Người trồng mì tại phía Đông tỉnh Gia Lai bị ảnh hưởng kép

Mì là một trong những cây trồng chủ lực của các huyện, thị xã khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai. Năm nay, năng suất và giá mì nguyên liệu đều giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người dân.

Theo thống kê, vụ này, nông dân huyện Kbang đã trồng 4.177 ha mì. Dù đang vào mùa thu hoạch nhưng những người trồng mì nơi đây lại vô cùng rầu rĩ vì mì vừa mất mùa, vừa mất giá. Anh Đinh Rêu (làng Tờ Mật, xã Đông) cho hay: Tháng 8-2018, tôi xuống giống 7 sào mì, gặp lúc thời tiết thuận lợi nên cây nảy mầm xanh tốt. Tuy nhiên, bước sang năm 2019, nắng hạn kéo dài cộng với bệnh khảm lá vi rút hoành hành đã ảnh hưởng rất lớn tới sự sinh trưởng, phát triển của cây mì. Nhiều đám giờ nhổ lên chỉ có rễ mà không có củ. Những cây có củ thì cũng rất nhỏ dù tôi đã chăm sóc, bón phân đầy đủ. “7 sào mì mà chỉ thu được khoảng 5 tấn củ, bán giá 1.700 đồng/kg, trừ tiền cày, công nhổ, tiền phân, tiền vận chuyển thì hòa vốn. Cũng với diện tích này, năm ngoái, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi còn lời hơn 20 triệu đồng”-anh Rêu nói.

Mì giảm giá, giảm năng suất khiến nhiều nông dân ở khu vực phía Đông tỉnh thất thu. Ảnh: N.M

Mì giảm giá, giảm năng suất khiến nhiều nông dân ở khu vực phía Đông tỉnh thất thu. Ảnh: N.M

Nhiều nông dân huyện Đak Pơ cũng đang thất vọng khi mì rớt giá khá sâu. Anh Nguyễn Đức Khánh (thôn An Quý, xã Phú An) bộc bạch: Năm ngoái, giá mì bình quân đạt 2.700 đồng/kg, thậm chí có thời điểm hơn 3.000 đồng/kg nên ai trồng mì đều trúng. Thấy vậy, năm nay, tôi chuyển 7 sào đất chuyên trồng rau, ớt, bí sang trồng mì. Mới đây, tôi thu hoạch được 25 tấn mì, thuê xe vận chuyển tới tận nhà máy bán với giá 2.100 đồng/kg. Giá bán giảm nhưng công nhổ và công bốc lên xe lại cao hơn năm trước 50-70 ngàn đồng/tấn nên số tiền thu về chẳng đáng là bao.

Ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ-cho biết: Mì là một trong những cây trồng chủ lực của huyện. Vụ mì năm nay, toàn huyện có 1.278 ha, chủ yếu là các giống KM94, KM98-5, KM95 và ReyOng 60. Do ảnh hưởng của nắng hạn kéo dài cộng với sâu bệnh hoành hành nên hầu hết diện tích mì đều bị ảnh hưởng, thiệt hại 30-70%. Trong khi đó, giá mì giảm trung bình 700-1.000 đồng/kg, có lúc giảm một nửa so với năm ngoái. Bên cạnh đó, các loại chi phí đều tăng lên nên người dân thất thu 18-20 triệu đồng/ha so với vụ trước.

Theo ông Đinh Phi Hùng-Phó Giám đốc phụ trách Nhà máy tinh bột sắn Gia Lai, việc người dân ồ ạt thu hoạch mì cùng thời điểm gây khó khăn cho việc tiêu thụ của nhà máy. Để tránh tình trạng này, bà con nên trồng rải rác tất cả các tháng trong năm thay vì tập trung vào thời vụ. Giống mì KM 94 có đặc điểm kháng bệnh tốt hơn các giống khác nên người dân cần ưu tiên trồng. Đặc biệt, bà con không nên lấy giống mì ở các ruộng đã nhiễm bệnh để trồng lại… Trong quá trình trồng, chăm sóc, người dân nên tuân thủ kỹ thuật, phòng ngừa sâu bệnh, bón phân đầy đủ để mì đạt năng suất, chất lượng cao.

Cũng theo ông Hùng, qua khảo sát của nhà máy, đến đầu tháng tháng 6-2019, 4 huyện, thị xã phía Đông tỉnh có tổng cộng 9.750 ha mì, năng suất bình quân đạt 20 tấn/ha. Về nguyên nhân giá thu mua mì nguyên liệu sụt giảm, ông Hùng thông tin: “Hiện nay, giá tinh bột mì trên thị trường thế giới giảm, kéo theo giá mua mì nguyên liệu giảm. Nếu như thời điểm tháng 10-2018, giá củ mì tươi mua tại nhà máy là hơn 3.000 đồng/kg thì năm nay chỉ còn hơn 2.280 đồng/kg đối với mì tương đương 30 độ bột. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nắng hạn, dịch bệnh nên trung bình mì chỉ đạt 24-27 độ bột, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân”.

NGỌC MINH

Ứng dụng Báo Gia Lai đã lên 2 kho ứng dụng:

- Google Play: http://bit.ly/2PcYBHy

- App Store: https://apple.co/2W9SmGa

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8208/201910/nguoi-trong-mi-tai-phia-dong-tinh-gia-lai-bi-anh-huong-kep-5655506/