Người vác tù và...

Chiếc ôtô chở bầu đoàn thê tử nhà tôi đỗ xịch trước sân chung cư. Vợ con tôi đang ngơ ngác ngó ngược lên khu 5 tầng thì một phụ nữ trung tuổi chạy đến. 'Có phải nhà chú Lập không?'. 'Vâng. Em là Lập ạ. Có việc gì vậy bác?'. 'Tôi là Quản, tổ trưởng khu chung cư này. Biết tin chú dọn nhà đến ở, tôi đã báo cho các cháu sinh viên đến giúp cô chú khuân đồ. Chú thuê ở tầng bốn chứ gì?'.

Nói dứt câu, chẳng kịp cho tôi đồng ý hay không, bà Quản vỗ tay mấy cái làm hiệu và ngẩng lên tầng: “Chúng mày đâu. Xuống làm nhiệm vụ!”. Tôi đang loay hoay không biết làm thế nào để đưa được những thứ lỉnh kỉnh này lên tận tầng bốn thì thấy khoảng chục thanh niên từ các tầng cùng chạy đến. Đứa bê xoong, đứa xách hòm quần áo. Mấy đứa xúm lại khuân tủ, khiêng giường. Vợ chồng tôi ớ người. Mới chân ướt chân ráo đến đây, biết ngay gian thế nào mà cả bọn khuân khuân, vác vác cứ như là đồ của họ vậy? Sểnh ra thì lấy cái gì mà dùng? Bà Quản biết ý, khoát tay: “Cô chú yên tâm. Có gì tớ chịu trách nhiệm. Ở đây là thế. Vô tư nhé”.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Loáng một cái, tất cả đã gọn ghẽ. “Xong rồi bầm nhé”. “Còn làm gì nữa không u?”. “Tối nay lại tập văn nghệ chứ bầm?”. “U nhớ bảo các ông ấy đừng cắt điện nhé, dạo này nóng lắm, chúng con lại đang ôn thi”. “Hết việc thì bọn con về đây u ạ!”. Đứa bầm, đứa u nghe ríu rít. Bà Quản phẩy tay: “Được rồi! Chúng bay về mà nghỉ rồi còn đi học. Nhớ tối nay tập văn nghệ đấy. Nghe chửa?”. Cả bọn dạ ran, chào vợ chồng tôi và bà Quản, kéo nhau về lại phòng trọ. Bà Quản còn lưu lại giúp vợ chồng tôi một số việc lặt vặt nữa. Vừa làm, bà vừa ríu ran hỏi chuyện cứ như quen thân tự bao giờ.

Ngày đầu tiên tôi đến ở chung cư này, gặp bà Quản, tổ trưởng dân phố như thế đấy. Về sau, tôi mới biết, không chỉ nhà tôi mà các gia đình khác dù đến hay đi, bà Quản đều sốt sắng huy động khi thì sinh viên trọ học, khi thì một số người trong khu đến, mỗi người một chân một tay khuân vác, thu dọn đồ đạc giúp gia chủ.

* * *

Đang là công nhân ngành điện lực nhưng bà Quản vẫn được mọi người ở khu chung cư này bầu giữ chức tổ trưởng dân phố. Mọi người ai cũng quý mến bà. Đám thanh niên choai choai, từ sinh viên trọ học đến con cái các gia đình ở khu chung cư đều gọi bà Quản là bầm, là u. Tính bà xởi lởi, thẳng thắn, toàn lo việc thiên hạ. Bà to cao, có phần hơi thô và xốc vác như đàn ông. Ăn sóng nói gió, bỗ bã khiến nhiều người có phen mất mặt mà không làm gì được bà. Bà có điệu cười khá đặc biệt. Rất sảng khoái. Hơ hơ ha ha... Cười hết cỡ. Cười xả láng. Người ta bảo giời cho bà tiếng cười ra tiền ra của ấy. Của tiền chả thấy đâu nhưng ai cũng yêu bà, mến bà. Có người cố bắt chước điệu cười của bà mà không được.

Bà Quản hơn tôi mười lăm tuổi. Bà vừa như chị cả lại vừa như người mẹ của chúng tôi. Thuận miệng theo lũ trẻ của khu, vợ chồng tôi cũng gọi bà là bầm từ lúc nào không biết. Một điều bầm Quản, hai điều bầm Quản, vui đáo để. Bầm Quản cũng ào ào hơ hơ như một lẽ đương nhiên. Bận công việc của trạm điện như thế mà hễ về đến khu là nghe giọng nói, tiếng cười của bà liền. Quát lũ trẻ nghịch bẩn, nhắc bọn thanh niên đi đứng ý tứ, gọi người phơi quần áo đúng chỗ, bảo cô Hạnh xếp gọn bãi gửi xe, thuận tay cầm cái chổi quét mấy đống rác, bầm Quản cứ oang oang cả khu chung cư. Có hôm ngồi nói chuyện với bà quán nước, bầm Quản cười hơ hơ ha ha. Tiếng cười tận tầng 5 nghe còn rõ. Xong đâu đấy bầm mới thong thả bước lên tầng ba về nhà mình. Vừa leo tầng, bầm vừa hát. Gặp ai, bầm vẫn hát. Hát nhưng bầm vẫn khẽ gật đầu chào họ.

Giọng bầm Quản khỏe, vang xa và hơi bị chênh vênh. Đang ở gam này lại rơi tõm vào gam khác nhưng bầm vẫn cứ hát vô tư. Biết giọng của mình phô nên mỗi kỳ hội diễn văn nghệ, trong dàn đồng ca của khu, bầm Quản đều nhường “mic” cho người khác. Cái máu văn nghệ ngấm sâu vào huyết quản của bầm. Kèm theo đó là máu hiếu thắng nữa. Chả thế mà không kỳ hội diễn giao lưu văn nghệ nào mà khu chung cư này không tham gia. Đã tham gia là phải có giải, mà giải phải là giải cao thì bầm mới chịu.

Nhiệm vụ chính của bầm là trèo cột điện ghi số công tơ. Cả tuyến bầm quản lý hàng mấy trăm hộ nên việc leo trèo cũng khá vất vả. Kể cũng lạ, đàn bà lại leo trèo cột cơ chứ. Đời bầm Quản cũng khá lận đận. Hai lần đò. Lần đò trước kéo theo hai người con vào Sài Gòn. Lần đò sau, trẻ hơn bầm mấy tuổi và cũng có hai thằng con. Bầm luôn là hoa hậu trong nhà. Được cái, “đò trẻ” rất yêu bầm. Các con bầm thì khỏi nói, bầm luôn là “năm bờ oăn”. Suốt ngày nhà bầm đầy ắp tiếng cười.

Nhà bầm ở tầng ba, ngay dưới sàn nhà tôi. Có chuyện gì của nhà, nhà tôi đều biết hết. Tính xởi lởi của bầm lây sang mọi người, cả Nguyệt vợ tôi nữa. Những hôm vệ sinh chung cư hay đóng góp ủng hộ Rằm Trung thu, Tết Thiếu nhi 1/6, bầm Quản và vợ tôi cầm đầu cùng lũ trẻ ầm ào khua khoắng vui đáo để. Ai cũng ủng hộ. Nhà nào cũng góp của góp công. Nhà bầm thành trụ sở cắt dán, thiết kế đèn kéo quân, đèn ông sao, kiệu rước Bác Hồ. Cả nhà bầm cùng số thanh niên cùng bò ra để làm.

Không chỉ lo việc vệ sinh, trật tự, chăm sóc lũ trẻ trong khu, bầm Quản còn sốt sắng hỏi han những gia đình có công to việc lớn. Cưới xin, ma chay, mừng thọ... bầm có mặt ngay từ đầu. Cắt đặt công việc, đón tiếp khách, vồn vã như việc nhà mình. Nhà nào có cha già, mẹ héo, ốm đau, bệnh tật, neo đơn bầm đều nắm được. Bầm không đi một mình bao giờ mà tiện ai rủ nấy. Nguyệt, vợ tôi hay được bầm gọi đi cùng nhất.

Những lúc cần huy động nhân lực, bầm mới ới lũ sinh viên trọ học ở tầng 5 xuống, như hôm nhà tôi dọn đến chẳng hạn. Có hôm, trong cuộc vui, nhiều đứa bạo miệng nói: “Lẽ ra tên bầm không có dấu hỏi thì tốt”. “Ừ nhỉ! Đúng ra bầm phải làm quan mới đúng!”. “Chả làm quan nhưng bầm cũng quản cả khu chung cư này rồi còn gì!”. “Quản cả khu nhưng mà không có lương, cũng chẳng có bổng lộc gì cả”. “Thì thế mới là u Quản chứ!”. Bầm Quản nghe thấy chỉ cười hơ hơ ha ha.

Cái đận thằng cả nhà tôi đang đêm lên cơn sốt xình xịch. Vợ tôi ôm con mếu máo. Mất điện nên tối om. Tôi cuống cuồng chẳng biết làm việc gì trước, việc gì sau. Chạy tìm thuốc, dấp khăn mặt, lóng ngóng va vào bàn ghế. Cái nọ đổ xô vào cái kia lịch kịch. Con út thấy anh và mẹ vậy khóc ời ời. Đang rối bời như thế thì bầm Quản xuất hiện. Cái đèn pin đa năng trên tay, bầm soi vào tận mặt con tôi.

Đặt bàn tay lên trán cháu, bầm nói: “Sốt cao quá! Lấy lá dấp cá giã nhỏ vắt lấy nước cho nó uống, rồi lấy bã đắp lên trán. Lát là hạ nhiệt thôi!”. Biết tìm đâu lá dấp bây giờ? Giữa thành phố, tận trên tầng bốn lưng chừng trời này? Biết ý, bầm Quản cầm đèn chạy hộc tốc xuống cầu thang, một lúc sau thì mang về một nắm lá dấp cá. Rồi bầm rửa, giã, vắt, dỗ dành thằng cu uống, đắp bã lên trán cháu. Lát sau thì cháu đỡ sốt. Đêm đó bầm thức với vợ chồng tôi tới tận sáng.

Trong khu chung cư có ông Phẻng sống độc thân ở tầng ba, cùng tầng với bầm Quản. Ông này nghe nói hình như là họa sĩ hay nhà điêu khắc thì phải. Do ngu ngơ thế nào đó nên vợ ông đã bỏ đi lấy chồng khác. Ông Phẻng rất hay nhặt nhạnh, sưu tập đồ phế thải. Ban công nhà ông chật cứng nào quạt điện hỏng, ghế gỗ gãy, xoong nồi méo tai, cả cái bàn đệm mút mọt ruỗng ra ông cũng khuân về. Mọi người góp ý thế nào ông cũng không chịu bỏ đi. Nhà ông thành thiên đường của chuột, gián, muỗi ruồi và mạng nhện. Mạnh mẽ, mềm mỏng như bầm Quản cũng đành bó tay.

Một hôm, được tin ông Phẻng về quê ăn cưới, bầm Quản liền huy động cánh sinh viên đến dọn dẹp. Mất gần buổi sáng thì khu ổ chuột sạch bong. Bầm Quản còn vận động mọi người góp tiền mua và khuân về kê cho ông một bộ bàn ghế cũ giả da màu nâu. Khi ông Phẻng lên, cả khu nín thở theo dõi. Ông thoáng ngỡ ngàng. Bầm Quản xuất hiện: “Chúng tôi dọn dẹp lấy chỗ cho ông ngồi làm thơ và vẽ tranh nhé”. Ông Phẻng cười cười. Từ đó trở đi, gặp ai trong khu chung cư cũng thấy ông Phẻng cười tủm tỉm. Căn bệnh đồng nát của ông cũng tiệt hẳn.

Tuy vậy, cũng có lần bầm Quản không gặp may. Ấy là cái đận bầm nhắc nhở mụ Hạnh ở tầng một chăng dây giữ xe máy nghênh ngang hết cả sân. Chẳng những mụ ta không nghe mà còn lu loa kêu gào, gọi anh em đến gây sự. Mọi người phải xúm lại can ngăn, giải thoát cho bầm Quản. Đúng là quyền rơm vạ đá cái chức tổ trưởng dân phố. Khi trật tự phường đến giải tỏa không cho mụ Hạnh giữ xe nữa thì chính bầm Quản đã vận động mọi người ký tên vào đơn xin cho nhà ấy tiếp tục công việc. Phần vì hoàn cảnh éo le, chồng bỏ, không có công ăn việc làm, lại phải nuôi con, phần nữa thì khu chung cư cũng có nhu cầu gửi xe mà nhà ấy lại tiện vị trí mặt bằng. Khi đó, mụ Hạnh mới ngượng nghịu cảm ơn bầm Quản nhưng bầm chỉ cười hơ hơ...

Chiều nay, vừa ở cơ quan về, bước vào cổng khu chung cư, tôi gặp ngay bầm Quản. Bà túm lấy tay tôi: “Sắp hội diễn văn nghệ phường rồi, chú viết cho khu một bài hát nhé. Viết hay hay vào. Được chủ đề về biển đảo thì càng tốt. Tối nay, mời cô chú xuống sân ta tập văn nghệ. Kỳ này mình tổ chức “đan - xing” chú ạ!”. Tôi ú ớ. Bầm cứ làm như tôi giỏi sáng tác lắm không bằng. Cái chân văn phòng quèn biết gì thơ nhạc mà sáng tác. Tôi chưa kịp nói gì thì bầm đứng nghiêm trước mặt, hai tay nắm hai mép quần, nghiêng mình, cúi người rất điệu, đúng kiểu diễn viên ra sân khấu. Sau đó thì bầm hát. “Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay. Chưa có bao giờ lòng ta mê say”. Sau đó thì bầm phá ra cười ha ha hơ hơ...

Tôi cũng cười theo rồi lặng ngắm bầm Quản xăng xái đi về cuối dãy. Chợt nhớ có lần ai đó nghe bầm tập hát ông ổng ở nhà đã nói bầm là đồ hâm. Hâm ư? Hâm mà được như bầm thì chung cư này được nhờ. Chả thế mà hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác, bầm Quản vẫn được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ dân phố. Khu chung cư 5 tầng của tôi trở thành khu dân cư văn hóa là có công lao to lớn của bầm Quản. Cứ cung cách này, năng lượng của bầm Quản dồi dào như thế thì còn lâu chúng tôi mới cho bầm nghỉ hưu chức tổ trưởng.

Truyện ngắn của Đỗ Xuân Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nguoi-vac-tu-va-151317.bbg