Người truyền lửa cho Đổi mới

Tôi bắt đầu tham gia Tổ Tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm 1996. Đây thực sự là bước ngoặt trong công việc của bản thân tôi. Lúc đó, sau 3 năm hoạt động, Tổ Tư vấn của Thủ tướng được tổ chức lại thành Tổ Nghiên cứu đổi mới kinh tế, xã hội và hành chính, với 21 thành viên, trong đó có 11 người làm chuyên trách, 10 người kiêm nhiệm.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm cán bộ và công nhân Công ty Xây lắp điện 3 đang thi công đường dây 500kV Bắc - Nam tháng 5-1993. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm cán bộ và công nhân Công ty Xây lắp điện 3 đang thi công đường dây 500kV Bắc - Nam tháng 5-1993. Ảnh: TTXVN

Hầu hết thành viên từng hoặc vẫn đang là trợ lý của Thủ tướng, là lãnh đạo của các viện nghiên cứu lớn, chuyên viên cao cấp của Văn phòng Chính phủ hoặc các ban của Đảng. Tôi thuộc số thành viên mới và kiêm nhiệm của tổ này. Lúc đó, tôi đang là Tổng thư ký Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Thủ tướng Võ Văn Kiệt bảo tôi: “Chị cứ tiếp tục làm việc ở VCCI và tham gia Tổ Tư vấn để giúp tôi hiểu được các vấn đề của doanh nghiệp, đưa ra được những chính sách trúng hơn cho doanh nghiệp và kinh tế nước ta phát triển”.

Tôi thực sự hiểu và yêu thích cơ chế “5 không” của Tổ Tư vấn (sau này là Ban Nghiên cứu), là không biên chế, không chức vụ, không lương, không có cấp trên cấp dưới, và không bị hạn chế khi đóng góp ý kiến với lãnh đạo. Với cơ chế này, chúng tôi không bị chi phối bởi bất cứ lợi ích nào khác ngoài lợi ích quốc gia, lợi ích của nhân dân, cũng không sợ hãi trước sức ép của thế lực hay lợi ích ngược chiều nào đó. Cũng với cơ chế này, chúng tôi thả sức nghĩ, đọc, viết, lắng nghe, học hỏi, bàn thảo, tranh luận với đồng nghiệp trong và ngoài ban, với các cộng đồng trong xã hội, với các cơ quan liên quan, kể cả với người đứng đầu Chính phủ, để góp sức mình cho sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước.

Từ chỗ chỉ tự học hỏi, nghiên cứu để thực hiện nhiệm vụ của mình ở VCCI, chủ yếu về 2 mảng quan hệ kinh tế quốc tế và pháp lý - chính sách về kinh tế và môi trường kinh doanh, rồi tham gia phản biện chính sách chủ yếu với góc độ vì doanh nghiệp, cho doanh nghiệp, tôi chuyển sang học hỏi, nghiên cứu một cách có hệ thống hơn, sâu rộng hơn các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặt trên nền tảng lợi ích chung của đất nước, của dân tộc và trong mối quan hệ tương tác giữa nhà nước, thị trường và xã hội.

Tôi thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe và học hỏi được rất nhiều điều ở những thành viên kỳ cựu trong tổ, các chuyên gia về ông Sáu Dân. Đó là bằng chính tấm gương, tấm lòng và cách làm việc của mình, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phát hiện, tháo gỡ những rào cản, tạo điều kiện và lôi cuốn bao người có ý chí, trí tuệ và năng lực cùng chung tay, dốc sức cho công cuộc Đổi mới.

Mặc dù không thường xuyên tham gia các cuộc làm việc liên tục của Tổ Tư vấn/Ban Nghiên cứu, nhưng ông Sáu Dân luôn luôn hiện hữu trong các hoạt động của Tổ/Ban. Sự hiện hữu đó là tư duy, đường hướng đổi mới của ông, là cách tiếp cận các vấn đề luôn cởi mở, sáng tạo, vừa khoa học vừa thực tế, là mối quan tâm thường trực đến lợi ích của đất nước, của người dân... được ông truyền đến mọi người, chỉ dẫn cho chúng tôi, thành những tiêu chí xuyên suốt trong công việc.

Bằng chính tấm gương, tấm lòng và cách làm việc của mình, ông Sáu Dân đã phát hiện, tháo gỡ những rào cản, tạo điều kiện và lôi cuốn bao người có ý chí, trí tuệ và năng lực cùng chung tay, dốc sức cho công cuộc Đổi mới.

Đó còn là tinh thần trách nhiệm, ý thức học hỏi, cầu thị, lắng nghe đồng nghiệp, lắng nghe cộng sự, đặc biệt là lắng nghe dân mà ông là tấm gương sáng, đã thúc đẩy chúng tôi luôn chú trọng đọc từ nhiều nguồn, nghe bằng nhiều tai, đi đến tận nơi, gặp gỡ từng người liên quan trước khi tập hợp lại để làm thành những báo cáo, khuyến nghị gửi ông về vấn đề gì đó. Không khí làm việc tận tâm, sôi nổi, phóng khoáng trong Tổ/Ban “5 không” thực sự luôn thúc giục tinh thần trách nhiệm, lòng đam mê đối với công việc và khát khao học hỏi, cống hiến của mọi thành viên, đồng thời đã gắn bó chúng tôi với nhau trong tình bằng hữu sâu đậm.

Những khi sắp xếp được để đến làm việc cùng Tổ/Ban, ông Sáu lắng nghe, ghi chép cẩn thận, thi thoảng hỏi lại cho rõ hơn những điều người báo cáo chính trình bày, rồi yêu cầu mọi người lên tiếng. Ông thường hỏi kỹ tại sao lại xảy ra hiện tượng hoặc sự việc nọ kia, tại sao lại làm thế này, có các khả năng hoặc phương án khác không, kinh nghiệm các nước khác trong xử lý những vấn đề tương tự ra sao, làm thế nào để có lợi nhất cho đất nước, cho dân.

Ông đặc biệt chú ý tới những hệ quả đa chiều và lâu dài, những hiệu ứng phụ, những mặt trái của vấn đề, hoặc những tác động bất lợi có thể xảy ra dù chỉ với một nhóm nhỏ trong cộng đồng xã hội, và những giải pháp để khắc phục hay ít nhất là giảm nhẹ những bất lợi đó. Những câu hỏi của ông hoàn toàn không dễ trả lời. Nhiều vấn đề ông muốn đưa ra thực hiện cũng không dễ dàng được thông qua trong hệ thống làm việc rất đặc thù ở nước ta. Nhưng cách ông làm việc đã cho chúng tôi bài học vô giá, đó là làm thế nào thuyết phục những người khác, tạo ra sự đồng thuận, hoặc để được thông qua theo hệ thống làm việc rất đặc thù của ta.

Ngay ở chính “đồn lũy số một của cơ chế kế hoạch hóa tập trung cũ”, là Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và sau đó là Chính phủ vốn chưa hề quen với cơ chế thị trường, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, với tư cách Chủ nhiệm Ủy ban, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đã tìm được ở các nơi đó những nhân tố mới và có cách gỡ những “rào cản” nặng nề vốn có, những “lối mòn” cả về tư duy và các quy định, cách thức, lề thói, lớp lang tiến hành công việc đã quá lạc hậu, để mở đường cho những nhân tố mới đi lên. Chính những người tài được ông phát hiện và đưa ra từ bộ máy cũ, dưới sự dẫn dắt của ông, đã góp phần tạo nên guồng máy mới năng động, hiệu quả để thực thi các chủ trương, chính sách Đổi mới, góp phần đưa tư duy và các phương thức Đổi mới lan tỏa và thấm sâu dần vào các cấp, các ngành, các vùng trong cả nước.

Tôi cảm nhận rất rõ ông Sáu Dân là người truyền lửa vĩ đại. Ngọn lửa của lòng yêu nước thương dân, ngọn lửa của tư duy đổi mới, sáng tạo, ngọn lửa của tinh thần học hỏi, lắng nghe, ngọn lửa của tâm tình bao dung, hòa hợp… Ông đã thắp sáng và truyền rộng khắp đất nước này, truyền tới cả hàng triệu người Việt đang sinh sống khắp năm châu. Ngọn lửa đó đã lan truyền xuyên suốt mấy thế hệ vừa qua và đang tiếp tục bùng lên trong những thế hệ trẻ tiếp nối.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Nguồn SGĐT: https://www.saigondautu.com.vn/nguoi-truyen-lua-cho-doi-moi-post100241.html