng ưa chuộng vì dáng cây đẹp, nụ hoa to màu hồng nhạt...

Đào phai ở xã Cổ Đạm được khách hàng ưa chuộng vì dáng cây đẹp, nụ hoa to màu hồng nhạt...

Theo người dân, khi cây có độ tuổi từ 2-3 năm mới tiến hành thu hoạch nên phải trồng theo hình thức “cuốn chiếu” để năm nào cũng có đào bán ra thị trường. Để trồng được một cây đào phai đẹp, người trồng phải chọn giống đào tốt, cắt ghép mắt, tạo dáng, kết hợp với quá trình chăm sóc, bón phân, tỉa tuốt lá vào những thời điểm thích hợp...

Đào phai ở xã Cổ Đạm có dáng cây đẹp, nụ hoa to, cánh đẹp màu hồng nhạt... Mặc dù mới tháng 11 âm lịch nhưng nhiều thương lái đã đến thăm vườn, khảo sát giá để chuẩn bị cung ứng thị trường tết. Nhiều cành đào gốc to, thế đẹp đã có khách đặt mua.

“Chúng tôi đang xúc tiến xây dựng sản phẩm OCOP hoa đào phai nhằm khẳng định thương hiệu của địa phương, đồng thời phát triển bền vững, nâng cao giá trị kinh tế cho người dân - Chủ tịch UBND xã Cổ Đạm Lê Thanh Bình cho biết.

Tin liên quan:

Hữu Trung

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/nong-nghiep/nguoi-trong-dao-phai-co-dam-tat-bat-vao-vu-tet/259028.htm