Người truyền lửa
Nà Mỏ khi xưa là Nà Mó, tức là thửa ruộng nhỏ nằm giữa khe núi (một tổ dân phố thuộc thị trấn Na Hang), cái tên nói lên sự khắc nghiệt của vùng đất nơi rẻo cao. Xưa, người Dao nơi đây nghèo lắm, đất canh tác không có, loay hoay đủ nghề vẫn bị đói lúc giáp hạt. Cuộc sống lớp người già tưởng chừng mãi lẩn quẩn là thế, nhưng đến lớp trẻ lại xuất hiện những người dám nghĩ, dám làm, giúp đỡ bà con vượt cơn bĩ cực đến thời thái lai.
Người trẻ tiên phong
Anh La Văn Hưởng thuộc thế hệ đời đầu tuổi 9x, khác với bạn bè cùng trang lứa có cuộc sống đủ đầy, học hành đến nơi đến chốn, anh phải nghỉ học từ năm lớp 8 để phụ giúp gia đình.
Anh ngậm ngùi kể, ngày xưa nhà nghèo lắm, đến lúc giáp hạt bố mẹ anh đều lo chạy vạy khắp nơi để gia đình có cái ăn. Năm 2005, sau khi được đền bù giải phóng mặt bằng thi công tuyến đường Quốc lộ 279, có một số tiền nho nhỏ, anh mạnh dạn xin bố mẹ trích một phần tiền để mua 2 con trâu sinh sản phụ giúp kinh tế gia đình.
Ngày đó mới 15 tuổi, hình ảnh cậu bé Hưởng nhỏ con, đen nhẻm ngày nào cũng đuổi trâu lên đồi từ lúc tinh mơ gà gáy và trở về khi trời đã nhá nhem tối in đậm trong tâm trí mọi người. Năm 2008, Hưởng có được thành quả đáng nể khi có trong tay 8 con trâu, làng trên xóm dưới ai cũng khâm phục và bắt đầu dạy con cái về tấm gương vươn lên của cậu thanh niên ở cuối thôn.
Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, tháng 12 âm lịch năm 2008, trời đổ sương muối lạnh thấu xương, cứ nghĩ trâu chống chọi được với thời tiết, anh cũng chủ quan không làm chuồng trại. Năm đó thời tiết khắc nghiệt khiến 3 con nghé bị chết do lạnh, thực sự anh bị sốc. “Mất bò mới lo làm chuồng”, nhưng Hưởng không thấy muộn. Anh quyết tâm không mắc lại sai lầm, coi đó là bài học để đời. Anh tự tìm hiểu sách vở, tự học cách phòng bệnh cho trâu, chữa các bệnh ký sinh trùng để đỡ tốn chi phí, đàn trâu tăng nhanh về số lượng, đến năm 2015 tăng lên 15 con, cơ ngơi lúc đó ngót nghét 500 triệu đồng.
Nà Mỏ bao quanh bởi rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, nguồn thức ăn lá cây rừng dồi dào là nguồn thức ăn cho dê. Năm 2010, cầm số tiền 30 triệu đồng mua dê giống. Nhưng cùng năm đó đàn dê mắc bệnh lở mồm long móng, dân Nà Mỏ xì xào, thằng Hưởng lần này thất bại rồi. Anh không bỏ cuộc, anh cách ly đàn, tự lên rừng lấy thuốc về chữa. “Vỏ cây khế, nước măng chua, quả núc nác cứu được gần nửa đàn không bị bệnh” - anh kể.
Ngày xưa Nà Mỏ chưa có điện, nhà nào cũng heo hắt vài cây đèn dầu, lũ trẻ học bài lò dò từng chữ trông thật vất vả, mang trong mình sức trẻ thanh niên lại đương nhiệm Bí thư chi đoàn thôn, năm 2012, anh Hưởng bỏ số tiền 10 triệu đồng mua 1 máy phát điện chạy nước công suất 10Kw về tự tay lắp đặt, tự tay kéo dây cho 25 hộ dân trong thôn. Anh kể, mình học cách lắp máy ở xã Sơn Phú, rồi bỏ thời gian ra các quán Internet ở thị trấn Na Hang học thêm qua các video trên mạng. Nhớ mãi giữa năm 2012, khi điện kéo về cả thôn vui lắm, có điện nhà nào cũng sáng bừng hẳn lên, mình còn mua tủ lạnh, ti vi cho lũ trẻ con được xem truyền hình, đến cuối năm 2016 khi có điện lưới quốc gia về thôn lúc này chiếc máy phát điện mới dừng hoạt động.
Ngày đó, anh La Văn Hưởng nổi lên như một tấm gương, một hiện tượng, bà con trong thôn ai cũng tự hào kể về câu chuyện vượt khó của anh. Trong căn nhà khang trang anh chia sẻ, năm 2018, mình xây căn nhà này hết 620 triệu đồng, đây là căn nhà xây đầu tiên của thôn, cũng là niềm mơ ước quá nửa đời người của bố mẹ, và anh đã làm được.
Những sáng kiến giúp Dân
Toàn thôn Nà Mỏ có 2 ha đất ruộng chia đều cho 25 hộ dân, điều này đã nói lên sự vất vả khi chống chọi với cái đói, cái nghèo ở đây.
Khu vực Nà Khẻo là nơi xa nhất của thôn Nà Mỏ, ở đây có 3 gia đình sinh sống và có 3 em học sinh đang theo học tại các điểm trường, đường sá đi lại khó khăn ảnh hưởng nhiều đến việc học. Anh Hưởng kể, năm 2012 mình vận động được 26 đoàn viên tham gia làm con đường dài hơn 200 mét để kéo Nà Khẻo gần hơn, bà con vui lắm, không nghĩ thanh niên lại làm được điều này. Sẵn khí thế, anh vận động đoàn viên làm thêm con đường đến Phân hiệu mầm non, tuy dài hơn 100 mét nhưng có 2 hộ dân tình nguyện hiến đất, mỗi hộ 200 m2 đất ruộng. Ông Bàn Đức Quân nhớ lại, ngày đó được vận động hiến đất làm đường ông cũng suy nghĩ lắm bởi đất ruộng canh tác ít, nhưng nghĩ lũ trẻ có con đường sạch sẽ đến trường ông đã đồng ý, giờ nghĩ lại càng thấy quyết định của mình là đúng.
Cuối năm 2012, anh Hưởng đứng ra xin chính quyền Thị trấn khai hoang 400 m2 đất hoang bìa rừng để trồng ngô, lúc đầu vận động đoàn viên tham gia cũng khó khăn, anh đứng ra làm trước. Mỗi ngày một chút, đoàn viên thấy Bí thư cặm cụi làm đất một mình thì thấy ngại và cũng tự hăng hái lên, ai cũng tham gia trồng và chăm sóc ngô, mỗi năm quỹ đoàn của thôn cũng thu về được hơn 2 triệu đồng, ngoài chi dùng cho sinh hoạt đó cũng là nguồn vốn nho nhỏ giúp nhiều đoàn viên có thêm vốn để làm kinh tế.
Đầu năm 2013, được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn khi mới tròn 22 tuổi, trọng trách lớn lao, anh lo lắm, bởi dân trí không cao sẽ là rào cản để tiếp cận người dân. Ngày đó ở thôn có gia đình anh Triệu Văn Chuổng nhà nghèo lại đông con, không có đất sản xuất, năm 2014, anh Hưởng đi từng nhà vận động các hộ dân tham gia dựng nhà cho anh Chuổng, toàn thôn góp được 80 ngày công làm nhà. Anh Chuổng hồ hởi, được dựng nhà là mơ ước của gia đình anh, nghĩ lại cảnh ở căn nhà dột nát tự dưng anh thấy sợ, sợ cái đói, cái nghèo đeo bám, chính vì thế anh phải làm kinh tế để khấm khá lên, không phụ công chú Hưởng.
Tay cầm tờ quyết định giao đất rừng của thôn, anh Hưởng chia sẻ, năm nay thôn mình vui lắm vì đã có đất rừng, nhà nào ít thì có 0,5 ha, nhà nào nhiều thì có 1 ha.
Nà Mỏ đúng như cái tên, mang một ý nghĩa nhỏ nhoi, năm 2021 sau khi đổi tên từ thôn thành Tổ dân phố Nà Mỏ thì nơi đây vẫn là nơi ít dân cư nhất và ít đất sản xuất nhất, thu nhập bình quân đầu người thấp nhất của thị trấn Na Hang, chỉ hơn 20 triệu đồng/người/năm. Tuy vậy ở đây vẫn có những người cầm đuốc, truyền lửa giúp nhân dân từng bước vươn lên thoát nghèo.
Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/phong-su/nguoi-truyen-lua-175125.html