Người trồng dừa ở Bến Tre 'bắt trend' xuất khẩu, chia 'miếng bánh' trăm triệu USD

Hàng năm ngành dừa chế biến xuất khẩu đạt giá trị 300 triệu USD. Với việc Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch dừa tươi của Việt Nam sang Trung Quốc vừa được ký kết, các HTX, hộ sản xuất dừa ở 'thủ phủ' dừa Bến Tre cần nhanh chóng có chiến lược để tận dụng thời cơ.

Cách đây hơn 3 năm, Hưng Lễ còn là một trong những xã nghèo của huyện Giồng Trôm với 403 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 19,4%; hộ cận nghèo có 60 hộ, chiếm 2,8%.

Tuy nhiên, bằng việc chú trọng xây dựng các mô hình kinh tế thoát nghèo bền vững, đặc biệt là phát triển chuỗi giá trị với cây dừa, trong đó có các mô hình như vườn dừa hữu cơ kết hợp du lịch miệt vườn, đã giúp kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, thay đổi diện mạo kinh tế, xã hội xã Hưng Lễ.

Giảm nghèo, làm giàu từ trái dừa

HTX Dịch vụ nông nghiệp Công Bằng Hưng Lễ đang là một trong những “mũi tiên phong” trong phát triển chuỗi giá trị dừa ở Hưng Lễ. Cách đây 4 năm, HTX liên kết với Tổ chức FLO (Tổ chức phi chính phủ) trồng dừa đạt tiêu chuẩn Fairtrade (thương mại công bằng) với giá cao.

Trở thành thành viên HTX từ những ngày đầu mới thành lập, gia đình ông Đỗ Xuân Lạc đang canh tác 17 công vườn dừa đạt chuẩn Fairtrade. Nhờ được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, cách bón phân nên gia đình ông duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn Fairtrade để bán được giá cao hơn, thu nhập ổn định.

Việc có "visa" chính ngạch sang Trung Quốc là tin vui với người trồng dừa ở Bến Tre.

Việc có "visa" chính ngạch sang Trung Quốc là tin vui với người trồng dừa ở Bến Tre.

Được biết, khi tham gia vào chuỗi liên kết, thành viên HTX Công Bằng Hưng Lễ sẽ được hỗ trợ bao tiêu dừa phục vụ xuất khẩu, với giá cao hơn cả dừa hữu cơ.

Đáng chú ý, hàng năm, dựa vào đơn hàng xuất đi, sẽ có một nguồn kinh phí đáng kể được bên liên kết trích lại để HTX thực hiện các công trình phúc lợi tại địa phương, xây nhà tình thương, tặng quà cho học sinh nghèo, phát miễn phí phân bón cho các thành viên HTX…

Cùng với Hưng Lễ, một số địa phương khác trong huyện Giồng Trôm cũng đang phát triển mạnh chuỗi giá trị dừa với vai trò lớn của các HTX, trong đó có mô hình trồng dừa hữu cơ. Đơn cử như xã Châu Bình hiện đã chuyển đổi hơn 1.307ha dừa (chiếm hơn 50% diện tích dừa của xã) sang hình thức sản xuất hữu cơ.

Gia đình anh Ngô Văn Hội vốn trước đây là một hộ nông dân nghèo ở xã Châu Bình. Nhờ tham gia vào chuỗi giá trị trồng dừa hữu cơ và là thành viên của HTX nông nghiệp Châu Bình mà cuộc sống của gia đình ngày càng khấm khá.

Sở hữu 6ha đất vườn dừa hữu cơ, thu nhập của gia đình anh Hội mỗi năm tầm 1 tỷ đồng, sau khi đã trừ chi phí. Anh Hội chia sẻ: "Với sự đồng hành của doanh nghiệp liên kết, các thành viên của HTX trong đó có tôi, đang áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ. Toàn bộ sản phẩm được công ty bao tiêu và thu mua với giá cao".

Hưng Lễ và Châu Bình là 2 xã điển hình của huyện Giồng Trôm trong việc phát triển chuỗi giá trị dừa với vai trò quan trọng của HTX nhờ tham gia trồng dừa đạt tiêu chuẩn Fairtrade, và trồng dừa hữu cơ.

Thay đổi tư duy sản xuất

Không chỉ ở Giồng Trôm, các chuỗi giá trị dừa đang lan rộng khắp trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Như ở huyện Bình Đại, những năm qua, huyện đã khuyến khích các hộ dân liên kết thành lập các tổ hợp tác, HTX để đẩy mạnh sản xuất hữu cơ, xây dựng chuỗi giá trị dừa nhằm nâng cao giá trị kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, mở hướng đi bền vững.

Ông Lê Quốc Dũng, xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại, cho biết ông cảm thấy rất vui mừng khi vườn dừa tươi (dừa xiêm xanh) gần 3ha của gia đình chuẩn bị cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian tới.

Đẩy mạnh xuất khẩu sẽ giúp trái dừa nâng cao giá trị trở thành cây làm giàu của người dân, HTX.

Đẩy mạnh xuất khẩu sẽ giúp trái dừa nâng cao giá trị trở thành cây làm giàu của người dân, HTX.

Theo ông Dũng, trước đây vườn dừa của gia đình chủ yếu bán cho thương lái địa phương, sau này thì chuyên nghiệp hơn khi ký kết với doanh nghiệp thu mua thông qua HTX. Giờ đây, vườn dừa chuẩn bị cấp mã số vùng trồng nên được ông Dũng chăm sóc theo tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu.

Ông Dũng cũng chia sẻ nhiều nhà vườn đang sẵn sàng áp dụng chăm sóc vườn dừa theo quy trình kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Những người trồng dừa như ông cũng mong có nhiều thị trường tiêu thụ để giá trái dừa tươi tăng, ổn định lâu dài, khi đó thu nhập người nông dân cao hơn, kinh tế sẽ phát triển.

Bến Tre đang là “thủ phủ” trồng dừa của cả nước. Tính đến hết quý I/2024, tổng diện tích dừa của tỉnh đạt 79.078ha, tăng 1,36% so với cùng kỳ năm 2023. Diện tích tăng chủ yếu do một số diện tích lúa không hiệu quả hoặc không còn phù hợp với vùng canh tác được người dân chuyển sang trồng dừa.

Mục tiêu của tỉnh Bến Tre trong giai đoạn 2024 - 2025, sẽ phát triển ổn định diện tích dừa khoảng 79.000ha. Xây dựng vùng sản xuất tập trung dừa, gắn với phát triển chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tuần hoàn và chế biến sâu các sản phẩm dừa.

Đặc biệt, tỉnh chủ trương phát triển thêm 1.500ha dừa hữu cơ, diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 2.000ha. Cải tạo 1% vườn dừa kém hiệu quả, vườn dừa lão để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm dừa. Giá trị sản xuất ngành sản xuất chế biến dừa tăng bình quân từ 17,2%/năm. Kim ngạch xuất khẩu dừa tăng bình quân 23,58%/năm, đạt khoảng 1 tỷ USD.

Bắt trend xuất khẩu, hướng tới thị trường triệu USD

Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, bên cạnh giữ vững và mở rộng thị trường nội địa, ngành dừa tỉnh Bến Tre đang hướng mạnh tới các thị trường xuất khẩu lớn. Hiện, tỉnh có hơn 40 loại sản phẩm chế biến từ dừa đang được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Lào, Mỹ, Pháp, Canada, Úc…

Ngoài ra, còn có khoảng hơn 100 sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ cây dừa, trái dừa, gáo dừa, cọng dừa… cũng được tiêu thụ mạnh. Hàng năm, các sản phẩm từ dừa chiếm tỷ trọng khoảng 20 - 30% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Ông Huỳnh Quang Đức, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, cho biết trung bình hàng năm ngành dừa chế biến xuất khẩu đạt giá trị 300 triệu USD. "Khi trái dừa tươi được xuất khẩu chính thức, con số này sẽ tăng thêm", ông Đức nhấn mạnh.

Tin vui mới nhất cho người trồng dừa ở Bến Tre là Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch dừa tươi của Việt Nam sang Trung Quốc vừa được ký kết. Toàn tỉnh hiện có 133/134 vùng trồng cơ bản đáp ứng các điều kiện về sản xuất theo quy định hiện hành; đăng ký cấp mã số vùng trồng dừa tươi XK với diện tích trên 8.000 ha và gần 13.000 hộ tham gia.

Để tận dụng cơ hội, theo các chuyên gia, trong thời gian tới, Bến Tre cần hỗ trợ hình thành các hình thức liên kết sản xuất như hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ sản xuất nhằm trao đổi sản xuất, chia sẻ thông tin thị trường và liên kết với các công ty, ký kết bao tiêu sản phẩm dừa. Nhất là cần tập trung chỉ đạo xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và quản lý tốt chất lượng để hướng đến xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sau khi đã có “visa” chính ngạch.

Bên cạnh thị trường Trung Quốc, tỉnh Bến Tre cần tích cực kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông dân, HTX trồng dừa, tránh tình trạng nghiêng quá nhiều về một thị trường xuất khẩu nào đó, từ đó tạo thế chủ động, duy trì mặt bằng giá bán cao, mang lại lợi ích bền vững.

Lệ Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/nguoi-trong-dua-o-ben-tre-bat-trend-xuat-khau-chia-mieng-banh-tram-trieu-usd-1101855.html