Những tỉnh vùng ĐBSCL có kim ngạch thương mại tỷ USD

8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đạt 27,2 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận xuất siêu 9,6 tỷ USD.

Sản phẩm cua Cà Mau được giới thiệu tại hội chợ. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Sản phẩm cua Cà Mau được giới thiệu tại hội chợ. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Theo Mekong ASEAN tính toán số liệu từ Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2024, các địa phương vùng ĐBSCL thu về 18,4 tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu hàng hóa, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước (YoY).

Vùng có 6 địa phương mang về kim ngạch xuất khẩu tỷ USD với tổng 14,5 tỷ USD, chiếm 78% tổng giá trị. Trong đó, Long An tiếp tục là địa phương dẫn đầu với 5,09 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Đứng sau là Tiền Giang với 4,33 tỷ USD, tăng 22,2% YoY.

Tỉnh Đồng Tháp xuất khẩu hàng hóa cũng mang về 1,63 tỷ USD, tăng 16,6% YoY; Sóc Trăng với 1,25 tỷ USD, tăng 25,8% YoY; Cần Thơ với 1,12 tỷ USD, tăng 6,3% YoY và Bến Tre với 1,07 tỷ USD, tăng 11,6% YoY.

Ngoài các địa phương trên, tỉnh An Giang cũng mang về 925 triệu USD từ hoạt động xuất khẩu, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước; Vĩnh Long với 718 triệu USD, tăng 21,7% YoY.

Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Hậu Giang cũng đạt 470,7 triệu USD, tăng 20% YoY; Bạc Liêu với 339 triệu USD, 5,9% YoY và Trà Vinh với 262 triệu USD, tăng 22,6% YoY.

Trái ngược với đà tăng trưởng trên, hàng hóa xuất khẩu của Kiên Giang và Cà Mau lại ghi nhận giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước với lần lượt -0,2% YoY và -1,1% YoY, đạt 599 triệu USD và 619 triệu USD.

Về nhập khẩu, các địa phương vùng ĐBSCL chi 8,79 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa trong 8 tháng đầu năm 2024, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước.

Hai địa phương có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất lần lượt là Long An với 3,3 tỷ USD và Tiền Giang với 2,17 tỷ USD, tăng lần lượt 18,1% YoY và 18,4% YoY. Tổng kim ngạch của hai địa phương này đạt 5,47 tỷ USD, chiếm 62% tổng giá trị nhập khẩu của vùng.

Trong 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL, trong 8 tháng đầu năm, Cà Mau là địa phương có đà tăng trưởng cao nhất về kim ngạch nhập khẩu với +144,9% YoY, lên mức 173 triệu USD. An Giang là địa phương có mức tăng trưởng cao thứ hai với +51,7% YoY, đạt 575 triệu USD; tiếp đến là Bạc Liêu với +46,9% YoY, đạt 95,4 triệu USD; Trà Vinh với +40,8% YoY, đạt 421 triệu USD.

Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Hậu Giang lại giảm sâu 22,2% YoY, còn 188 triệu USD; Kiên Giang với -11,8% YoY, còn 114 triệu USD; Sóc Trăng với -7,3% YoY, đạt 135 triệu USD. Hàng hóa nhập khẩu vào Cần Thơ cũng giảm 8,2% YoY về giá trị, còn 299,6 triệu USD.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Đồng Tháp đạt 645 triệu USD, tăng nhẹ 2,7% YoY. Vĩnh Long cũng chi 367 triệu USD để nhập khẩu hàng hóa, lên 0,9% YoY; Bến Tre với 299,7 triệu USD, tăng 8% YoY.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nhung-tinh-vung-dbscl-co-kim-ngach-thuong-mai-ty-usd-33350.html