Người 'truyền lửa' khởi nghiệp trên đồi chè Long Cốc
Giữa những đồi chè xanh mướt của Long Cốc, chàng trai dân tộc Mường Hà Văn Luận đã tiên phong xây dựng homestay, tạo nên một mô hình du lịch cộng đồng độc đáo, vừa phát triển kinh tế vừa bảo tồn bản sắc văn hóa.

Không gian homestay trên ngôi nhà sàn
Khởi nghiệp từ ngôi nhà sàn nhỏ
Sinh năm 1997 tại xã Long Cốc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, Hà Văn Luận lớn lên giữa thiên nhiên hoang sơ, nơi những đồi chè bát ngát tạo nên khung cảnh thơ mộng hiếm có. Dù vùng đất được ví như “Vịnh Hạ Long trên cạn” với cảnh sắc nguyên sơ, nhưng du lịch địa phương vẫn chưa khai thác triệt để tiềm năng sẵn có. Du khách chỉ đến tham quan rồi rời đi, không có nơi lưu trú hay trải nghiệm dài ngày. Từ trăn trở đó, năm 2019, anh Luận quyết định khởi nghiệp với mô hình homestay kết hợp du lịch cộng đồng.
Không có nguồn vốn lớn, anh cải tạo căn nhà sàn truyền thống của gia đình thành homestay. Với ý tưởng giữ nguyên những nét đặc trưng của kiến trúc Mường, đồng thời bổ sung các tiện nghi cần thiết để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Anh tổ chức các hoạt động trải nghiệm như hái chè, pha trà, thưởng thức đặc sản địa phương, giúp du khách hiểu hơn về văn hóa Mường.

Anh Luận dọn dẹp và sắp xếp lại không gian để chuẩn bị đón khách
Tuy nhiên, mọi thứ không diễn ra suôn sẻ, những ngày đầu, homestay rơi vào cảnh vắng khách, chi phí vận hành ngày càng cao. Có những thời điểm, chỉ lác đác một vài đoàn khách ghé thăm, thu nhập không đủ bù đắp chi phí đầu tư, thậm chí, có lúc anh nghĩ đến việc từ bỏ. Nhưng với niềm tin rằng du lịch Long Cốc có tiềm năng phát triển, anh vẫn kiên trì tìm cách cải thiện dịch vụ, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình homestay thành công khác.

Homestay trưng bày các vật dụng xưa của dân tộc Mường
Biến thử thách thành cơ hội
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2020, ngành du lịch gần như bị đóng băng, không có khách đồng nghĩa với việc homestay của anh Luận đứng trước nguy cơ phải ngừng hoạt động. Thay vì chấp nhận thất bại, anh tận dụng thời gian này để đẩy mạnh quảng bá trên mạng xã hội. Anh bắt đầu chia sẻ hình ảnh về đồi chè Long Cốc vào những buổi sáng sương mù, kể những câu chuyện về văn hóa Mường, giới thiệu các hoạt động trải nghiệm tại homestay. Những bài viết này nhanh chóng nhận được sự quan tâm từ cộng đồng yêu du lịch. Khi tình hình dịch bệnh dần ổn định, homestay của anh đã trở thành một trong những điểm đến được nhiều người tìm kiếm.
Sự kiên trì đã giúp anh Luận biến khó khăn thành cơ hội, ngoài những du khách cá nhân, homestay của anh còn được các công ty lữ hành, du khách nước ngoài lựa chọn làm điểm dừng chân trong các tour du lịch khám phá vùng trung du Bắc Bộ.
Anh Hà Văn Tuần - một hướng dẫn viên du lịch tại Long Cốc, chia sẻ: “Tôi đã chứng kiến quá trình phát triển của homestay từ những ngày đầu đầy khó khăn cho đến khi trở thành điểm đến được nhiều người biết đến. Luận không chỉ làm du lịch mà còn giúp bảo tồn giá trị văn hóa Mường, mang lại trải nghiệm chân thực cho du khách”.

Anh Luận và du khách Tây mặc trên mình bộ trang phục truyền thống người Mường
Thành công và những đóng góp cho cộng đồng
Nhờ những nỗ lực không ngừng, năm 2023, Hà Văn Luận được Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Phú Thọ trao tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc trong hoạt động thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp. Ngoài ra, anh còn nhận được bằng khen từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Thọ, có những đóng góp tích cực trong phong trào thi đua yêu nước và bảo tồn văn hóa truyền thống.

Hà Văn Luận nhận bằng khen Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Phú Thọ
Không dừng lại ở việc phát triển kinh doanh, anh Luận chủ động giúp đỡ những người trẻ trong vùng có mong muốn khởi nghiệp. Anh thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cách xây dựng, vận hành homestay và khuyến khích khởi nghiệp. “Thành công không chỉ là việc bản thân đạt được điều gì, mà còn là việc có thể lan tỏa giá trị tích cực đến cộng đồng”, anh chia sẻ.
Anh mong muốn phát triển Long Cốc thành một điểm đến du lịch cộng đồng chuyên nghiệp, nơi mà du khách có những trải nghiệm thực sự về thiên nhiên và văn hóa Mường. Anh đang lên kế hoạch mở rộng mô hình homestay, kết nối với các đơn vị lữ hành để xây dựng các tour du lịch dài ngày, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương để quảng bá du lịch Long Cốc ra thị trường quốc tế.
Câu chuyện khởi nghiệp của anh Hà Văn Luận, minh chứng cho tinh thần dám nghĩ, dám làm của những người trẻ. Hành trình ấy vẫn đang tiếp tục, mở ra những cơ hội mới cho du lịch cộng đồng Long Cốc, nơi kinh tế và văn hóa giao thoa, nơi mỗi du khách tìm thấy điểm đến ấm cúng và còn cảm nhận được hồn cốt, cái đẹp giản dị của người Mường.